Độc đáo dân ca lễ nghi, phong tục của đồng bào Thái Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 2:03:11 PM

YBĐT - Người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ (ML-NL) không chỉ gắn bó với nhau bởi quan hệ gia đình mà ở họ còn có những mối liên hệ cộng đồng tự nhiên, thuần phác đến mức mật thiết, giàu sức sống nhân văn. Quan hệ này thể hiện qua giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người, tạo nên cốt cách, nét đẹp trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Dân tộc Thái ML-NL có nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo, vai trò dân ca phục vụ lễ nghi, phong tục tâm linh trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng. Đồng bào quan niệm thần linh là những thế lực siêu nhiên có thể tạo tâm lý giúp đồng bào tránh được mọi hiểm họa tự nhiên, tránh được rủi ro, gặp nhiều điều may mắn. Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Thái ở ML-NL mang sắc thái riêng về ý niệm tín ngưỡng, về lễ nghi và các phong tục tập quán.

Xin giới thiệu một số bài dân ca mang tính chất phục vụ lễ nghi - phong tục theo nguyên tắc và lề lối nhất định của đồng bào Thái ML-NL. Nhìn chung nội dung chính của những bài dân ca phục vụ lễ nghi, phong tục là chúc tụng con người mạnh khoẻ, có phúc có lộc, an khang thịnh vượng, biểu dương công sức lao động, răn dạy về đạo đức, đạo lý con người...

Chẳng hạn, bài hát chúc người chủ nhà có cuộc sống tốt đẹp: “Ka nị chắng dú li xương phủ luông ké/ Chắng du li xương me luông kon/  Dét óh bon nha mảy/ Xảy chết hai mương lun nha thong”. Có nghĩa là: Từ nay sống hãy như rồng lớn/ Sống đẹp như rồng thiêng/ Nắng trên không chớ cháy/ Đau ốm dưới trần gian chớ mắc phải. Hay lời chúc làm ăn phát đạt, có được cuộc sống phong phú cả vật chất lẫn tinh thần, bản làng bình an lại được ví von: “Kha nị khảu lậu nháư nha mong/ Nả coong luôn nha xẩư/ Kin lẩu tánh tị/ Y tua phén din mường bản”. Có nghĩa là: Từ nay vựa thóc lớn chớ vơi/ Cơm "coong" to đừng mốc/ Rượu nồng càng đượm ân tình/ Vang vọng vui vẻ khắp mường bản.

Hay bài hát "Xin giầu sang, phú quý" (xo hăng xo mi), nội dung của bài hát là cầu xin cho người chủ có được mọi thứ như: vàng bạc, xin công cụ lao động sản xuất loại tốt, xin các loại giống tốt để trồng trọt, các loại giống gia cầm gia súc tốt để nuôi và mau lớn, xin đồ dùng sinh hoạt... Chẳng hạn khi xin những dụng cụ lao động thì được miêu tả cả hình thức lẫn chất lượng và tác dụng của nó.

Ví dụ như xin kiếm: “Láp li láp bó Bôm/ Khôm măn xanh pan píh niểng/ Hẳm khẩu tiêng lâng lâng”. Có nghĩa là: Kiếm tốt kiếm mỏ Bôm/ Lưỡi nó xanh như cánh niềng niệng/ Luôn chém sắc ngon lành.
Xin giống các loại gia súc, gia cầm cũng đều nói về giá trị và tác dụng của nó. Như xin giống vật nuôi thì hát: Pết li pết lậm Nan/ Hán li hán lậm Te/ Tánh sậy ne sậy na nặm tum/ Dệt ún thả kộp chu bươn hốc mua nao. Có nghĩa là: Ngỗng hay, ngỗng Sông Đà/ Để rỉa bèo đồng mênh mông nước/ Làm ấm đợi duyên tình tháng mùa đông.

Đã chúc tụng phúc lộc tốt lành, đã xin mọi của cải, giống má để giàu có và không ngừng phát triển còn cần cái cao quý hơn nữa, đó là con người để quán xuyến nhà cửa và phát triển kinh tế gia đình.

Về phục vụ lễ tiệc mừng nhà mới, biểu dương công sức làm nhà mới của gia chủ, nội dung bài hát thuật kể từ nhà cũ đã bị dột nát, ông chủ đắn đo vào rừng đốn gỗ lấy than, tìm sắt tốt, đi nhờ thợ rèn rùi, rèn dao, đục, thuổng, liềm… ông chủ vác rìu, đeo dao liềm lên rừng lên núi tìm cột kèo, cắt gianh… rồi nhờ họ hàng và anh em trong bản đi kéo và dựng nhà mới.

Cuối cùng chúc ông chủ làm ăn phát đạt, trường thọ và hạnh phúc. Bài hát không chỉ biểu dương tinh thần lao động mà còn nói lên ước mơ cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc tương lai của gia đình. Chẳng hạn như khi chọn cột nhà thì hát: “Rễ nó sinh nở nhiều gà vịt/ Ngọn nó sinh sôi lắm trâu bò/ Cành nó phúc lộc nhiều trai gái...”.

Sau khi biểu dương ông chủ đã tốn bao công của để làm nhà thì khen ngợi ngôi nhà tốt đẹp và cầu chúc cho nhà vững vàng mãi mãi: “Lộm lạnh pắt nha kon/ Lôm on pắt nha chại”. Có nghĩa là: Gió bão quật chớ lung lay/ Dông tố xô chớ xiêu vẹo. Và chúc ông chủ làm ăn phát đạt chăn nuôi thuận lợi sinh đàn nhanh: “Tảnh ngua chí pên ngua pắc păn mẹ pai/ Tảnh quai chí pên quai đai thấc đai me/ Chí mị xam họi xam xíp thắc khâu pẩu/ Chi mi cẩu hỏi cẩu xíp xứ khâu lem”. Có nghĩa là: Nuôi bò sẽ có bò sinh nở mãi/ Nuôi trâu sẽ có trâu nhiều đực nhiều cái/ Sẽ có ba trăm mười đực sừng to/ Sẽ có chín trăm mười nái sừng nhọn.

Nói một cách vắn tắt, dân ca phục vụ nghi lễ, phong tục của đồng bào Thái ở ML-NL nhằm khích lệ con người phấn đấu vươn lên để có được cuộc sống tốt đẹp, kinh tế vững vàng, trường thọ và hạnh phúc.

Đặng Phương Lan (Hội Văn học dân gian Việt Nam)

Các tin khác
Hang động mới phát hiện tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Hang động vừa phát hiện tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dài 2km, bên trong hang có nhiều khối thạch nhũ lớn và đẹp.

Hình ảnh ban tổ chức tập luyện cho Carnaval Hạ Long 2024.

Điểm nhấn của Carnaval Hạ Long diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh và Carnaval trên biển đầu tiên tại Việt Nam.

Du khách trải nghiệm pic-nic tại Đồi thông Eo gió, huyện Trạm Tấu.

Chỉ cách thành phố Yên Bái 100km đường tốt lại sở hữu những điểm đến độc đáo của vùng cao như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, rừng rêu Tà Xùa, thác nước Tà Xùa, thác đôi Kháo Chu, thác Háng Đề Chơ, đỉnh núi Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ…, Trạm Tấu đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay.

Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục