Tiền đề cho sự phát triển mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2015 | 9:11:07 AM

YênBái - YBĐT - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái đạt nhiều kết quả quan trọng về mọi mặt. Quy mô, mạng lưới trường lớp được củng cố; cơ sở vật chất từng bước hiện đại; chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt.

Giờ học Tin học của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải.
Giờ học Tin học của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải.

Những kết quả đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh uỷ-HĐND-UBND tỉnh; nỗ lực của ngành GD-ĐT, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mở rộng quy mô, mạng lưới, trường lớp

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, mạng lưới trường học đã được sắp xếp, củng cố và phát triển phù hợp. Toàn tỉnh đã có 587 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Trong đó, giáo dục mầm non và phổ thông đã có 567 trường; 6.590 lớp, nhóm lớp; trên 186.780 cháu mầm non, học sinh (so với năm 2010, tăng 13 trường, 270 nhóm lớp, trên 19.080 học sinh). Ngành đã thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục mầm non là bậc học có những chuyển biến căn bản theo hướng bền vững.

Bà Hà Thị Minh Lý-Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 173/180 xã có trường mầm non độc lập với 187 trường mầm non, trên 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; trên 48.390 trẻ ra nhóm, lớp. Trong đó, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi 15.652 cháu. Tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp nhà trẻ đạt 15,8%, mẫu giáo đạt 85%, riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 97,9%. So với năm 2010, tăng 6 xã có trường mầm non độc lập, 8 trường mầm non, 189 nhóm lớp, trên 9.000 trẻ”.

Minh chứng cho sự chuyển biến chất lượng là những con số, rất thuyết phục: giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nhà trẻ giảm 2,6%, mẫu giáo giảm 5%, mẫu giáo 5 tuổi giảm 5,2%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ ngày tăng 15,8%, mẫu giáo 5 tuổi tăng 19,7%. Hay như giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh hoàn thành khoá học tăng 9,2% so với năm 2010, trong đó tiểu học tăng 6,8%, THCS tăng 9,4%, THPT tăng 11,1%. Riêng bậc THCS, tỷ lệ học sinh xếp loại yếu kém giảm 6,3%; xếp loại khá, giỏi tăng 21,5%; số lượng giải học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 50 giải, cấp quốc gia tăng 21 giải so với năm 2010.

Bậc THPT, tỷ lệ học sinh xếp loại yếu kém giảm 6,9%; xếp loại khá giỏi tăng 21,4%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) đạt 35,1% (tăng 7,7%); số giải học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 86 giải, cấp quốc gia tăng 22 giải so với năm 2010. Một khó khăn, thách thức lớn với sự nghiệp GD-ĐT Yên Bái là tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn. Ngành đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp chống bỏ học.

Tới nay, cơ bản đã khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tràn lan và tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,5%. Quy mô phát triển, chất lượng trường lớp được cải thiện cơ bản, ngành huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Bình quân, hàng năm làm mới gần 300 phòng học với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có 6.177 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 69%, so với năm 2010 tăng 1.491 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 4%. Khối phòng phục vụ học tập, tăng 329 phòng; khối phòng hành chính quản trị, tăng 870 phòng. Đặc biệt, khối phòng ở bán trú, nội trú và nhà ở công vụ của giáo viên đã đầu tư xây dựng 784 phòng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 7.000 học sinh.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đã huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, huy động xã hội hoá, tăng cường sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 178 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 31,0% tổng số trường mầm non, phổ thông và tăng 73 trường so với năm 2010. So với trước khi triển khai Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2005), tăng 147 trường, gấp 7,4 lần về số lượng...

Chú trọng nhân tố con người

Mỗi năm có 17.500 lượt cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ.Trong ảnh: Một buổi tập huấn trực tuyến tại Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non, phổ thông phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, từng bước đồng bộ về cơ cấu, được nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Hàng năm, sau rà soát quy mô trường lớp, đội ngũ, Sở GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để xây dựng kế hoạch, tham mưu trình UBND - HĐND tỉnh, giao kế hoạch quy mô trường lớp, biên chế. Ngành tích cực tham mưu bổ sung chỉ tiêu biên chế theo hướng giảm chênh lệch biên chế giữa các huyện, thị trong tỉnh; ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, ngành học mầm non, các trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), dân tộc nội trú (DTNT); bố trí đủ nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68, nhân viên dinh dưỡng các trường phổ thông DTNT, DTBT, trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá: “Ngành đã tham mưu với tỉnh bổ sung gần 3.000 biên chế. Số biên chế này được bù vào biên chế nghỉ hưu, thuyên chuyển, giảm lao động hợp đồng và tăng quy mô ở mầm non, tỷ lệ biên chế năm 2014 đạt 91%. Điều đó, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với sự nghiệp GD-ĐT và hiệu quả công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo của ngành, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT”.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ được quan tâm. Toàn ngành đã có 385 thạc sỹ, 10 tiến sỹ đã và đang tham gia đào tạo, so với năm 2010 tăng 186 người. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 99,22%, trong đó trên chuẩn đạt 56,34%, so với năm 2010 đạt chuẩn tăng 0,35%, trên chuẩn tăng 17,34%. Bình quân, mỗi năm có khoảng 17.500 lượt cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn. Yên Bái là một trong 4 tỉnh được Bộ GD-ĐT đánh giá triển khai thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ...

Phát triển giáo dục dân tộc, phổ cập giáo dục

Hằng năm, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, trong đó đi sâu chỉ đạo công tác quản lý của các trường phổ thông DTBT; chỉ đạo chuyên đề liên quan đến công tác bán trú. Tới nay, hệ thống trường phổ thông DTNT có 9 trường; trường phổ thông DTBT 43 trường và 55 trường có học sinh bán trú với trên 13.800 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ (năm 2010 chỉ có 4.799 học sinh thuộc diện bán trú dân nuôi). Chất lượng giáo dục được nâng lên, đối với trường phổ thông DTNT, học sinh xếp loại học lực khá, giỏi cấp THCS tăng 8,8%; cấp THPT tăng 9%, không có học sinh xếp loại học lực kém; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trường phổ thông DTBT, cấp THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 9,7%; tỷ lệ học lực yếu, kém giảm trên 8%.

Cơ sở trường lớp khang trang, giúp thầy và trò Trường THCS Đông An (Văn Yên) nâng cao chất lượng dạy và học.

Bậc tiểu học, học sinh khá giỏi tăng 8%, học lực yếu giảm gần 10%. Trong 4 năm, đã cấp trên 168 tỷ đồng cho các trường phổ thông DTBT và học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở; hỗ trợ tủ thuốc, mua sắm dụng cụ thể dục thể thao; hỗ trợ nhân viên phục vụ (chính sách riêng của tỉnh); hỗ trợ trên 11.600 lượt học sinh THPT được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 12/QĐ-TTg với số tiền trên 26 tỷ đồng và trên 50.200 lượt học sinh được hỗ trợ gạo theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg. Cùng với đó, công tác PCGD được quan tâm chỉ đạo, củng cố, duy trì, đẩy nhanh tiến độ.

Kết quả PCGD tiểu học được giữ vững và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90,6%; tổng số trẻ trong độ tuổi 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,5%. Toàn tỉnh có 180/180 đơn vị cấp xã; 9/9 đơn vị cấp huyện duy trì chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học; 174 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi. PCGD THCS được củng cố và đẩy mạnh thực hiện theo hướng bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ đối tượng 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 88,3%. Tới nay, 180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS.  Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, ngành đã tích cực tham mưu với tỉnh triển khai chỉ đạo việc thực hiện và đang chuẩn bị các điều kiện đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn trong năm 2015.

Những thành tựu quan trọng của sự nghiệp GD-ĐT qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh uỷ-HĐND-UBND tỉnh; sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc và nỗ lực vượt bậc của ngành GD-ĐT. Những kết quả, thành tựu đó, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và của đất nước-đó cũng là cơ sở để ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT trong những năm tiếp theo.    

T.A

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA