Những ca khúc bất tử ngày giải phóng
- Cập nhật: Thứ hai, 6/4/2015 | 2:20:26 PM
Có những năm tháng đã đi vào lịch sử, có những con người đã trở thành huyền thoại và cũng có những bài hát đã trở thành bất tử. Những ca từ đã một thời hun đúc tinh thần chiến đấu của dân tộc ta, đã làm nên vẻ đẹp cho non sông đất nước Việt Nam, cứ đến mỗi dịp lễ kỷ niệm ngày thống nhất lại được ngân lên hùng tráng.
Đất nước trọn niềm vui.
|
Xin mở đầu bài viết bằng bài hát “Giải phóng miền Nam”, từng được xem là bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác (còn có tên gọi khác là Huỳnh Minh Siêng). Bài hát được ông viết năm 1961 sau khi Mặt trận DTGP MNVN ra đời (1960), bài hát một thời gây nên cao trào kháng Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam với những ca từ hùng hồn, cổ động cho tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân miền Nam quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giả phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, chúng ta cùng quyết tiến bước…”
Ngày giải phóng không còn xa nữa, thông qua những giai điệu bài hát, tác giả đã thúc giục hào khí của nhân dân miền Nam tiến lên với niềm tin sắt đá về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
“Vùng lên! nhân dân miền Nam anh hùng. Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng, cầm gương ôm súng xông tới. Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”
Là người con của Miền Nam, đứng trước nỗi đau chung của nước nhà, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đặt tất cả tình cảm, trái tim mình trong bài “Giải phóng miền Nam”. Bài hát đã nhanh chóng lan truyền trong cả nước, làm nức lòng người, tạo nên một khí thế hừng hực, sẵn sàng xung phong chiến đấu vì sự thống nhất của đất nước Việt Nam.
Có thể nói, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, là người viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc thông qua âm nhạc. Tiếp sau thành công của Giải phóng miền Nam, ông đã viết nên ca khúc báo hiệu cho ngày giải phóng Miền Nam không còn xa nữa, “Tiến về Sài Gòn” được ông sáng tác năm 1966 đã thể hiện điều đó.
"Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta giải phóng thành đô
Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này
Tiến về đồng bằng, ta giải phóng thành đô"
Nghe những giai điệu hào hùng của Tiến về Sài Gòn, rất nhiều người đã hiểu lầm bài hát này được sáng tác năm 1975 khi 5 cánh quân của ta tiến về Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam. Là nhạc sĩ của dòng thác cách mạng, có sức lay động lòng người, mỗi ca khúc là một lời hiệu triệu nhân dân tiến lên. Nhắc đến Lưu Hữu Phước, chúng ta phải nhắc ngay đến những tác phẩm bất hủ của ông mà trên đây chỉ là hai trong sô những bài hát bất hủ đó.
Cuộc nổi dậy mùa xuân năm 1968 đã đánh trực tiếp vào dã tâm xâm lược của Mỹ, là một trong những tiền đề buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta. Và đó cũng chính là thời điểm mà nhạc sĩ Hồ Bắc cho ra đời ca khúc “Sài Gòn quật khởi”, bài hát theo nhịp hành khúc hào hùng thể hiện khí thế tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam nhằm vào hang ổ của Mỹ ngụy.
“Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn. Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi! Ta đang bước trên đường chiến đấu”
Sài Gòn, nơi đóng quân của tập đoàn Mỹ ngụy luôn là trung tâm của mọi cuộc tấn công giải phóng miền Nam, đánh sập chính quyền Mỹ ngụy, chúng ta sẽ giành chiến thắng, “vì tự do, đây hồi kèn tiến quân, đang thúc giục miền Nam tiến lên. Ta đang sống những ngày lịch sử, ta xông tới bước trên đầu thù, ta phất cao lá cờ thắng lợi trên Sài Gòn”.
Thành công nối tiếp thành công, với chiến lược tấn công “thần tốc, bất ngờ, táo báo”, ngày 30/4/1975, chính quyền ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, nhân dân miền Nam nhất tề nổi dậy giải phóng vùng đất đã 21 năm nằm dưới chân kẻ thù, niềm vui chiến thắng tuôn trào trong mỗi con người Việt Nam và đặc biệt là nhân dân miền Nam. Giây phút lịch sử này, hòa chung niềm vui thống nhất của cả dân tộc, những giai điệu của ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" và "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" liên tục được reo lên báo hiệu ngày vui lớn nhất của dân tộc đã đến.
Nhạc sĩ Hoàng Hà, một người gốc Hà Nội, khi sáng tác bài hát “Đất nước trọn niềm vui” vào ngày 26/4/1975, ông chưa hề biết đến Miền Nam. Nhưng với những tin tức từ những thắng lợi liên tục của nhân dân miền Nam báo ra Bắc, cùng với một quá trình tích lũy những tư liệu có được, ông đã viết nên những giai điệu mượt mà, tinh tế báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần.
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây…..Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông! Rạo rực sao hôm nay, bác vui với hội toàn dân…”
Cảm xúc dạt dào của bài hát lên tới cao trào, từng ca từ trong bài hát bật ra từ sâu thẳm trong lòng tác giả. Bài hát làm cho người nghe thêm yêu mến Tổ quốc, càng nghe càng cảm nhận được đất nước Việt Nam tươi đẹp và rạng rỡ hơn bao giờ hết.
“Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời, trọn vẹn cả non sông đất nước, rạng rỡ Việt Nam”.
Với nhạc sĩ Xuân Hồng, một người miền Nam, ông đã viết nên nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, nhưng có lẽ "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" mới thực sự là đỉnh cao trong các sáng tác của ông. Bài hát được ông sáng năm 1975 khi năm cánh quân giải phóng hiên ngang tiến về Sài Gòn, lật đổ chính quyền Sài Gòn, một trang sử mới của dân tộc được mở ra.
“Thành phố Hồ Chí Minh quê ta, đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”
Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc, mùa xuân thống nhất đất nước, mùa xuân của sum họp của toàn thể nhân dân hai miền đất nước sau bao năm cờ đợi.
“Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào! Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau. Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”
Một niềm vui khôn xiết tuôn trào nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh nhân ngày giải phóng chính là mùa xuân đẹp nhất của nhân dân hai miền đất nước.
“Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa, hay ta đi giữa rừng cờ...”
"...Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình”
Những ca khúc cách mạng luôn truyền cho thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết sống và cống hiến, với ca từ hào hùng luôn gợi lại cho chúng ta nhớ đến những truyền thống vẻ vang của dân tộc. Những ca khúc bất hủ trên là những bài hát tiêu biểu cho rất nhiều bài hát luôn sống mãi theo thời gian để nhắc lại một thời kỳ chiến đấu quả cảm, quyết tâm đánh bại kẻ thù, giành lại độc lập tự do của dân tộc Việt Nam ta.
(Theo News)