Giàu nhờ cam sành

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2015 | 2:56:52 PM

YBĐT - Sau mấy lần lỡ hẹn với đồng chí Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, cuối cùng chúng tôi cũng có dịp trở lại với mảnh đất này. Xe chạy bon bon trên những tuyến đường bê tông phẳng lì, những ngôi nhà cao tầng dần hiện lên, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê vốn nghèo khó... Khánh Hòa đang khoác lên mình một diện mạo mới.

Anh Trịnh Văn Hưng ở thôn 6, xã Khánh Hòa giới thiệu về giống cam sành Lục Yên.
Anh Trịnh Văn Hưng ở thôn 6, xã Khánh Hòa giới thiệu về giống cam sành Lục Yên.

Sau cái bắt tay chặt thể hiện tình cảm với khách, đồng chí Nguyễn Kim Ba phấn khởi nói: "Khánh Hòa nay khác xưa rồi, đời sống của nhân dân từng bước nâng cao, nhiều gia đình mua ô tô riêng, làm nhà đẹp, con cái học hành đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh".

Nhìn những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, tôi thầm nghĩ, người dân vùng đất này hẳn giàu lên nhờ đá quý, đồng chí Chủ tịch xã vỗ vai khẳng định luôn: "Tất cả là nhờ cây cam sành đấy, chú ạ". Thì ra là vậy! Trong tiềm thức của tôi, cây cam sành của đất ngọc nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng vốn nổi tiếng từ những thập kỷ 80 của thế kỷ XX, du khách thập phương mỗi lẫn đến với Yên Bái không bao giờ quên hương vị của cam sành Lục Yên. Vì vậy, một thời cây cam sành được huyện xác định là cây kinh tế mũi nhọn, với diện tích trồng cam lúc cao điểm những năm 2000 lên đến 600 - 700ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau đó, diện tích trồng cam giảm sút và mất dần thương hiệu.

Đó là chuyện của những năm trước đây, còn hiện tại, nhận thấy giá trị kinh tế của cây cam sành, người dân bắt đầu trồng trở lại. Nhiều hộ dân cho thu nhập hàng năm cả tỷ đồng. Để minh chứng, đồng chí Chủ tịch xã liền dẫn chúng tôi đến thăm vườn cam sành của anh Trịnh Văn Hưng ở thôn 6. Trên con đường ngoằn ngoèo, tôi cứ nghĩ gia đình anh Hưng sẽ có vài chục héc-ta trồng cam. Ai dè, chỉ hơn 4ha đất đồi trồng 1.300 gốc cam nhưng nhìn vào sản lượng quả cho thu nhập qua từng năm mới thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam sành. Vừa pha nước, anh Hưng khoe: "Năm 2009 đạt 30 tấn, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng, năm 2013 đạt 62 tấn, sau khi trừ mọi chi phí lãi 910 triệu đồng, chia bình quân trong năm 5 qua, mỗi năm cho thu nhập 483 triệu đồng". Nghe mà sướng thật! Chuyện làm giàu từ cam sành của gia đình anh không chỉ người dân trong xã biết đến mà cả huyện ai cũng ngưỡng mộ.

Anh Hưng nhớ lại: "Sau khi lập gia đình, bố mẹ cho 4ha đất đồi hoang hóa lâu năm. Tôi luôn suy nghĩ làm gì để phát huy hiệu quả kinh tế trên đất đồi này. Năm 2000, tôi đã quyết định trồng thử nghiệm 100 gốc cam sành". Quan trọng hơn, vườn cam còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động và anh đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong, ngoài xã về kỹ thuật, cây giống và kinh nghiệm. Anh Trần Văn Vi ở thôn 12, xã Động Quan, huyện Lục Yên cho biết: "Gia đình tôi cũng có đất đồi, hiện đã trồng 100 gốc nhưng cây hay chết. Vì vậy, tôi đã quyết định đến trang trại của anh Hưng để tìm hiểu và học cách trồng. Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của anh, đến nay, tôi đã nắm được kỹ thuật chăm sóc và phát triển cây cam sành". Bật mí về bí quyết thành công, anh Hưng không ngại ngần chia sẻ: "Trồng một cây cam cho bói quả phải mất từ 3 - 4 năm trong điều kiện làm cỏ, phân bón tốt, từ năm thứ 5 trở đi, cây cam sẽ cho thu hoạch rộ. Để bảo đảm giống cam sạch bệnh, chất lượng, cây khai thác ghép mắt phải được trồng bằng giống đã chọn lọc từ những cây cam tốt, có năng suất cao".

Nói xong, anh Hưng hái mấy quả cam cuối vụ như để chứng minh: "Cam sành ở đây cây cao, tán rộng, quả sai, bề mặt vỏ quả nhẵn, màu vàng sáng bóng. Tép cam màu vàng, ngọt hậu, mọng nước, vị ngọt có mùi thơm đậm đà". Tôi định cất tiếng khen ngon, chợt nghe tiếng gọi "Ông Hưng còn cam cuối vụ nữa không?". Đó là anh Trần Quốc Kiên - một khách "ruột" của anh Hưng ở Hà Nội tìm đến tận vườn. Anh Kiên nói: "Tôi đã đi nhiều địa phương, thưởng thức nhiều vị cam, ấn tượng nhất vẫn là cam sành ở Khánh Hòa, Lục Yên. Lần nào đi qua đây, tôi cũng tìm mua về ăn và làm quà".

Đến nay, người dân trồng cam sành ở Khánh Hòa mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường, thậm chí nhiều hộ thu nhập từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Sơn ở thôn 5, ông Tạ Quốc Bảo ở thôn 8. Còn số hộ cho lợi nhuận từ 30 - 100 triệu đồng nói như cách nói của Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa "đếm không xuể". Hiện, toàn xã có trên 72 hộ trồng cam sành với gần 100ha. Từ cam sành tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 57,86% năm 2011 xuống còn hơn 40% năm 2014. Với giá trị hiệu quả kinh tế cao, xã đang phấn đấu hàng năm trồng mới trên 10ha cam.

Đồng chí Nguyễn Kim Ba cho biết thêm: "Nghị quyết của Đại hội xã nhiệm 2015 - 2020 tiếp tục xác định, cam sành là cây chủ lực và phấn đấu đến năm 2020, toàn xã sẽ trồng hơn 120ha. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người nghèo thì chúng tôi sẽ hướng cho bà con trồng cam". Nói như anh Ba cũng có căn cứ bởi nhiều năm nay, Nhà nước đã đầu tư rất lớn vào các dự án nuôi lợn, cho cây con giống. Nếu có chính sách hỗ trợ năm 2015, xã sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo tích cực trồng cam sành và đó là cơ hội cho các đối tượng này thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả kinh tế là vậy nhưng hiện nay, các hộ dân trồng cam sành ở xã luôn thấp thỏm về giá cả bởi thị trường cam sành hiện chưa ổn định, giá cam vào lúc chính vụ thường rất thấp. Anh Hưng so sánh: "Vụ cam năm 2013, gia đình thu 62 tấn, bán 910 triệu đồng, còn năm 2014, thu 82 tấn nhưng bán hơn 400 triệu đồng". Bên cạnh đó, tình trạng sâu bệnh, thoái hóa đất, khâu thu hái, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng. Người dân so sánh cam sành Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), địa phương giáp ranh với Lục Yên luôn giữ giá bởi xây dựng được thương hiệu và năm 2013 còn lọt vào tốp 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam.

Hiệu quả về kinh kế từ cây cam sành ở Khánh Hòa nói riêng và huyện Lục Yên nói chung đã được khẳng định. Phát triển, nhân rộng loại cây có hiệu quả kinh tế này, việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp tục nâng cao giá trị cam sành trên thị trường, đặc biệt sớm xây dựng thương hiệu sản phẩm mong mỏi của bà con nông dân lúc này.

Văn Tuấn

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA