Bảo tồn Sình ca

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2011 | 9:24:46 AM

YBĐT - Từ bao đời nay, Sình ca vẫn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Cao Lan ở xã Vũ Linh (Yên Bình).

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh đang truyền dạy lại những giai điệu, câu hát Sình ca của dân tộc Cao Lan cho thế hệ trẻ.  (Ảnh: Thanh Chi)
Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh đang truyền dạy lại những giai điệu, câu hát Sình ca của dân tộc Cao Lan cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Thanh Chi)

Hát Sình ca hay còn gọi là hát Cọ đã có từ rất xa xưa, tương truyền là do nàng Lắm Slam sáng tạo ra, bắt nguồn từ một tình yêu đẹp giữa nàng Slam và chàng trai nghèo tên Dừn. Nhưng mối tình không thành, nàng Slam bị ép gả cho nhà giàu, nàng phải giả câm điếc suốt 3 năm và  không nguôi nhớ người tình cũ, nàng đã ấp ủ trong lòng hàng nghìn lời ca nhớ nhung da diết. Khi biết chàng Dừn chết, nàng Slam đã tựa vào gốc cây thông và hát lên những lời thương tiếc rồi trút hơi  thở cuối cùng tại đó. Hồn nàng nhập vào gốc cây thông, quanh năm bốn mùa vi vu gió hát những câu nhớ thương da diết.

Những lời hát ấy được người Cao Lan nghe và nhớ rồi truyền từ người này sang người khác và đặt tên là hát Sình ca. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trai gái người Cao Lan lại có những lời ca mời hồn nàng Slam về nhập cuộc hát Cọ và sau cuộc vui lại có những lời hát tiễn nàng đi.

Có thể nói trong kho tàng văn nghệ dân gian Cao Lan thì Sình ca là mảng đặc sắc và giá trị nhất, được xem như “hồn văn hóa” của người Cao Lan. Người Cao Lan dùng câu hát để truyền tải tâm tư, khát vọng của tình yêu đôi lứa. Vì đây là lối hát đối trực tiếp nên bên cạnh việc trao đổi tâm tình thì nó còn thể hiện sự thông minh, nhanh trí cũng như tâm hồn của người hát.

Qua câu hát đã có nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ. Hát Sình ca hay và đẹp là vậy nhưng ngày nay số người biết và thể hiện hay được làn điệu này không phải là nhiều, nhất là trong thế hệ trẻ Cao Lan những câu hát Sình Ca ngày càng bị mai một.

Tại huyện Yên Bình - nơi có khá đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, việc bảo tồn và phát huy những làn điệu Sình ca là một việc làm cần thiết nhằm phát triển du lịch sinh thái trên vùng hồ Thác Bà gắn với du lịch văn hóa cộng đồng người dân tộc Cao Lan bản địa. Vì vậy, công tác qui hoạch, quản lý, sưu tầm và truyền dạy  hát Sình ca cho thế hệ trẻ, giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang được đặt ra cho chính quyền và những nghệ nhân ở đây.

Đứng trước thực trạng đó, huyện Yên Bình đã lên kế hoạch xây dựng đề tài  bảo tồn và truyền dạy các làn điệu múa, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan cho thế hệ trẻ của xã Vũ Linh. Đề tài  đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền xã và tạo được sự hứng khởi trong đồng bào dân tộc Cao Lan vùng đông hồ Thác Bà. 

Tuy nhiên, ngày nay số người biết hát Sình ca không còn nhiều, những cuốn sách cổ ghi lại các câu hát Sình ca cũng không có mấy người biết đọc. Đây là một trong những khó khăn đặt ra cho việc bảo tồn và phát huy làn điệu hát Sình ca ở xã Vũ Linh, đòi hỏi sự nỗ lực của các những người nặng lòng với văn hóa Cao Lan truyền thống để hát Sình ca sẽ không bị lãng quên mà ngày càng phát triển rực rỡ.

 Hồng Giang

Các tin khác

Ban nhạc huyền thoại Westlife xác nhận trở lại Việt Nam với đêm nhạc diễn ra ngày 4-5/6 tại Cung Điền kinh Mỹ Đình, Hà Nội. Vé bắt đầu được bán từ 13/5.

Một cảnh trong phần phim “Chúa tể những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua”.

Đội ngũ đứng sau ba phần phim bom tấn “Chúa tể những chiếc nhẫn” đang tái hợp để sản xuất hai bộ phim mới. Warner Bros dự kiến phát hành các phim này vào năm 2026.

Yên tử xuất hiện hùng vĩ trên báo Le Figaro (Pháp), số ra ngày 7/5

Những truyền thuyết và vẻ đẹp hùng vĩ nơi núi thiêng Yên Tử khói sương đã vượt qua ngoài biên giới, được báo La Figaro (Pháp) vinh danh trong một bài báo với tiêu đề “Voyage au long cours : Yen Tu, l'âme du Vietnam éternel” (tạm dịch “Một chuyến đi xa: Yên Tử, hồn thiêng Việt Nam trường cửu”), xuất bản hôm 6/5 vừa qua.

Khai mạc Festival Huế 2023

Chiều 9/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT tổ chức họp báo quốc tế về Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục