Đúng dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp trở lại xã Thượng Bằng La thăm Di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô huyền thoại. Trên suốt những đoạn đường quanh co từ bản Dạ lên đỉnh đèo, chúng tôi bắt gặp nhiều du khách đến đây để tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm, thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu văn hóa Tây Bắc.
Năm nay, du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu những chiến tích của những người làm nên con đèo Lũng Lô đã đi vào thơ ca, sử sách còn có những trải nghiệm thú vị về những khu vườn sinh thái, những địa danh chốn thâm sơn cùng cốc từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, mong muốn giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, năm 2017, chị Nguyễn Thị Hằng cùng một số thành viên đã xây dựng nên nông trang Noong Tài. Nằm ngay dưới chân đèo Lũng Lô, nông trang là mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm thực tế với nghỉ dưỡng đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan nghỉ dường vào mỗi dịp lễ, tết và cuối tuần.
Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ nông trang Noong Tài cho biết: "Mình thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, như truyền thống văn hóa, lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên giao hòa, khí hậu mát mẻ nên đã xây dựng mô hình du lịch này. Mình mong muốn thông qua việc tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm sẽ giúp du khách gần xa biết và đến với quê hương Văn Chấn, quê hương Thượng Bằng La nhiều hơn. Vì vậy, ngoài đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nông trang còn chuẩn bị những món ăn ngon nhất và nơi nghỉ ngơi yên tĩnh, mát lành làm hài lòng du khách”.
Nằm ở phía Tây của tỉnh, từ lâu, Văn Chấn đã hấp dẫn du khách gần xa bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân ta. Đặc biệt, văn hóa các dân tộc cùng sự hiền hòa, thân thiện và mến khách của người dân nơi đây đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng mỗi du khách khi đến với quê hương Văn Chấn anh hùng.
Với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vài năm trở lại đây, các địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn đã quan tâm, động viên nhân dân làm du lịch. Nhân dân các địa phương đã tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển các loại hình du lịch. Trong đó, các loại hình du lịch cộng đồng đã phát huy tiềm năng về truyền thống văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên độc đáo hay những di sản quý trong lao động sản xuất.
Các mô hình du lịch nghỉ dưỡng đã phát huy nguồn tài nguyên suối khoáng nóng, điều kiện thiên nhiên, khí hậu mát lành. Du lịch trải nghiệm đã kết hợp được giữa tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử với trải nghiệm thực tế quá trình lao động sản xuất của nhân dân. Tiêu biểu: Suối Giàng có thưởng trà, tìm hiểu quy trình sản xuất chè Shan của đồng bào Mông; các xã Sơn A, Sơn Thịnh với du lịch bản làng và tắm suối khoáng nóng; đặc biệt, đến với Tú Lệ vào mùa Thu, du khách sẽ được thăm vùng nếp Tan đặc sản, tìm hiểu quy trình làm cốm, thưởng cốm và tìm hiểu tục tắm tiên của đồng bào Thái nơi đây.
Với mục tiêu đưa việc sản xuất cốm thành nghề và gắn với phát triển du lịch, ngoài việc động viên người dân phát triển các mô hình du lịch, xã Tú Lệ đã xây dựng làng cốm Nà Lóng để phục vụ du khách đến thăm quan và thưởng thức món cốm nếp Tan.
Sau chuyến thăm quan bản làng, du khách có thể đắm mình trong dòng suối khoáng tại mỏ nước nóng tự nhiên và nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn của người Thái. Cao cấp hơn, du khách có thể đến nghỉ dưỡng tại khu resots của Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt, đi xe điện ngắm đèo Khau Phạ và Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Ông Hoàng Văn Soàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ chia sẻ: "Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch và vận động nhân dân tôn tạo cảnh quan môi trường, triển khai các hoạt động du lịch. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư đúng mức, các hoạt động du lịch của Tú Lệ đã và đang phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng của du khách gần xa”.
Cùng với việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân phát triển các loại hình du lịch, huyện còn đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá, xây dựng hình ảnh con người Văn Chấn hiền hòa, hiếu khách.
Hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019, huyện Văn Chấn sẽ tổ chức 3 hoạt động lớn, gồm: Lễ hội giã cốm và thi trình diễn trang phục các dân tộc xã Tú Lệ mở rộng, Lễ hội cúng cây chè tổ và khai trương tiệm trà xã Suối Giàng và Lễ hội tôn vinh và đón nhận danh hiệu Cây di sản Việt Nam cho quần thể cây chè Shan cổ thụ thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô. Ngoài ra, huyện đã cử 650 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia diễu diễn đường phố và màn đại xòe tại thị xã Nghĩa Lộ.
Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của Văn Chấn đến du khách gần xa, qua đó thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Tây Bắc; đồng thời kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đầu tư, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn. Hiện nay, các địa phương, cơ quan đơn vị đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho các hoạt động Lễ hội diễn ra từ ngày 18 - 23/9.
Trần Van (Trung tâm TT & VH huyện Văn Chấn)