Đường mở từ lòng dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phát triển giao thông nông thôn đồng nghĩa với phát triển, giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông không phải là vô hạn. Lục Yên đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp nên tất cả các tuyến đường giao thông liên xã đã được kiên cố hóa, đường thôn bản không ngừng được hoàn thiện. Nhiều năm liền, huyện luôn là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh Yên Bái về phát triển giao thông nông thôn miền núi.

Lục Yên là địa phương có phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn mạnh nhờ phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. (Ảnh: Thành Trung)
Lục Yên là địa phương có phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn mạnh nhờ phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. (Ảnh: Thành Trung)

Không phải huyện vùng cao hay đặc biệt khó khăn nhưng vài năm về trước, hệ thống giao thông nông thôn Lục Yên đi lại rất khó khăn. Hầu hết các tuyến đường liên xã là đường đất, mỗi khi trời đổ mưa là bùn sục tới gối, xe cộ không thể đi nổi, nắng lên là bụi mù. Xã Khánh Thiện chỉ cách trung tâm phố huyện chưa đầy chục ki - lô - mét, vậy mà người dân muốn ra huyện phải đi từ mờ sáng đến quá trưa mới tới nơi. Tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh là khó khăn nhất, người dân chỉ ước ao có một con đường để đi được bằng xe máy chứ đâu dám mơ đến đường nhựa, đường ô tô. Đường đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, các sản phẩm hàng hóa làm ra chủ yếu là “nội tiêu” trong thôn, xã, hoặc có bán được thì giá cũng rất rẻ.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của giao thông, huyện Lục Yên phát động phong trào làm giao thông nông thôn rộng khắp. Nhân dân đóng góp vật liệu tại chỗ và ngày công làm nền đường; Nhà nước hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, máy thi công, làm mặt đường... Sau những ngày mùa bận rộn, bà con đi khai thác đá, cát, sỏi về làm đường và những người nông dân đã trở thành những công nhân giao thông. Nhờ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã. Đến hết năm 2006, 100% tuyến đường giao thông liên xã đã được kiên cố hóa với tổng chiều dài 118,3 km, trong đó có 45 km đường bê tông, 26,5 km đường nhựa, 52,3 km đường đá dăm nước và 8,5 km đường cấp phối.

Khó có thể tin nổi rằng, năm 2000, tuyến đường Tân Lĩnh - Khai Trung chỉ có đường cho người đi bộ và ngựa thồ nhưng bằng việc lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, vốn kích cầu 4+6 (Nhà nước 4 phần, nhân dân đóng góp 6 phần), đến nay 8 km đường đã được kiên cố hóa, xe ô tô đi lại thuận tiện. Chỉ tính riêng tuyến đường này, nhân dân đóng góp 1,2 tỷ đồng. Và trong năm 2006, Khai Trung có 214 hộ đã đóng góp đá, cát, sỏi và sức lao động đạt giá trị 290 triệu đồng (bình quân 1,4 triệu đồng/hộ) để kiên cố hóa 1 km đường cuối cùng đến trung tâm xã. Tuyến đường Liễu Đô - Minh Tiến - An Phú tổng chiều dài 18 km là một trong những tuyến khó khăn nhưng đến hết năm 2005 đã kiên cố được 16,9 km, năm 2006 nhân dân đóng góp 330 triệu đồng để bê tông hóa nốt 1,1 km đường.

Trên tuyến Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh có 6,9 km là đường mòn, đèo cao dốc thẳm và nhiều khe suối. Với quyết tâm trong năm 2006 phải làm xong, ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền huyện, xã đã tổ chức ra quân, huy động lực lượng CB,CNVC và nhân dân xã Tân Lập tu sửa những đoạn đường bị hỏng nặng và làm mới 2,5 km đường khó khăn nhất; 4,4 km đường còn lại giao cho xã Phan Thanh, Tân Lập thực hiện cùng nguồn vốn kích cầu cũng đã hoàn thành, tổng nguồn vốn thực hiện là 3,45 tỷ đồng (nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng). Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Nông Văn Lịnh cho biết: “Sự đóng góp của nhân dân để làm giao thông nông thôn những năm qua là rất đáng biểu dương và tự hào. Có nhiều tuyến đường mà người dân phải lao động rất vất vả, không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng mồ hôi và công sức của họ đã đổ xuống.

Một trong những yếu tố tạo nên phong trào và sự đồng thuận của người dân là quá trình thi công được công khai, minh bạch các nguồn vốn, nhất là vốn đóng góp của nhân dân và 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân”. Đường liên xã đã cơ bản được kiên cố hóa, hiện Lục Yên đang tiến tới kiên cố hóa đường liên thôn bản. Toàn huyện có 242,6 km đường liên thôn, bản và trong năm 2005 - 2006 đã kiên cố hóa, mở mới 33 km; huyện phấn đấu đến năm 2010 kiên cố hóa đạt 100%.

Lục Yên hôm nay được đánh giá là huyện có phong trào và đường giao thông nông thôn tốt nhất so với các huyện, thị trong tỉnh. Giao thông đi lại thuận lợi đã góp phần quan trọng để đảm bảo an ninh - quốc phòng, kinh tế -xã hội phát triển và xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Miền Bắc sắp có mưa giông mạnh, đề phòng ngập úng. Ảnh minh họa

Khoảng đêm 18 và ngày 19/5, vùng hội tụ gió trên cao khả năng hoạt động mạnh trở lại. Do vậy, từ 19-23/5, miền Bắc mưa giông, có nơi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Biển Đông khả năng đón 3-5 cơn bão trong thời gian từ nay đến tháng 8/2024. (Ảnh minh hoạ)

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, từ nay đến tháng 8/2024, Biển Đông xuất hiện 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1 cơn đổ bộ vào đất liền.

Tuyến đường thôn Khe Đâm đến trung tâm xã Mỏ Vàng thuộc tỉnh lộ 175 bị chia cắt do mưa lũ.

Từ khoảng 20h tối ngày 15/5 đến trưa 16/5, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều nơi mưa to đến rất to, mưa lớn kéo dài liên tục nhiều giờ. Đặc biệt, tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, lượng mưa đo được sáng 16/5 là 133 mm, gây sạt lở, cắt đứt giao thông một số tuyến đường, học sinh 3 điểm trường lẻ phải tạm thời nghỉ học. Xã Kiên Thành, Trấn Yên cũng thiệt hại gần 8 ha lúa, hoa màu và 80 con gia cầm.

Miền Bắc tiếp tục đón mưa lớn trong hôm nay.

Dự báo trong ngày và đêm nay, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Bắc Trung Bộ cũng có mưa dông rải rác trong hôm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ đón mưa dông vào chiều và tối, cục bộ có mưa to.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục