Họ say sưa giữ hồn dân tộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2021 | 7:54:02 AM

YênBái - Hình như sáu năm rồi tôi mới gặp lại ông. Hỏi thăm tuổi tác, sức khỏe, ông lão cười và bảo: “Tớ sắp được ăn nồi bánh chưng thứ 89 rồi! Còn sức khỏe thì ơn giời thỉnh thoảng hơi đau gối tí thôi. Cơm bữa vẫn hai lưng, rượu ngày dăm chén”. "Nồi bánh chưng thứ 89" ấy chính là Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến.

Nghệ nhân Lò Văn Biến - người nghiên cứu góp ý cho một bản thiết kế trùng tu, bảo tồn di tích.
Nghệ nhân Lò Văn Biến - người nghiên cứu góp ý cho một bản thiết kế trùng tu, bảo tồn di tích.

Ngót chín mươi, vậy mà lạ thế! Tôi vẫn thấy ở Nghệ nhân dân gian (NNDG) Lò Văn Biến tất tật phong thái lần đầu gặp ông hơn hai chục năm trước. Chòm râu bạc, tóc trắng như cước buông dài quá vai. Đôi mắt tinh anh, giọng sang sảng và trí nhớ thì thuộc típ người hiếm có.

Trong số các NNDG của tỉnh, ông Biến là người sớm "nặng gánh” với sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân gian (VHDG). Ngót ba chục năm nay, trừ lúc đi vắng chứ ở nhà ông thường xuyên có khách. Khách của ông là cán bộ văn hóa của tỉnh, các tỉnh có người Thái sinh sống; các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu về văn hóa Thái; là nghiên cứu sinh, sinh viên thực tập, nhà làm phim, phóng viên báo chí, tác giả văn học, nghệ thuật… Và, ai đã gặp ông, đều chung cảm nhận, ông như pho sử sống của người Thái. 

Với thị xã Nghĩa Lộ, ông giống như một cán bộ đang công tác. Nhiều thế hệ lãnh đạo thị xã đã "khoác” lên ông bao thứ việc như giúp thực hiện đề án bảo tồn, truyền dạy chữ Thái cổ; dịch sách Thái cổ; khôi phục 6 điệu xòe cổ và xây dựng các màn đại xòe; khôi phục lễ hội truyền thống; thẩm định dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; cố vấn nội dung các tuần văn hóa - du lịch Mường Lò tổ chức thường niên...

- Động cơ nào khiến ông cứ miệt mài làm việc quên tuổi tác? - Tôi hỏi. 

- Nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là nhiều người không phải người Thái còn hết lòng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hóa Thái thì huống chi mình là người Thái. Hơn nữa, già rồi, không cố những việc này thì lỡ có "ra đi” sẽ không kịp giúp đời sau bảo tồn văn hóa! - Ông lão phân trần. 

Nghệ nhân Giàng A Su ở Trạm Tấu cũng đã "chạm ngõ” tuổi bát tuần. Nhưng khách đến chơi nhà, ông vẫn hết mình vui cuộc rượu, chuyện trò rổn rảng. Ai nói đến múa khèn, khuôn mặt ông bừng sắc. Ông lấy khèn vừa thổi vừa uyển chuyển múa và có khi đẩy lên thành cao trào vần vũ theo cung bậc núi rừng. Nhìn từ xa, chắc chả ai nhận ra đấy là vũ điệu của một ông già người Mông.

Ông kể, từ thuở bé, chẳng biết tiếng khèn ngấm vào mình từ khi nào. Thế rồi, ông cứ tự học khèn theo người lớn. Đến khi trưởng thành thì những âm điệu tự sự từ cây khèn của ông đã lay động biết bao cô gái giữa hội xuân. Sau này, được đi học, làm cán bộ đến chức chủ tịch, bí thư huyện ủy, ông càng trân quý tiếng khèn, vốn văn hóa cao dày nơi lưng núi và chú trọng chỉ đạo ngành chuyên môn của huyện vừa xây dựng giải pháp bảo tồn, phát triển VHDG vừa ra sức tuyên truyền, động viên người Mông gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. 

Thế nhưng, để cắt nghĩa được nội dung từng lễ hội, phong tục, tập quán, ngữ nghĩa dân ca… của người Mông ở Trạm Tấu thì chẳng mấy ai làm được, hoặc người hiểu được ít nhiều lại không thạo tiếng Kinh nên rất khó cho nghiên cứu, bảo tồn, phát triển. Bởi vậy, cũng như nghệ nhân Lò Văn Biến, ông Su lại làm cầu nối giúp cán bộ văn hóa tỉnh, huyện, các nhà nghiên cứu… thuận lợi hơn khi đến với kho tàng VHDG Mông. Có lần ông tâm sự:  "Muốn bảo tồn văn hóa dân tộc mình thì mình phải làm cho đồng bào thấy được cái hay, cái đẹp văn hóa thì mọi người mới yêu và giữ. Mình biết cái gì thì chỉ bảo cho người chưa biết, để họ dạy tiếp cho người khác”.



Các thành viên Câu lạc bộ hát sịnh ca Cao Lan ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Chi)

Ở mạn Đông hồ Thác Bà, nghệ nhân Hoàng Tương Lai ở xã Xuân Lai huyện Yên Bình cũng được ví như chuyên gia về VHDG Tày. Sinh ra ở vùng quê văn hiến thuộc châu Thu Vật cổ xưa, nên từ ấu thơ ông đã thấm đẫm những nét đặc sắc văn hóa được thời gian tỏa lan theo lưu vực sông Chảy. Bởi thế, nhiều năm trước, dù bận chức trách chủ tịch rồi bí thư xã, nhưng nhận thấy đang có những dấu hiệu vốn VHDG của đồng bào mình dần bị mai một, đã khiến ông gắng sức tranh thủ mọi lúc, mọi nơi nuôi chí bảo tồn văn hóa.

- Mất đi văn hóa của dân tộc mình, chẳng khác gì người mất hồn mất vía - Hoàng Tương Lai giãi bày.
Vậy là, ông say sưa sưu tầm, khảo cứu, viết sách, viết báo về những nét đẹp VHDG Tày. Ông mở nhiều lớp truyền dạy dân ca Tày và đưa cả vào giờ ngoại khóa cho học sinh trường xã. Và cũng hiếm người như ông, vừa là lãnh đạo xã vừa là chủ công phục dựng những nét sinh hoạt VHDG đặc sắc của đồng bào mình như tục hát quan làng trong đám cưới, làm then, làm pụt, nghi lễ Khảm hải… rồi kiêm cả diễn viên đem đến các liên hoan nghệ thuật quần chúng từ huyện đến tỉnh, khu vực, toàn quốc và mang về bao huy chương, niềm tự hào cho làng xã.

Cùng huyện, nhưng ở phía bờ Tây hồ Thác Bà, mấy chục năm qua, Lạc Tiên Sinh ở xã Tân Hương âm thầm ghi chép, khảo cứu, bảo tồn VHDG dân tộc Cao Lan với các loại hình: phong tục, tập quán, dân ca, truyện cổ, sử thi… Để rồi, những công trình ấy dần được nhiều người, nhiều cơ quan huyện, tỉnh, Trung ương biết đến. Theo đó, ông đã giúp ngành văn hóa tỉnh hệ thống lại hồ sơ VHDG dân tộc Cao Lan huyện Yên Bình. Giúp một số cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về tư liệu làm phim tài liệu về VHDG người Cao Lan Yên Bái.

Lạc Tiên Sinh còn tiên phong bảo tồn, phát triển tri thức bản địa trong Chi hội Đông y của xã. Trong đó, ông chú tâm vận động hội viên thống kê những bài thuốc gia truyền của các gia đình, dòng họ. Thay đổi nếp nghĩ bảo thủ "giữ bí kíp” những bài thuốc quý gia truyền và hướng tới hợp tác sản xuất sản phẩm độc quyền. Làm được điều đó, sẽ khắc phục được điều rất đáng tiếc từng xảy ra đó là, có những ông lang, bà mế không có người nối nghiệp nên thất truyền nhiều bài thuốc quý. Lạc Tiên Sinh còn mò tìm nhiều cây thuốc hiếm để làm vườn thuốc nam trong khu đồi tái sinh gần nhà cho mọi người làm theo...

Hôm rét dưới 5 độ, Lạc Tiên Sinh "cưỡi” chiếc Cub cà tàng vượt mưa trên hai chục cây số đường khó đi xuống thành phố mời anh em lên dự tổng kết Câu lạc bộ dân ca Cao Lan của xã và có mời thêm các câu lạc bộ khác ở Yên Bình và một số huyện của Tuyên Quang. Tôi bày tỏ cảm phục nhiệt huyết và Lạc Tiên Sinh mộc mạc: 

- Còn khỏe thì cứ cố gắng mà làm thôi. Nhà báo lên động viên anh em nhé! 

Tâm sự của nghệ nhân Lạc Tiên Sinh cũng là tâm sự chung của NNDG Lò Văn Biến, Giàng A Su, Hoàng Tương Lai, Đặng Thị Thanh, Điêu Thị Xiêng và họ còn chung cả niềm đam mê và tự cảm thấy bảo tồn, phát triển VHDG giống như cái duyên, cái nghiệp "vận vào thân”. 

Họ làm việc chả màng tiền bạc; thậm chí, bỏ tiền túi để làm và làm mà chẳng ai nghĩ đến một ngày nào đó mình lại vinh dự được nhận danh hiệu NNDG. Mỗi người có những cách tiếp cận riêng, lĩnh vực riêng để bảo tồn, phát triển VHDG, nhưng thành quả chung là đã giữ được những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Họ đưa được nhiều loại hình VHDG trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như nghệ thuật múa xòe và Hạn khuống của người Thái cùng những kỷ lục Việt Nam như màn đại xòe đông người nhất, chiếc khèn bè to nhất… 

Họ là những người góp sức đưa VHDG trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế, khi nhiều nét VHDG trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở khắp nơi trong tỉnh, đưa VHDG trở thành nền tảng tư tưởng bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ cho con người Yên Bái. Hơn cả, họ đã giữ được văn hóa truyền thống hòa quyện, vận động phát triển, tiếp biến đúng quỹ đạo của nó là "văn hóa ở trong dân, văn hóa từ nhân dân”, tạo nên một trong những nhân cốt tiền đề thực hiện chiến lược vì một Yên Bái phát triển "Xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc”.
Hoàng Nhâm

Tags Yên Bái xòe Thái đông hồ Thác Bà Yên Bình NGhãi Lộ người Cao Lan nghệ nhân Lò Văn Biến

Các tin khác
Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục