Trang phục người Mông: Đang mất dần nguyên bản

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2011 | 4:02:07 PM

YBĐT - Với phụ nữ Mông, tuy sự mai một về trang phục không diễn ra mạnh mẽ như ở nam giới nhưng thực tế cũng đang ở mức báo động. Nhiều phụ nữ có khi chỉ còn mặc chiếc váy Mông với áo phông hoặc áo sơ mi.

Nhiều trẻ em Mông không còn mặc trang phục truyền thống.
Nhiều trẻ em Mông không còn mặc trang phục truyền thống.

Do đặc thù cư trú của người Mông khá thuần cư trong các làng bản ở vùng cao, xa các trung tâm đô thị và sự giao lưu với các dân tộc khác có phần hạn chế nên tộc người Mông vẫn bảo tồn khá bền vững 3 yếu tố căn bản để nhận diện một tộc người, đó là kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, trang phục. Tuy nhiên, trong 3 yếu tố đặc thù đó, yếu tố trang phục đang thể hiện rất rõ sự mai một khá nhanh.

Cách đây khoảng 15 năm, khi đến với những vùng đồng bào Mông, nhất là ở hai huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thấy nam nữ người Mông từ già đến trẻ hầu hết vẫn mang trên mình bộ trang phục truyền thống. Kiểu trang phục đó còn giúp cho những ai thường quan tâm tìm hiểu tộc người này nhận diện ra các ngành Mông khác nhau như: Mông đu, Mông hoa, Mông lềnh, Mông si… Đặc biệt, trang phục Mông không chỉ mang tính thẩm mĩ thuần tuý mà nó còn chứa đựng đặc thù văn hoá truyền thống trong thế giới quan, nhân sinh quan của  người Mông và góp phần tạo nên sự hấp dẫn về văn hoá vùng miền trong một quốc gia đa dân tộc.

Tiếc rằng, trong những năm gần đây, nếu lên vùng cao và chịu khó quan sát một chút, thấy những bộ trang phục nguyên bản được bà con người Mông sử dụng đang thưa vắng dần. Trong đó, trang phục của đàn ông người Mông đang báo động dấu hiệu mai một mạnh nhất. Hầu hết những người đàn ông trong nhà chỉ sắm cho mình được một hoặc hai bộ quần áo để mặc trong lễ tết, hội hè và thậm chí có người chỉ sắm cho mình được một cái quần may theo kiểu truyền thống mà thôi. Hình ảnh người đàn ông mặc quần áo sơ mi, áo phông khi tiết trời nắng ấm hoặc mặc những chiếc áo khoác từ miền xuôi mang lên đã trở thành phổ biến trong các phiên chợ vùng cao.

Ngày càng ít phụ nữ Mông tự làm trang phục cho mình.

Với phụ nữ Mông, tuy sự mai một về trang phục không diễn ra mạnh mẽ như ở nam giới nhưng thực tế cũng đang ở mức báo động. Nhiều phụ nữ có khi chỉ còn mặc chiếc váy Mông với áo phông hoặc áo sơ mi. Tuy nhiên, váy của nhiều người không còn là váy của mình dệt nữa mà là váy nhập từ Trung Quốc cứng đơ vì không được làm bằng sợi bông, không được thêu dệt hoa văn, in hoa văn bằng sáp ong như truyền thống vốn có của nó. Không ít phụ nữ Mông dù sống tận bản xa tít trên đỉnh núi cũng đã vận trên mình cả một bộ quần áo sơ mi và những cô gái trẻ cũng đã mặc quần bò, áo trắng.

Riêng trẻ em, có thể nói một cách chắc chắn là trang phục hầu hết đã bị Kinh hoá. Chúng tôi vào thăm một trường mầm non ở xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) mà ngỡ mình đang ở một trường vùng thấp bởi chỉ có lác đác vài cháu còn mặc quần áo Mông. Lên một số trường ở các xã vùng cao nữa như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha (Mù Cang Chải)… cũng đều bắt gặp hình ảnh trang phục tương tự như ở Suối Giàng. Điều đáng ngại là những đứa trẻ này không được mặc trang phục truyền thống từ lúc nhỏ thì khi lớn lên chúng có giữ được trang phục truyền thống hay không?

Vào các làng bản của người Mông mấy năm gần đây đều thấy những nương trồng cây lanh lấy sợi và những vườn chàm làm thuốc nhuộm ít dần. Hình ảnh những phụ nữ Mông vừa đi bộ, tay vừa se những sợi lanh giờ cũng thật hiếm gặp trên những nẻo đường vùng cao. Nghề trồng bông dệt vải có thể coi như đã mất vì người Mông bây giờ chỉ cần mua những tấm vải thô  ở chợ về nhuộm, in để may trang phục.

Nguyên nhân khiến cho trang phục của người Mông có sự mai một nhanh như vậy trước hết là do có sự tác động của lưu thông hàng hoá trong, ngoài nước và hội nhập về văn hoá, trong đó có văn hoá trang phục. Sự công phu trong việc dệt may những bộ trang phục của người Mông mà không giải quyết đủ nhu cầu ăn mặc trong mỗi gia đình cũng khiến họ bị lệ thuộc vào trang phục bán trên thị trường. Bên cạnh đó, quan điểm về chuyện ăn mặc bắt đầu bộc lộ sự đơn giản hơn trong suy nghĩ của nhiều người Mông và tư tưởng bảo tồn những giá trị tuyệt mĩ trong trang phục cũng đã bắt đầu giảm sút. Trước sự mai một  này, những người Mông - bản thân chủ thể văn hóa cần có sự “chấn chỉnh” kịp thời, cùng với đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng về bảo tồn văn hóa nhằm giữ gìn sắc thái văn hóa trang phục truyền thống của người Mông.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Ban nhạc huyền thoại Westlife xác nhận trở lại Việt Nam với đêm nhạc diễn ra ngày 4-5/6 tại Cung Điền kinh Mỹ Đình, Hà Nội. Vé bắt đầu được bán từ 13/5.

Một cảnh trong phần phim “Chúa tể những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua”.

Đội ngũ đứng sau ba phần phim bom tấn “Chúa tể những chiếc nhẫn” đang tái hợp để sản xuất hai bộ phim mới. Warner Bros dự kiến phát hành các phim này vào năm 2026.

Yên tử xuất hiện hùng vĩ trên báo Le Figaro (Pháp), số ra ngày 7/5

Những truyền thuyết và vẻ đẹp hùng vĩ nơi núi thiêng Yên Tử khói sương đã vượt qua ngoài biên giới, được báo La Figaro (Pháp) vinh danh trong một bài báo với tiêu đề “Voyage au long cours : Yen Tu, l'âme du Vietnam éternel” (tạm dịch “Một chuyến đi xa: Yên Tử, hồn thiêng Việt Nam trường cửu”), xuất bản hôm 6/5 vừa qua.

Khai mạc Festival Huế 2023

Chiều 9/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT tổ chức họp báo quốc tế về Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục