Lễ hội đình Phúc Hòa - nét văn hóa ngày xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/3/2018 | 8:43:04 AM

YBĐT - Giữa tiết trời ấm áp ngày xuân, người người rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn để nhớ đến tổ tiên, nhắc nhớ về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của các sinh hoạt văn hóa dân gian và cầu mong một năm mới tốt lành.

Lễ hội đình Phúc Hòa được tổ chức hàng năm là nét đẹp văn hóa tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công mở đất.
Lễ hội đình Phúc Hòa được tổ chức hàng năm là nét đẹp văn hóa tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công mở đất.


Trong chuỗi lễ hội vùng sông Chảy của huyện Yên Bình những ngày đầu xuân, lễ hội đình Phúc Hòa, xã Hán Đà được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Tọa lạc trên khuôn viên rộng trên 1.200 m vuông, đình Phúc Hòa là nơi thờ 3 vị tiền nhân là Hiển công đài vàng Quý Minh Đại vương, Hoàng công phò mã Án sát Đại vương và Hồng Hoa công chúa là con và cháu của vua Hùng Duệ Vương thứ 18. 

Đây là những vị tiền nhân có công đánh giặc ngoại xâm, về làng Phúc Hòa sinh sống, dạy nhân dân làm nông nghiệp, xây dựng làng xã. Sau khi mất, 3 vị hiền thánh được nhân dân lập đền thờ tự. 

Trải qua biến cố lịch sử, thiên tai, hỏa hoạn, ngôi đình đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền đình, giếng nước và một số dấu tích khác. Năm 2010, với sự cố gắng của Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã Hán Đà cùng sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu lịch sử, sắc phong của nhà vua và các tư liệu lịch sử đã được khôi phục lại.
 
Với ý nghĩa lịch sử quan trọng nên năm 2011, đình Phúc Hòa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị lịch sử của đình Phúc Hòa, tạo điều kiện để những nhà nghiên cứu, nhân dân và du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của địa phương, hàng năm đều diễn ra 3 lễ hội lớn tại đình.
 
Đó là lễ khai hội đầu năm diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch; ngày giỗ Thánh Mẫu Hồng Hoa công chúa ngày 19 tháng 7 âm lịch và ngày giỗ của 2 vị Tướng công đài vàng Quý Minh Đại vương, Tướng công phò mã Án sát Đại vương vào ngày 13 tháng 10 âm lịch.

Trong những ngày đầu xuân này, Đảng ủy, chính quyền xã Hán Đà đã tích cực phối hợp để tổ chức tốt phần lễ và phần hội trong ngày khai hội đầu xuân.
 
Với tâm nguyện cầu an lành, thịnh vượng, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, đất nước phồn vinh trong một năm mới, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan. 

Nghi thức đầu tiên là lễ rước nước vào đình, các đồng chí lãnh đạo huyện, xã cùng đông đảo bà con nhân dân và đội tế lễ làm lễ xin nước ở giếng sân đình rồi rước về đình. Sau lễ dâng nước lên thành hoàng làng là lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật để bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với thành hoàng làng.
 
Kết thúc phần lễ là nghi thức hóa chúc văn, dâng lên thành hoàng làng những lời thành kính của dân làng và những nén hương thơm được dâng lên tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, người người mạnh khỏe, hạnh phúc. 

Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng đến một lễ hội dân gian đặc sắc.
 
Ông Lã Mạnh Hùng ở thôn Trắc Đà, xã Hán Đà phấn khởi: "Lễ hội được tổ chức trang trọng hàng năm giúp mỗi người dân chúng tôi nhớ về cội nguồn, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tự hào về cái hay, cái đẹp, biết trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Lễ hội đình Phúc Hòa không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước mà còn là dịp nhắc nhớ người dân xã Hán Đà nói riêng và huyện Yên Bình nói chung trở về với cội nguồn, khắc ghi dấu ấn lịch sử của cha ông, góp phần giáo dục lòng tri ân, truyền thống "uống nước nhớ nguồn” của mỗi người con đất Việt.

Thanh Chi

Các tin khác
Hang động mới phát hiện tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Hang động vừa phát hiện tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dài 2km, bên trong hang có nhiều khối thạch nhũ lớn và đẹp.

Hình ảnh ban tổ chức tập luyện cho Carnaval Hạ Long 2024.

Điểm nhấn của Carnaval Hạ Long diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh và Carnaval trên biển đầu tiên tại Việt Nam.

Du khách trải nghiệm pic-nic tại Đồi thông Eo gió, huyện Trạm Tấu.

Chỉ cách thành phố Yên Bái 100km đường tốt lại sở hữu những điểm đến độc đáo của vùng cao như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, rừng rêu Tà Xùa, thác nước Tà Xùa, thác đôi Kháo Chu, thác Háng Đề Chơ, đỉnh núi Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ…, Trạm Tấu đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay.

Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục