Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái giảm phiền hà cho người bệnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2015 | 3:02:55 PM

YênBái - YBĐT - Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái đã thực hiện quy trình làm việc rõ ràng, việc áp dụng CNTT đã giúp quá trình khám bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt phiền hà cho người bệnh, mang đến sự hài lòng, thoải mái cho người dân trên địa bàn.

Người bệnh ngày càng hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.
Người bệnh ngày càng hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, phường Nguyễn Thái Học, định kỳ hàng tháng đều đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái khám, theo dõi và làm xét nghiệm để kiểm tra đường huyết. Được biết, bà Thịnh là bệnh nhân chung sống với bệnh đái tháo đường đã 8 năm nay. Trước đây, mỗi tháng một lần bà đến Bệnh viện để kiểm tra đường huyết, nhưng có khi bà phải đi lại đến vài lần vì phòng khám quá đông bệnh nhân hay có khi phải chờ đợi mất cả buổi.

Từ khi Bệnh viện Đa khoa thành phố phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội chi nhánh Yên Bái (Viettel Yên Bái) triển khai dịch vụ Shop.one, trong đó có dịch vụ nhắn tin SMS đến bệnh nhân để người bệnh biết được ngày khám, lịch khám đã tạo điều kiện tốt nhất, để bà cũng như nhiều bệnh nhân đến đây có được sự chủ động trong việc khám, chữa bệnh của mình.

Bà Thịnh cho biết: "Trước đây, khi chưa có dịch vụ nhắn tin, chúng tôi đến đây khám, kiểm tra, phải chờ đợi rất lâu. Giờ hàng tháng khi nhận được tin nhắn của bệnh viện, chúng tôi chủ động nhịn ăn để đến xét nghiệm, bố trí thời gian đi khám đúng giờ, tạo thuận lợi cho bệnh viện cũng như giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian và giảm đi sự mệt mỏi phải chờ đợi. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Được triển khai từ tháng 6/2015, dịch vụ tin nhắn SMS đã mang lại nhiều lợi ích cho cả Bệnh viện lẫn người bệnh. Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái đã trở thành bệnh viện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái áp dụng dịch vụ này đối với các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường phải điều trị thường xuyên tại viện.

Với trên 760 bệnh nhân đái tháo đường hiện đang khám và điều trị tại Bệnh viện, mỗi ngày, Bệnh viện nhắn tin cho khoảng 30 đến 40 lượt bệnh nhân đến khám, giúp người bệnh tiết kiệm được thời gian, công sức chờ đợi, đồng thời Bệnh viện giảm lượng người ngồi chờ khám và sự quá tải thường tập trung vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Từ đó, đội ngũ bác sỹ có thêm thời gian, điều kiện để khám và làm tốt hơn công tác tư vấn, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tuân thủ các phác đồ điều trị.

Hiện, Bệnh viện có trên 30 nghìn thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện. Trung bình mỗi ngày có 250 đến 300 lượt bệnh nhân đến khám. Đó là khó khăn đối với các bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện bởi lượng người đến khám, chữa bệnh luôn quá tải.

Để tránh phiền hà cho bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu khi khám, chữa bệnh, hàng năm Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái đều có sự đánh giá lại quy trình khám chữa bệnh đang áp dụng và luôn có những cải tiến, điều chỉnh quy trình và cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp, giúp người bệnh bớt đi phần nào sự mệt mỏi khi đến khám, điều trị bệnh.

Quyết tâm đó được thể hiện trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện và được cụ thể hóa bằng mọi mặt hoạt động chuyên môn: “Hướng đến bệnh nhân, vì bệnh nhân” qua việc ứng dụng CNTT vào hoạt động khám chữa bệnh với việc làm bệnh án điện tử, quản lý bệnh nhân trên phần mềm máy tính...

Hệ thống tin học hiện đại đã tạo thuận lợi cơ bản để rút ngắn thời gian trong khâu làm thủ tục và cách điều trị. Toàn bộ hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú từ tên, địa chỉ đến tình trạng bệnh, danh mục thuốc điều trị đều được đưa lên mạng để tất cả các khoa, phòng đều truy cập được. Nhờ vậy, Ban Giám đốc Bệnh viện có thể quản lý được vật tư tiêu hao, thuốc điều trị và chất lượng hồ sơ bệnh án một cách hiệu quả.

Để tiếp tục khai thác hiệu quả hệ thống CNTT trong thời gian tới, bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái cho biết: “Bệnh viện sẽ luôn cải tiến để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn, tiếp tục triển khai một số dịch vụ nhắn tin tại các khoa, phòng như: quản lý bệnh nhân đến khám thai sản, các hoạt động về quản lý sức khỏe và các hoạt động khám chữa bệnh khác, hẹn bệnh nhân đến tái khám... giảm bớt sự phiền hà, tạo niềm tin và động viên tinh thần cho người bệnh”.

Việc ứng dụng CNTT trong công tác khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái đã giúp bệnh nhân được quan tâm, chăm sóc như một khách hàng. Còn đội ngũ bác sỹ thì có thêm thời gian để tư vấn, quan tâm nhiều hơn đến người bệnh. Tất cả đều hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng trong công tác khám, điều trị bệnh.

Thanh Chi

Các tin khác
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Minh Quân, huyện Trấn Yên

Năm 2024, huyện Trấn Yên đề ra 12 mục tiêu phát triển chính quyền số theo Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy.

Theo xếp hạng, Yên Bái đứng thứ 9 về chỉ số SIPAS - mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của các tỉnh, thành năm 2023.

Năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Yên Bái đạt 87,73%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đạt 88,86%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 997/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực thư viện.

Quang cảnh hội nghị.

UBND huyện Văn Yên vừa tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục