Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/4/2016 | 10:27:17 AM

YBĐT- Từ quan tâm đầu tư, đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có mạng cục bộ (mạng LAN), kết nối Internet tốc độ cao.

Đến nay, 80% cán bộ, công chức ngành y tế sử dụng máy tính phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh. (Ảnh: Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ sử dụng máy tính trong hoạt động nghiệp vụ.)
Đến nay, 80% cán bộ, công chức ngành y tế sử dụng máy tính phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh. (Ảnh: Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ sử dụng máy tính trong hoạt động nghiệp vụ.)

Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, Yên Bái đã quan tâm đầu tư đến lĩnh vực này.

Giai đoạn 2011 - 2015 và các dự án hiện đang triển khai, tỉnh đã đầu tư trên 15 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính nhà nước. Từ quan tâm đầu tư, đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có mạng cục bộ (mạng LAN), kết nối Internet tốc độ cao.

Đến nay, 94% trung tâm các xã, phường, thị trấn được cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao và phủ sóng 3G; 27% các xã, phường, thị trấn đã có mạng LAN, riêng UBND thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đạt 100%. Số xã chưa có mạng LAN, các máy tính được kết nối Internet theo hình thức đơn lẻ một hai máy kết nối trực tiếp với Modem hoặc sử dụng hình thức phát không dây (Wifi) hoặc qua USB 3G để kết nối máy tính xách tay. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ/máy tính của Yên Bái là 2,2 người/máy; trong đó, cấp tỉnh đạt 1,2 người/máy; cấp huyện đạt 2 người/máy; cấp xã đạt 3,5 người/máy.

Đến hết năm 2015, 90% các sở, ngành và 100% UBND các huyện, thị, thành phố sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác, riêng UBND thành phố Yên Bái và 3 huyện là Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên đã và đang triển khai tới cấp xã.

Bên cạnh đó, qua việc cấp 2.853 tài khoản thư thuộc hệ thống thư của tỉnh cho 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện và tỉnh (bao gồm cả hòm thư cơ quan và hòm thư cho cán bộ, công chức); cấp tài khoản thư điện tử của tỉnh cho 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh và trên 85% cán bộ cấp huyện, trên 300 tài khoản đến cấp xã mà các loại văn bản là báo cáo, lịch làm việc, trao đổi thông tin, tài liệu... đã được gửi qua hệ thống email của tỉnh, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý và điều hành, tiết kiệm thời gian và chi phí. Cùng với đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh được đầu tư triển khai giai đoạn I tại 2 điểm cầu (UBND tỉnh và thị xã Nghĩa Lộ), bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại và lưu trú.

Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng khác được triển khai sử dụng rộng rãi, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều hành. Đến nay, 100% các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm kế toán và sử dụng chữ ký số để phục vụ công tác tài chính - kế toán tại đơn vị. Trong đó, tỷ lệ cơ sở giáo dục được nối mạng Internet đạt trên 90%; tỷ lệ trao đổi văn bản hướng dẫn, thông tin, báo cáo (không thuộc diện văn bản mật) bằng hình thức điện tử đạt trên 80%.

Đối với ngành y tế, trên 80% cán bộ, công chức của ngành biết sử dụng máy tính; 6/15 bệnh viện đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong công tác khám và điều trị; 100% đơn vị trong ngành sử dụng phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp trong công tác chỉ đạo điều hành.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai qua việc có 2 đơn vị đã ứng dụng CNTT vào hệ thống “một cửa”. Từ triển khai hệ thống “một cửa” điện tử liên thông đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước của tỉnh. Đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh gồm 1 cổng chính và 38 trang thành viên của các cơ quan sở, ngành, UBND cấp huyện đã được xây dựng và cung cấp khoảng 2.485 thủ tục hành chính mức độ 1, 2.

Song song với Cổng TTĐT tỉnh, Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh cũng tiếp tục được duy trì, phát triển. Hiện đã có trên 130 doanh nghiệp của trên 30 lĩnh vực kinh doanh khác nhau tham gia hoạt động giao dịch tại địa chỉ www.sctyenbai.com với hơn 350 lượt sản phẩm được chào mua, chào bán. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển được quan tâm. 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ gần 20 doanh nghiệp đưa ứng dụng CNTT vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Song song với đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực ứng dụng CNTT cũng được tăng cường. Đến nay, UBND tỉnh có Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; có cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước về CNTT là Sở Thông tin và Truyền thông. Tại các huyện cũng có các ban chỉ đạo ứng dụng CNTT cấp huyện do lãnh đạo huyện là trưởng ban. Bên cạnh đó, Yên Bái đã xây dựng được Trung tâm CNTT và Truyền thông, Trung tâm Cổng TTĐT tỉnh có chức năng nhiệm vụ triển khai, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT và duy trì, phát triển Cổng TTĐT tỉnh. Đối với cấp huyện, đã có cán bộ phụ trách về thông tin và truyền thông.

Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh gắn với công tác cải cách hành chính đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp, thúc đẩy cải cách hành chính, từng bước xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh. Để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới, Yên Bái sẽ tăng cường các giải pháp triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung một cách đồng bộ đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử, thương mại điện tử.

Qua ứng dụng CNTT sẽ công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến cơ bản mức độ 3, một số dịch vụ đạt mức độ 4, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Đội thanh niên tình nguyện thị trấn Mậu A hướng dẫn giúp đỡ người dân giải quyết các thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công.

Sáng 9/5, Đoàn Thanh niên thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã phối hợp với Bộ phận Phục vụ hành chính công thị trấn triển khai mô hình “Ngày thứ 5 tình nguyện” trong giải quyết thủ tục hành chính.

25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa).

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày 10/5, bảo đảm hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Minh Quân, huyện Trấn Yên

Năm 2024, huyện Trấn Yên đề ra 12 mục tiêu phát triển chính quyền số theo Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy.

Theo xếp hạng, Yên Bái đứng thứ 9 về chỉ số SIPAS - mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của các tỉnh, thành năm 2023.

Năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Yên Bái đạt 87,73%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đạt 88,86%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục