Đông Cuông giữ gìn bản sắc truyền thống người Tày Khao

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2016 | 9:36:44 AM

YBĐT -Cùng với nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, người Tày Khao ở Đông Cuông, huyện Văn Yên còn luôn biết cách gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong các làn điệu dân ca, dân vũ.

Đội văn nghệ Tày Khao, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông (Văn Yên) luyện tập điệu múa xúc tép.
Đội văn nghệ Tày Khao, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông (Văn Yên) luyện tập điệu múa xúc tép.

Xã Đông Cuông có gần 2.000 hộ dân, với trên 600 hộ là người Tày Khao. Hiện nay, trong các dòng họ của người Tày Khao có dòng họ Hà đang lưu giữ sắc phong của đền Đông Cuông - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Người Tày Khao ở Đông Cuông vẫn còn giữ nguyên bản sắc dân tộc truyền thống như trang phục nam, nữ, các làn điệu dân ca dân vũ và phong tục tập quán trong các ngày lễ, tết.

Độc đáo trong văn hóa ẩm thực là các món ăn truyền thống dân tộc được lưu truyền, gìn giữ từ nhiều đời nay, tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc người Tày Khao. Sinh hoạt ẩm thực thường ngày của người Tày Khao được chế biến từ thóc gạo, sắn, khoai, cá suối, rau rừng, rong suối... nhưng mang đặc trưng riêng không lẫn với nơi khác như: bánh chưng gù, bánh nẳng, nem chạo gói lá chuối rừng, chè lam, cơm lam, xôi ngũ sắc…

Đặc biệt, mùi vị thơm ngon của các món ăn dễ khiến người ta nhớ mãi như: rau cải nương hay rau rừng xôi trong chõ gỗ, măng rừng vùi trong bếp than hồng, nõn chuối rừng muối chua… Người Tày Khao ưa thích vị đậm đà của các món nướng, ăn không ngán được chế biến từ thịt trâu, lợn, gà, cá suối và được tẩm ướp gia vị, xiên bằng kẹp tre tươi, nướng trên than hồng.

Nghi thức ngày tết hay lễ cúng gia tiên chiều tối 30 tết Nguyên đán và sau giao thừa được coi là nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Tày Khao và được chuẩn bị rất công phu. Nguyên liệu chế biến là những thực phẩm, gia vị do gia đình tự chăn nuôi, trồng cấy hay lấy ở trên rừng, dưới suối chứ không mua bán ngoài thị trường. Đồng bào quan niệm “mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thể thiếu một nhánh rau xôi”.

Vì thế, trong mâm cỗ cúng tất niên, mừng năm mới của người Tày Khao không thể thiếu được món rau rừng xôi và cá suối nướng, bởi các sản vật này đều được cung cấp từ thiên nhiên, phục vụ trong bữa ăn hàng ngày và người dân dâng cúng tổ tiên, thần linh, thổ địa để bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu khấn tổ tiên phù hộ cho một năm sung túc, bữa ăn hàng ngày đều có thịt, cá, rau.

Hàng năm, lễ hội “Cầu cơm mới” của người Tày Khao diễn ra vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 Âm lịch. Khi đó, các thôn người Tày Khao trong xã lại rộn rã tiếng chày trong hội thi làm cốm. Với ý nghĩa sâu sắc, tổng kết một năm sản xuất và dâng lên thành quả lao động cúng đất, trời, các vị thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Đây đồng thời cũng là dịp để mọi người gặp gỡ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Tày Khao.

Người Tày Khao, xã Đông Cuông (Văn Yên) thi làm cốm trong Lễ hội Cầu cơm mới.

Chia sẻ kinh nghiệm đã nhiều năm tham gia thi làm cốm, bà Hà Thị Thoa ở thôn Gốc Quân cho biết: “Khi hạt lúa bắt đầu chắc hạt, vỏ vẫn còn xanh được gặt về tách từng bông rồi buộc lại thành từng túm nhỏ, đem nướng chín trên lò than củi, sau đó đem giã, sàng sảy sẽ được những hạt cốm dẻo thơm. Nếu để lúa chín quá, khi làm cốm sẽ bị vàng và không dẻo, không thơm nữa”. Cũng từ hạt cốm dẻo thơm, người Tày Khao còn chế biến ra các món ăn đặc sắc, vừa ngon mà có tác dụng bồi bổ cho sức khoẻ như cháo cốm, bánh cốm, xôi cốm, chè cốm, cơm cốm, cốm lam…

Cùng với nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, người Tày Khao ở Đông Cuông còn luôn biết cách gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong các làn điệu dân ca, dân vũ. Anh Nguyễn Đức Tĩnh - cán bộ Văn hóa, xã Đông Cuông cho biết: “15 thôn trong xã, đều có đội văn nghệ, các đội vẫn thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội tại địa phương. Những điệu khắp, lượn, điệu xòe, then, hát giao duyên, khắp coọi, múa xúc tép… là món ăn tinh thần bao đời nay đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và không thể thiếu của người Tày Khao”.

Những năm qua, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả những nét đẹp truyền thống trong trong sinh hoạt văn hóa của người Tày Khao, Đảng bộ, chính quyền xã Đông Cuông đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm giúp đồng bào hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Vũ Đồng

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục