Hành trình danh thắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/10/2014 | 9:26:59 AM

YBĐT - Lúa tốt. Chín đều nên màu lúa chín quện vào sắc nắng thu biến cả đất trời Mù Cang Chải thành bức họa dát vàng. Bởi thế, ai đến đây cũng ngất ngây trước kiệt tác của người Mông.

Khách du lịch trải nghiệm công việc gặt lúa trên ruộng bậc thang.
Khách du lịch trải nghiệm công việc gặt lúa trên ruộng bậc thang.

 Trước khi bước vào mùa lễ hội, huyện  Mù Cang Chải dự đoán sẽ đón khoảng trên dưới 2 nghìn khách nhưng thực tế trong Tuần lễ Văn hóa, Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang từ 25 đến 30 tháng 9, lượng khách đã tăng đột biến. Anh Hoàng Mạnh Thái - cán bộ kiểm lâm trực tại Trạm Kiểm lâm Bản Dõng bên quốc lộ 32, xã Sơn Lương (Văn Chấn) nói rằng, từ khi tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải cách đây 5 năm, năm nào anh cũng trực cơ quan nhưng chưa thấy năm nào khách du lịch lên Mù Cang Chải đông như năm nay.

Quả đúng thế! Từ hôm 26/9 trở đi là ô tô, xe máy cứ nườm nượp  trên đường lên với “cao nguyên vàng”. Khu vực trung tâm xã Tú Lệ (Văn Chấn), xã Púng Luông và trung tâm huyện Mù Cang Chải cứ vào giờ ăn trưa và về đêm là xe ô tô đậu thành dãy dài, thấy đủ biển số xe đến từ mọi miền đất nước, đó là chưa kể đến vô số những chiếc xe máy của các đoàn đi “phượt”. Trong dòng người đông đúc ấy, nổi bật là giới sinh viên, nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh và du khách nước ngoài.

Việc du khách đến với Mù Cang Chải đông như vậy thật dễ hiểu bởi cái tên Di tích danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải không còn xa lạ nữa. Quốc lộ 32 nằm giữa lõi của khu danh thắng mỗi năm có hàng triệu người qua lại nơi này đã là một lợi thế quảng bá tốt nhất cho mùa du lịch. Nói như anh Phước Kiệt - một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, rằng, anh đã đến nơi này một vài lần và thấy nếu không đưa anh em, bạn bè, người thân đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam thì thật là thiếu sót lớn. Bởi thế, khi xem ti vi thấy lịch tổ chức Tuần lễ Văn hóa, Du lịch ruộng bậc thang là anh rủ bạn bè cùng thành phố và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long... bay ngay ra Hà Nội, thuê xe lên đây.

 

Bay dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ.

Chị Thái Anh đến từ Hà Nội như vỡ òa cảm xúc: “Tôi xem trên ti vi, trên mạng đã thấy hình ảnh ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thật tuyệt vời! Nhưng khi được chứng kiến tận mắt tôi vẫn thực sự bị “sốc”. Sốc vì thực tế nó còn tuyệt vời hơn cả ngàn lần so với những gì nhìn qua hình ảnh trước đó. Tôi sung sướng vì mình đã được thưởng ngoạn kỳ quan này và thật khó tìm được lời để diễn tả vẻ đẹp của ruộng bậc thang, núi rừng, con người Mù Cang Chải”. Người bạn của chị Thái Anh thì nói: “Tôi đến đây với nhiều hơn Thái Anh và hay đi cùng khách nước ngoài. Vì thế, khi khách nước ngoài tấm tắc khen vẻ đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào về quê hương mình. Xin được cảm ơn các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng, để lại cho hôm nay và mai sau một kỳ quan như thế”.

Ở Mù Cang Chải rất nhiều người không còn lạ lẫm gì với hình ảnh 2 vợ chồng ông bà “Tây già”. Họ đã có ngót chục năm cứ mùa vàng Mù Cang Chải là lại tìm về săn ảnh. Hình như ở đây có sự kỳ bí và nguồn cảm hứng bất tận khiến họ cứ miệt mài tìm kiếm? Vợ chồng anh Vipannarat đến từ Thái Lan, nhóm nhiếp ảnh của ông Hokada đến từ Nhật Bản đều tranh thủ tối đa thời gian, thời điểm tiết trời thuận lợi để ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp nhất. Khi được hỏi cảm nhận về ruộng bậc thang Mù Cang ChảI, họ đều nói ở nước họ cũng có ruộng bậc thang nhưng với ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thì Hokada bảo: "Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng: Tuyệt vời! Thật tuyệt vời!".

Không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp ruộng bậc thang, đến với Mù Cang Chải mùa này, du khách còn được thưởng thức bao sản vật mới lạ và tìm hiểu những phong tục, tập quán của người Mông nơi đây. Cuối ngày gặt  đầu tiên, bà con đã làm cơm cốm, thịt gà, thịt lợn để làm lễ vật cúng cơm mới tôn kính dâng lên tổ tiên, thần nước, thần núi, thần trời ăn trước vì đã bảo hộ cho dân bản có mùa lúa bội thu. Phiên chợ vùng cao bày đủ các thứ sản vật như mật ong, rượu thóc, rượu sơn tra, bánh dày, cốm, thuốc nam, sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả cùng hàng thổ cẩm, nông cụ, đồ gia dụng, nhạc cụ dân tộc Mông… chế tác bằng kỹ thuật thủ công.

 

Trình diễn cách làm bánh dày truyền thống của người Mông trong phiên chợ vùng cao tại Tuần Văn hóa - Du lịch danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

David là người Anh, lấy vợ Việt Nam. Sau khi cùng vợ dạo chợ, xem người Mông thi giã bánh dày tại phiên chợ vùng cao ở trung tâm huyện, anh chia sẻ: “Ở đây mọi thứ thật tuyệt vời. Cảnh quan thiên nhiên vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu trong lành. Con người rất thân thiện và họ có cách làm bánh rất lạ mà lại gắn với sự tích sinh động về nguồn gốc con người, tình yêu nam nữ”.

Người dân ở Mù Cang Chải cũng đang được hưởng lợi từ du lịch danh thắng ruộng bậc thang. Ngoài việc bán được hàng hóa thì dịch vụ ăn nghỉ cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Hàng chục nhà nghỉ, khách sạn từ trung tâm xã Tú Lệ, xã Púng Luông, thị trấn Mù Cang Chải đều kín chỗ. Rất nhiều nhà sàn của bà con người Thái ở bản Thái trung tâm huyện đã tham gia làm dịch vụ ăn nghỉ cho du khách.

Ông Lò Văn Dơn - người hợp tác với một công ty du lịch lữ hành ở Hà Nội dẫn chúng tôi dạo một vòng thăm những gia đình làm lịch vụ ăn nghỉ cho du khách, thấy những chăn, đệm, công trình phụ trợ, bếp núc của họ đều đã sẵn sàng để đón khách. Một người dân trong bản cho biết nhà anh đã chật khách và phải thuê thêm nhà của người khác cùng bản. Trong Tuần lễ Văn hóa, Du lịch, anh đã dự kiến đón khoảng hơn 3 trăm khách và mỗi suất nghỉ là 80 nghìn đồng/1 ngày đêm. Ngược lại, với Tuần Văn hóa, Du lịch, bà con người Mông được đến với hội chợ, được đi xem biểu diễn văn nghệ, được xem bay dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ…, đó đều là những trải nghiệm mới với thật nhiều sự thú vị để xua đi những nỗi vất vả trong cuộc sống thường nhật.

Cách tổ chức các hoạt động du lịch ở huyện Mù Cang Chải cũng đang dần cho thấy sự chuyên nghiệp. Cùng với những phương án dẫn khách thăm quan, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc chuẩn bị chỗ ăn ở cho du khách đã không còn là vấn đề lo ngại. Người dân cũng đã ý thức hơn khi lùi lại thời gian gặt lúa để du khách được chiêm ngưỡng những nét đẹp nhất của ruộng bậc thang mùa lúa chín. Sự thân thiện, tự tin pha chút tự hào của bà con người Mông đã thay dần vẻ e dè trong giao tiếp với người lạ trước đây. Vệ sinh môi trường ở những xã, bản có đông du khách đến thăm quan được cải thiện đáng kể nhờ chính quyền cơ sở vận động bà con không thả rông gia súc. Đặc biệt, ở các thôn bản, nhất là những thôn bản mọi năm có đông khách đến đã được quán triệt phải xích, nhốt chó để đề phòng nguy hiểm cho du khách…

Với những đột phá đồng bộ trong công tác tổ chức cũng như sự chuyển biến nhận thức của người dân, chắc rằng trong tương lai không xa, Di tích danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ thực sự là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn cho du khách trong và ngoài nước để mỗi năm lượng khách đến với mảnh đất này ngày một thêm đông, đưa Mù Cang Chải sớm trở thành điểm nhấn du lịch vùng Tây Bắc cũng như cả nước.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Hình ảnh ban tổ chức tập luyện cho Carnaval Hạ Long 2024.

Điểm nhấn của Carnaval Hạ Long diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh và Carnaval trên biển đầu tiên tại Việt Nam.

Du khách trải nghiệm pic-nic tại Đồi thông Eo gió, huyện Trạm Tấu.

Chỉ cách thành phố Yên Bái 100km đường tốt lại sở hữu những điểm đến độc đáo của vùng cao như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, rừng rêu Tà Xùa, thác nước Tà Xùa, thác đôi Kháo Chu, thác Háng Đề Chơ, đỉnh núi Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ…, Trạm Tấu đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay.

Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục