Hội Nông dân tỉnh đồng hành cùng hội viên thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/11/2023 | 9:16:24 AM

YênBái - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi, dạy nghề, vốn vay, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Nhất là, phối hợp với Công ty TNHH Lucavi cung cấp phân bón hữu cơ Lucavi giúp hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhờ nguồn vốn vay nhiều hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải đã đầu tư đàn vật nuôi, phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay nhiều hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải đã đầu tư đàn vật nuôi, phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Gia đình chị Hoàng Thị Vân ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên nhiều năm nay phát triển kinh tế từ trồng chè Bát Tiên, nhưng năng suất không đạt như mong muốn. Nhưng từ khi được sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, cây chè đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, búp chè to, lá dày, khi sao có mùi thơm và pha nước có màu xanh, năng suất tăng 10 - 30% so với năng suất canh tác bằng phân hóa học chị sử dụng trước đây.

Chị Vân cho biết: "Sử dụng phân bón Lucavi cho 0,5 ha chè từ tháng 3/2023, gia đình đã thu được gần 2 tấn chè tươi, tăng 3 tạ so với lứa chè những trước đó. Ngoài ra, sử dụng phân bón này còn đỡ công lao động, nếu bón phân tổng hợp NPK trước cần 2 công lao động, thì nay chỉ cần 1 người trong một buổi sáng. Gia đình không phải chăm sóc chè nhiều có thời gian đi làm thêm tăng thu nhập cho gia đình”.

Năm 2023, phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lucavi, Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 17 mô hình điểm ứng dụng phân bón hữu cơ Lucavi trên cây chè, bưởi, cam tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ, qua đó giúp hội viên có điều kiện phát triển mô hình kinh tế, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức nhiều lớp tập huấn, giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, chủ động hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Được tham gia nhiều lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình tôi nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ đó, chất lượng và sản lượng kén tằm được nâng lên. Hiện nay, gia đình tôi đang duy trì trồng 1 ha dâu tằm, mỗi tháng nuôi khoảng 16 nong tằm”. Việc thay đổi công nghệ trồng dâu nuôi tằm đã đem về cho gia đình ông Thân, nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông từ hộ nghèo trở thành hộ có thu nhập khá.

Từ nhiều chương trình hỗ trợ hội viên nông dân huyện Trấn Yên đã triển khai các hoạt động như: phối hợp với Công ty TNHH Lucavi cung cấp phân bón hữu cơ Lucavi; chuyển giao khoa học, kỹ thuật; ủy thác với các ngân hàng hỗ trợ nông dân với số vốn 1,5 tỷ đồng, triển khai nhiều lượt dự án… giúp hội viên nông dân Trấn Yên xây dựng các mô hình như: chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Hưng Thịnh, Hưng Khánh; trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh; chăn nuôi gia cầm tại xã Minh Quán, Cường Thịnh, Vân Hội… góp phần tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người từ 25,5 triệu đồng năm 2018 lên 50 triệu đồng/người/năm như hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, đến nay còn 2,52%” - Ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên cho hay.

Đồng hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên, nông dân gồm các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, nấu ăn, xây dựng, sửa chữa xe máy. 

Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cách sử dụng và xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật như trình diễn sử dụng phân bón… Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn vốn quý hỗ trợ nông dân. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đã đạt trên 30,5 tỷ đồng, giúp hội viên triển khai thực hiện gần 250 mô hình kinh tế hiệu quả trên các lĩnh vực. 

Điển hình như các mô hình: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên; tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò sinh sản, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn; chăn nuôi gà thả vườn tại xã Y Can, huyện Trấn Yên; nuôi cá và trồng rừng, xã Phúc An, huyện Yên Bình; trồng nấm linh chi, mọc nhĩ, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái; mô hình trồng rừng quế xã Đại Phác, Yên Hợp, huyện Văn Yên; mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu…đã giúp hàng trăm hộ phát triển kinh tế, giảm nghèo.

5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã ký kết thực hiện chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, các doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân. Kết quả, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 4.255 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm sản cho trên 170 nghìn lượt hội viên, nông dân, Hội trực tiếp và phối giúp đỡ 359 hộ thoát nghèo.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và các tổ chức đoàn thể thị trấn đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Từ đó, tạo cơ hội giúp hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.

Minh Huyền

Tags Hội Nông dân tỉnh hội viên nông dân giảm nghèo bền vững

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục