Tiện ích của việc giao dịch hồ sơ điện tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/8/2015 | 10:11:14 AM

YênBái - YBĐT - Sau 3 tháng triển khai chương trình ứng dụng phần mềm giao dịch điện tử (GDĐT) trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) bước đầu đạt được hiệu quả. Đây là điểm nhấn trong công tác cải cách thủ tục hành chính của BHXH tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp khi giao dịch.

Cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải giải quyết hồ sơ bằng phần mềm iBHXH cho người lao động.
Cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải giải quyết hồ sơ bằng phần mềm iBHXH cho người lao động.

Thay vì kê khai đóng nộp trên hồ sơ giấy và phải đến cơ quan BHXH trình nộp, thì nay người sử dụng lao động chỉ cần thực hiện mọi giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua một chương trình phần mềm ứng dụng iBHXH trên Internet. Việc ứng dụng phần mềm giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN qua mạng Internet rất tiện ích.

Nói về tính ưu việt của việc ứng dụng phần mềm kê khai qua mạng, chị Chu Thị Lương - kế toán phụ trách bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) của Công ty cổ phần Hữu Nghị quốc tế, tổ 44 phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang đóng BHXH, BHYT thường xuyên cho 80 lao động. Trước đây, mỗi tháng chúng tôi phải đến cơ quan BHXH 2 - 3 lần thì giờ đây qua việc thực hiện hồ sơ GDĐT chúng tôi không phải đến nữa mà các mẫu hồ sơ đều có sẵn. Nếu có vướng mắc hay sai sót gì chỉ cần gọi điện sẽ được cán bộ BHXH hướng dẫn và làm lại luôn”.

Chị Nguyễn Thu Hiền - Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính  Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái cảm thấy rất hài lòng khi thực hiện phần mềm iBHXH để giao dịch với cơ quan BHXH. Trước đây, khi báo cáo tăng, giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN chị phải in mẫu, sau đó kê khai, mang đến cơ quan BHXH báo cáo rất mất thời gian, giờ đây khi thực hiện GDĐT chị chỉ cần ngồi tại văn phòng nhấp chuột và thực hiện kê khai theo mẫu có sẵn và chuyển qua mạng cho cơ quan BHXH.

Chị Hiền cho biết: “So với việc giao dịch bằng hồ sơ giấy thì việc GDĐT đã đem lại sự tiện lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi kê khai theo mẫu đã được cài đặt nên thông tin của NLĐ được cập nhật kịp thời, không bị sai sót và trùng lặp…”. Mặc dù mới được triển khai 3 tháng nhưng phần mềm ứng dụng GDĐT đã bước đầu mang lại kết quả và được các đơn vị, doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Đến nay, đã có 100 đơn vị, doanh nghiệp tham gia GDĐT. Phần mềm iBHXH được triển khai sẽ giúp cho các đơn vị sử dụng lao động, cá nhân, thay vì nộp hồ sơ BHXH và nhận kết quả trả lại bằng giấy, có thể lập hồ sơ qua iBHXH, dùng chữ ký số và gửi qua mạng cho cơ quan BHXH, sau đó sẽ nhận lại phản hồi từ cơ quan BHXH ngay trên ứng dụng iBHXH.

Như vậy, phần mềm iBHXH sẽ giúp các đơn vị, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT một cách chính xác, kịp thời; hạn chế tối đa thời gian phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm chi phí in ấn, cập nhật kịp thời thông tin về chế độ, chính sách và những quy định về hồ sơ, biểu mẫu liên quan khi có thay đổi thông tin đơn vị và cá nhân… Ngoài ra, thông qua phần mềm iBHXH để thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT hàng tháng đến đơn vị kịp thời, giúp đơn vị kiểm tra, đối chiếu số liệu một cách chủ động, tiện ích, kịp thời và nhanh gọn.

GDĐT là sự tương tác giữa cơ quan BHXH và đơn vị sử dụng lao động. Đây là loại hình giao dịch góp phần đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, tính công khai, minh bạch; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức liên quan.  Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, đơn vị tham gia BHXH để mang lại hiệu quả cao trong việc ứng dụng phần mềm giao dịch điện tử.

Việc GDĐT qua hệ thống Internet nhằm giúp cho đơn vị sử dụng lao động, NLĐ và cơ quan BHXH giảm được chi phí giấy tờ, thời gian lao động. Thông qua việc GDĐT qua mạng Internet góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho tổ chức, cá nhân khi tham gia, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Đây là khâu đột phá chiến lược trong lĩnh vực hoạt động của ngành BHXH nhất là giai đoạn hiện đại hóa nền hành chính hiện nay.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Đội thanh niên tình nguyện thị trấn Mậu A hướng dẫn giúp đỡ người dân giải quyết các thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công.

Sáng 9/5, Đoàn Thanh niên thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã phối hợp với Bộ phận Phục vụ hành chính công thị trấn triển khai mô hình “Ngày thứ 5 tình nguyện” trong giải quyết thủ tục hành chính.

25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa).

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày 10/5, bảo đảm hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Minh Quân, huyện Trấn Yên

Năm 2024, huyện Trấn Yên đề ra 12 mục tiêu phát triển chính quyền số theo Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy.

Theo xếp hạng, Yên Bái đứng thứ 9 về chỉ số SIPAS - mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của các tỉnh, thành năm 2023.

Năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Yên Bái đạt 87,73%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đạt 88,86%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục