Tâm huyết của các biên đạo múa Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 3:03:52 PM

YBĐT - Người làm biên đạo múa ở Yên Bái không nhiều nên nói đến các biên đạo như Hoàng Anh Đậu, Bích Thảo, Xuân Bình, Phú Bình, khán giả yêu nghệ thuật múa Yên Bái không những quen mặt mà còn có thể kể tên một vài tiết mục của họ.

Điệu múa “Tắm suối” được khai thác chất liệu từ múa Thái nhẹ nhàng, uyển chuyển. 
(Ảnh: Sơn Nam)
Điệu múa “Tắm suối” được khai thác chất liệu từ múa Thái nhẹ nhàng, uyển chuyển. (Ảnh: Sơn Nam)

Cũng bởi các biên đạo múa đều từng là diễn viên múa của Đoàn Nghệ thuật tỉnh trước khi được đào tạo bài bản thành biên đạo múa. Điểm chung ở họ là ai cũng yêu thích nghệ thuật múa; say mê, tâm huyết với nghề múa; với việc biên đạo, khai thác các chất liệu dân vũ Yên Bái để đưa múa dân gian Yên Bái đến gần với công chúng hơn.

Nói về nghệ thuật dân vũ dân gian Yên Bái, phải kể đến múa Xòe của đồng bào Thái; múa Mỡi của người Mường; điệu Tẹ-cạ-Grang của người Khơ Mú; múa Sênh tiền của người Mông, múa Pâng Loóng của người Cao Lan… Mỗi vũ điệu không chỉ mang một vẻ đẹp riêng trong cách thể hiện mà còn hàm chứa những mong ước, khát vọng của đồng bào. Bởi thế, khi khai thác những chất liệu dân vũ phong phú, độc đáo đó; các biên đạo múa đều cố gắng không chỉ mượn, mô phỏng động tác mà còn giữ được phần hồn của mỗi điệu múa. Chính phần hồn ấy đã làm nên sức sống của mỗi điệu múa từ bao đời nay trong đời sống dân gian và thể hiện được đặc trưng riêng của từng dân tộc.

Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), biên đạo múa Bích Thảo, một người con dân tộc Tày ở vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên: “Phải hiểu được ý nghĩa từng bước múa của mỗi dân tộc mới có thể khai thác, dàn dựng thành công chất liệu đó”.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề múa và công việc biên đạo, NSƯT Bích Thảo hiểu rõ vẻ đẹp trong múa Thái là những bước múa nhẹ nhàng, uyển chyển, khoe được sự duyên dáng, mềm mại trong hình thể của người con gái Thái.

Múa Cao Lan lại mạnh mẽ với những bước nhảy dứt khoát, nhanh, mạnh, bộc lộ hết sức mạnh cơ bắp ra ngoài. Múa Mông có nhiều bước quay, cũng nhanh, mạnh những vẫn thể hiện được sự khéo léo.

Điệu múa Then của dân tộc Tày lại là những bước dậm nhẹ nhàng, uyển chuyển thể hiện sự nữ tính, dịu dàng, kín đáo của cô gái Tày; múa “tăng bẳng” lại giống múa võ với nhiều bước nhanh, khoẻ, chính xác, kết hợp với tiếng trống, ống nứa nhịp 3/7 rõ ràng, thể hiện nhịp điệu lao động khoẻ khoắn, mong ước sức khoẻ dồi dào, cuộc sống ấm no…

Múa “cá lượn” của dân tộc Khơ Mú với những vũ điệu mang tính phồn thực thể hiện những khát vọng, mong ước ngàn đời về hạnh phúc, tình yêu đôi lứa… Khi khai thác chất liệu dân vũ nào để dàn dựng tiết mục, NSƯT Bích Thảo luôn cố gắng để người xem nhận ra ngay đó là nét đặc trưng của dân tộc nào.

Hiện nay, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật phường Yên Thịnh, đảm nhiệm việc biên đạo múa chính cho CLB NSƯT Bích Thảo vẫn ngày ngày đưa nghệ thuật múa dân gian Yên Bái đến gần hơn với đời sống tinh thần của công chúng tỉnh nhà. Do các thành viên đội múa của CLB hầu hết đã cao tuổi, lại không chuyên, chỉ có niềm đam mê văn hóa văn nghệ nên khi dàn dựng tiết mục cho đối tượng này, biên đạo múa Bích Thảo không thiên về kỹ thuật mà chủ yếu làm nổi bật ý nghĩa của vũ điệu dân gian đó, vũ điệu đó thể hiện mong ước gì, nói lên điều gì.

Nhờ những tiết mục như vậy, nghệ thuật múa dân gian Yên Bái vẫn âm thầm lan tỏa sức sống trong đời sống hiện đại. Đó cũng là nguyện vọng, tâm huyết mà NSƯT Bích Thảo chưa bao giờ ngơi nghỉ phấn đấu.

Với biên đạo múa, NSƯT Hoàng Anh Đậu - nguyên Phó giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh, sau khi nghỉ hưu, biên đạo múa Hoàng Anh Đậu vẫn luôn tích cực với việc gìn giữ nghệ thuật múa dân gian; vẫn đam mê với nghệ thuật múa qua vai trò Trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Yên Bái.

Năm 2014, khi đảm nhiệm vai trò biên đạo cho “Màn đại xòe cổ” dân tộc Thái - Mường Lò xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam, biên đạo múa Hoàng Anh Đậu đã dành gần 2 tháng trời cùng ăn cùng ở với đồng bào Thái ở Mường Lò để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa và sức sống của điệu múa Xòe trong đời sống dân gian.

“Màn đại xòe cổ” vừa hoành tráng, vừa lung linh giữa đêm Mường Lò - vùng đất của huyền thoại được đông đảo bà con, du khách gần xa tán thưởng và cùng hòa mình say trong điệu Xòe là những kỉ niệm đẹp không thể nào quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của biên đạo múa Hoàng Anh Đậu. Bà luôn mong ước và cố gắng sẽ biên đạo được nhiều hơn những màn múa tập thể mang tính cộng đồng rộng rãi như vậy để quảng bá, giới thiệu với công chúng trong và ngoài tỉnh hiểu hơn, yêu hơn nghệ thuật múa dân gian Yên Bái.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề múa, đã biên đạo nhiều tiết mục đạt các giải thưởng lớn nhỏ từ địa phương đến trung ương nhưng niềm vui sướng nhất của biên đạo múa Hoàng Anh Đậu là thấy được các vũ điệu dân gian của quê hương Yên Bái vẫn luôn dồi dào sức sống, vẫn được đồng bào các dân tộc và công chúng tỉnh nhà đón nhận nhiệt tình.

Cả cuộc đời theo đuổi và dành hết tâm huyết cho nghệ thuật múa dân gian Yên Bái, NSƯT Hoàng Anh Đậu tâm sự: “Bởi lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ và lúc còn nhỏ xíu đã theo các anh chị đi múa trong những ngày vui của bản như hội Lồng tồng, hội mừng cơm mới… tôi sớm đam mê những điệu múa quê hương. 14 tuổi, tôi đã xa gia đình tham gia vào đoàn Văn công Nghĩa Lộ. Khi ấy, chỉ ý thức rằng “tham gia văn công để được múa và phục vụ kháng chiến” nhưng qua thời gian học tập, khổ luyện, trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp, rồi một biên đạo múa; tôi càng thêm yêu nghệ thuật múa dân gian và luôn mong muốn gìn giữ, phát huy những điệu dân ca dân vũ quê hương Tây Bắc”.

Là một người con dân tộc Tày nhưng tác phẩm đầu tay nghệ sĩ Hoàng Anh Đậu biên đạo lại lấy chất liệu múa của dân tộc Thái. Tác phẩm “Hoa trên bản Thái” này đã được dàn dựng đi tham dự Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đạt giải B. Giải thưởng đầu tiên đó là động lực để nghệ sĩ Hoàng Anh Đậu tiếp tục gặt hái nhiều thành công sau này. Tâm nguyện lớn nhất hiện giờ của biên đạo múa Hoàng Anh Đậu là còn sức khỏe thì còn cống hiến, còn tiếp tục gửi gắm hơi thở, tình yêu của người Tây Bắc với núi ngàn quê hương qua các tiết mục múa.

Điều đáng mừng cho nghệ thuật biên đạo múa Yên Bái là tiếp bước sự thành công và tâm huyết của những biên đạo đi trước như NSƯT Bích Thảo, NSƯT Hoàng Anh Đậu; nhiều diễn viên múa ngay từ khi còn tuổi nghề đã theo đuổi đam mê trở thành biên đạo múa như biên đạo múa Phú Bình, biên đạo múa Xuân Bình, biên đạo múa Kim Oanh... “Đòi hỏi ở một nghệ sĩ múa là sự khổ luyện thường xuyên với những cố gắng không mệt mỏi nhưng để biên đạo nên những tác phẩm múa và dàn dựng thành công tác phẩm ấy càng phải khổ luyện hơn - bởi múa là môn nghệ thuật dùng hình thể con người để thể hiện cảm xúc, bộc lộ tình cảm, suy tư…

Theo đuổi nghề biên đạo múa đòi hỏi phải có vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc, sự quan sát tinh tế, trăn trở suy tư và sáng tạo… nhưng nếu không có tình yêu cùng niềm đam mê môn nghệ thuật này thì không thể trụ với nghề” - đó là điều biên đạo múa Xuân Bình đã xác định khi quyết định trở thành biên đạo múa.

Hiện nay, anh đang là Phó giám đốc Đoàn Nghệ thuật Yên Bái. Hoạt động chuyên môn và công tác quản lý chiếm hầu hết thời gian của anh nhưng anh vẫn luôn dành tâm huyết đi sưu tầm, khai thác chất liệu múa dân gian để sáng tạo, dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn sân khấu vừa mang đặc trưng của nghệ thuật múa dân gian; vừa toát lên hơi thở, nhịp điệu cuộc sống hiện đại.

Qua mỗi lần Đoàn Nghệ thuật tỉnh đi diễn ở khắp các vùng miền trong tỉnh và ở cả những chương trình nghệ thuật lớn, cảm nhận được sự đón nhận nhiệt tình, hồ hởi của khán giả, biên đạo múa Xuân Bình càng thêm quyết tâm đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với đời sống tinh thần của đồng bào.

Điều các biên đạo múa đều băn khoăn, trăn trở là hiện nay, những vũ điệu dân gian truyền thống đang dần mất đi nét đẹp nguyên bản, bị pha tạp, lai căng bởi sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ của lối sống hiện đại. Các nghệ nhân dân gian - người lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc thì ngày một cao tuổi và ít đi. Cần bảo tồn, kế thừa, phát huy múa dân gian trong đời sống hiện đại và làm thế nào để nghệ thuật múa đến được với đời sống đại đa số công chúng sâu rộng hơn, thường xuyên hơn. Đó là nhiệm vụ không chỉ của các nhà nghiên cứu sưu tầm, các cơ quan văn hóa, các biên đạo múa mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Tin rằng, với tâm huyết và cố gắng không mệt mỏi của các biên đạo múa: Bích Thảo, Hoàng Anh Đậu, Phú Bình, Xuân Bình… nghệ thuật múa dân gian Yên Bái sẽ luôn giữ được vẻ đẹp độc đáo riêng có và ngày càng gần gũi, thân thuộc trong đời sống tinh thần công chúng tỉnh nhà.

Anh Thư

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục