Vang mãi Bản hùng ca trên núi

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/6/2012 | 9:51:41 AM

YBĐT - Sự hình thành từ rất sớm cùng tinh thần chiến đấu quả cảm của du kích Cao Phạ (xã Cao Phạ, Mù Cang Chải) đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng tinh thần vùng lên đánh đuổi thực dân của nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào Mông vùng Tây Bắc sau khi Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào tháng 12/1946.

Thung Lũng Cao Phạ - nơi ra đời và là địa bàn hoạt động của đội du kích Cao Phạ.
Thung Lũng Cao Phạ - nơi ra đời và là địa bàn hoạt động của đội du kích Cao Phạ.

Đội du kích Cao Phạ (xã Cao Phạ, Mù Cang Chải) hoạt động trong nhiều năm với vũ khí là súng kíp và súng cướp được của địch. Phương châm hoạt động của đội là bí mật theo dõi địch ở đồn Tú Lệ, lợi dụng địa hình hiểm trở, sự sơ hở của địch để đánh. Địch khủng bố mạnh thì rút vào rừng sâu để khi tình hình tạm lắng lại tìm cách bám thắt lưng địch mà đánh.

Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải:

 

Huyện Mù Cang Chải rất tự hào là nơi có đội du kích Cao Phạ anh hùng. Thời gian qua, huyện đã tích cực hợp tác với các cơ quan chuyên môn để xúc tiến  nâng bậc xếp hạng di tích du kích Cao Phạ lên cấp di tích quốc gia. Huyện coi đây là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện vào dịp cuối năm nay. Đồng thời, khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, địa phương sẽ tìm giải pháp phối hợp đầu tư để tạo nên điểm nhấn du lịch Mù Cang Chải với tua “Cao Phạ - Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải -Khu bảo tồn thiên nhiên xã Chế Tạo”. 

 

Ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn để lập tờ trình gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nâng bậc xếp hạng Di tích du kích Cao Phạ lên cấp di tích quốc gia. Nhìn chung, quá trình triển khai khá thuận lợi và hy vọng di tích này sẽ sớm được công nhận cấp quốc gia đúng dịp huyện kỷ niệm 55 năm thành lập.

Với phương thức này, du kích đã tổ chức nhiều trận đánh khi địch kéo đến các bản, đặc biệt là dọc theo tuyến đèo Khau Phạ khi ấy vốn là đường mòn nhưng lại là nút giao thông xung yếu để địch đi từ dưới Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải, Than Uyên hoặc đi về hướng xã Nặm Khắt sang huyện Mường La tỉnh Sơn La và ngược lại. Bị tiêu hao nhiều sinh lực, kẻ địch vô cùng khiếp sợ trước sự can trường và thông thạo địa hình của các chiến binh nơi lưng trời.

Người Mông ở Mù Cang Chải vốn có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp từ rất sớm. Đặc biệt, giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi phong trào Cần Vương yêu nước nổ ra, người Mông ở đây đã nhất tề cùng thủ lĩnh Giàng Nủ Lâu và thủ lĩnh người Dao là Đặng Phúc Thành ở mạn thượng huyện Văn Chấn ủng hộ Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp lập căn cứ chống Pháp ở vùng Tây Bắc.

Sau này, trong một trận chiến với quân thù, Giàng Nủ Lâu đã anh dũng hy sinh nhưng tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp lại càng được nhân lên trong lòng đồng bào Mông ở Mù Cang Chải.

Từ tinh thần yêu nước đó, đến giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nhiều cán bộ Việt Minh được cử đến Cao Phạ để giác ngộ nhân dân đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc vận động đó, Thống lý Giàng Khua Kỷ đã đi theo Đảng và kêu gọi người Mông ở Cao Phạ nhất tề ủng hộ Việt Minh.

Đồng thời, sau này khi Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, Giàng Khua Kỷ đã giả hợp tác với địch ở đồn Tú Lệ rồi chính ông là người bí mật lập nên đội du kích người Mông chống Pháp đầu tiên ở vùng Tây Bắc vào tháng 10/1946. Ban đầu đội chỉ có 6 người xã Cao Phạ hiện nay gồm: Giàng Khua Kỷ, Lý Nủ Chu, Giàng Sông Tu, Lý Vảng Đế, Vàng Thị Sày, Vàng Sông Củ.

Sau đó, tăng dần lên hơn chục đội viên gồm cả người Mông thuộc xã Nậm Có hiện nay. Tiếng vang của du kích Cao Phạ đánh Pháp đã nhanh chóng tỏa đi khắp nơi giúp cán bộ Việt Minh thuận lợi hơn trong việc mở rộng hoạt động của du kích vùng người Mông sang xã Chế Tạo của huyện Mường La (tỉnh Sơn La), xã  Lao Chải, Khau Mang ở Mù Cang Chải rồi lan đến tận vùng người Mông ở huyện Tủa Chùa (tỉnh Lai Châu)...

Lo sợ trước ảnh hưởng mạnh mẽ của du kích Cao Phạ, quân địch ở đồn Tú Lệ đông tới hàng trăm tên dưới sự chỉ huy của người Pháp tập trung khủng bố nhân dân và du kích. Chúng đốt phá, bắt bớ, đánh đập rất tàn bạo khiến cho dân ở đây vốn đông đúc nhưng lần lượt phải rời xa đồn địch để lại cả một thung lũng ruộng nương màu mỡ.

Ông Lý A Lử - Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ:

Đội Du kích Cao Phạ là niềm tự hào vô cùng lớn lao của nhân dân xã Cao Phạ. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia chắc chắn sẽ càng làm tăng thêm lòng biết ơn của mọi thế hệ sau này với lịch sử cha ông để lại. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nhân dân xã Cao Phạ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong xây dựng quê hương đất nước.

 

Ông Nguyễn Văn Hứ - hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải:

Tôi hoạt động cách mạng, sinh sống ở Mù Cang Chải từ năm 1949 đến nay. Cảm nhận của tôi ngay từ những năm tháng đầu tiên là đồng bào Mông ở đây nói chung và Cao Phạ nói riêng luôn nêu cao tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, yêu thương đùm bọc cán bộ, bộ đội trong lúc gian nan. Riêng đội du kích Cao Phạ, họ chiến đấu rất ngoan cường và thực sự là hạt nhân phát triển phong trào du kích chống Pháp ở vùng Tây Bắc. Di tích du kích Cao Phạ xứng đáng được nâng thành di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, những hành động dã man của kẻ thù đã không thể khuất phục được quyết tâm chiến đấu của du kích kể cả khi chúng dùng kế ly gián, mua chuộc để sát hại đội trưởng Giàng Khua Kỷ. Còn Lý Nủ Chu cùng nhiều du kích khác phải trốn lên tận vùng núi cao nay thuộc bản Kháo Nhà cách nơi ở cũ của ông quãng 15 cây số để ẩn nấp.

Nhưng ít lâu sau, Nủ Chu vẫn trở lại tiếp tục duy trì hoạt động của đội du kích, để rồi sau này chiến công của du kích Cao Phạ tiếp tục hòa cùng với bộ đội chính quy đánh tan đồn Tú Lệ.

Nói về công lao của đội du kích Cao Phạ, nhiều ý kiến đánh giá rằng, đây là minh chứng sống động nhất về tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chống Pháp của đồng bào Mông cũng như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc.

Đây cũng là bằng chứng của việc ta từng bước đập tan âm mưu mua chuộc dụ dỗ, chia rẽ dân tộc và chính sách dùng người Việt trị người Việt mà thực dân Pháp đã từng áp dụng rất thành công ở nhiều nơi trong vùng đồng bào dân tộc ít người.

Sự hình thành từ rất sớm cùng tinh thần chiến đấu quả cảm của du kích Cao Phạ đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng tinh thần vùng lên đánh đuổi thực dân của nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào Mông vùng Tây Bắc sau khi Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào tháng 12/1946.

Phong trào du kích bắt đầu từ Cao Phạ cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt trong cộng đồng người Mông ở Tây Bắc để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, trong đó có đội trưởng Lý Nủ Chu sau này đã trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghĩa Lộ…

Chiến công của du kích Cao Phạ cùng bộ đội đánh tan đồn Tú Lệ đã góp sức cùng quân dân toàn tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ trước đây xóa tan hệ thống đồn bốt của địch như đồn Đại Bục, Đại Phác (Văn Yên), đồn Ca Vịnh ở Hưng Khánh (Trấn Yên), bốt Đá Sô ở xã Cát Thịnh, đồn Gia Hội đều thuộc châu Văn Chấn và nằm trong hệ thống phòng thủ theo tuyến hành lang Đông - Tây mà Pháp lập nên từ các tỉnh Cao - Bắc - Lạng kéo dài qua Sơn La, Lai Châu đến biên giới Việt - Lào nhằm cắt đứt mối liên kết của cách mạng Việt Nam với các nước bạn.

Đồng thời, ngăn chặn ảnh hưởng của bộ đội ta từ miền xuôi lên vùng Tây Bắc nói chung và khu vực Lai Châu cũ là nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà từ đây địch có thể khống chế được nhiều vùng trong khu vực Đông Dương.

Sau khi đập tan hàng loạt hệ thống đồn bốt này, ta tập trung lực lượng san phẳng đồn Nghĩa Lộ làm nên thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc vào tháng 10/1952. Chiến thắng này giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Bắc và mở toang cánh cửa để quân ta từng bước tiến lên khắp vùng Tây Bắc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Với những chiến công to lớn đó, Đảng bộ, nhân dân xã Cao Phạ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đội du kích Cao Phạ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nay đang đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia. Điều này càng tôn vinh xứng đáng những chiến công, lòng yêu nước của nhân dân xã Cao Phạ và ngân vang mãi bản hùng ca chống Pháp trên dãy Hoàng Liên.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục