Yên Bái: Chủ động ứng phó với bệnh dại gia tăng đột biến

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/3/2024 | 2:03:15 PM

YênBái - Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến trên toàn quốc với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023; số phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người. Tại tỉnh Yên Bái, từ 1/1 đến ngày 15/3/2024 đã ghi nhận 800 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Một cháu bé được điều trị dự phòng bệnh dại tại Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An, thành phố Yên Bái.
Một cháu bé được điều trị dự phòng bệnh dại tại Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An, thành phố Yên Bái.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 phút có 1 người chết vì bệnh dại, 1 năm có 55.000 người tử vong do bệnh dại ở khu vực nông thôn trên thế giới. Tại Việt Nam, số người chết vì bệnh dại cao nhất trong số bệnh truyền nhiễm gây dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 800 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Tâm lý chủ quan "chó nhà”

Ngay trong sáng ngày 15/3, cháu Nguyễn Thị Kim Cúc, 9 tuổi, tại thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên chuẩn bị đi học thì cháu bị con chó nhỏ của gia đình cắn vào cổ chân. Nhận thức được nguy hiểm của bệnh dại, mẹ cháu là chị Phạm Thị Đảm đã đưa con đi tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên. 

Chị Đảm chia sẻ: "Con chó này nhỏ nên chưa tiêm phòng bệnh dại. Vả lại, mấy ngày nay con chó có biểu hiện ốm, bỏ ăn nên gia đình rất lo lắng, cho con đi tiêm ngay. Cách đây vài ngày, trong thôn cũng có 4 người bị 1 con chó cắn, cũng phải đi tiêm. Hiện gia đình đã nhốt con chó lại để theo dõi thêm”.

Lục Yên là một trong những địa bàn có số người phải điều trị dự phòng bệnh dại cao trong toàn tỉnh. Từ đầu năm tới nay huyện đã có 215 trường hợp; trong đó, chỉ riêng trong 15 ngày đầu tháng 3 đã có tới 67 trường hợp. Điều đáng nói, các trường hợp này chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan "chó nhà” đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. 

Trước tình hình bệnh dại có nguy cơ tăng cao, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã kịp thời thực hiện việc giám sát, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng, chống. Các thầy thuốc cũng tích cực tuyên truyền, khuyến cáo việc xử lý các vết thương khi bị chó, mèo cắn, liếm trên da bị thương. 

Bác sỹ Vũ Đông Giang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết: "Chúng tôi hướng dẫn cho người dân cách rửa vết thương ngay sau khi bị chó, mèo cắn bằng xà phòng, bôi chất sát khuẩn, không băng kín vết thương, đồng thời kịp thời đến cơ sở tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Hiện đã có vắc xin dại an toàn và hiệu quả. Vắc xin dại mới không gây phản ứng phụ như các vắc xin dại trước đây. Cùng đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không chữa bệnh dại bằng thuốc nam vì hoàn toàn không có tác dụng”. 

Bệnh dại gia tăng đột biến

Trên phạm vi toàn quốc, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Số phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học....

Còn tại tỉnh Yên Bái, tính từ 1/1 đến ngày 15/3/2024 đã ghi nhận 800 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại; Trong đó, huyện Văn Yên 217 trường hợp, huyện Lục Yên 215, huyện Văn Chấn 81, thành phố Yên Bái 72 , huyện Yên Bình 53, huyện Trấn Yên 50, thị xã Nghĩa Lộ 46 , Mù Cang Chải 41, huyện Trạm Tấu 13 và vãng lai 9 trường hợp; chưa có trường hợp tử vong.


Nhiều hộ vẫn thả rông chó nuôi không đeo rọ mõm.

Người bị chó, mèo nghi dại cắn cần tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại

Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn; số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người dân, bác sỹ Lê Hồng Quang - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã có khuyến cáo:

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Người bị  bệnh dại là do bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn người truyền vi rút qua da và niêm mạc bị tổn thương do cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp. Bệnh dại đặc biệt nguy hiểm vì khi đã lên cơn dại thì không có  thuốc nào điều trị được và 100% số người bị bệnh dại đều dẫn đến cái chết thương tâm. Hầu hết những người tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vắc xin dại, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) người bị chó, mèo nghi dại cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ lây truyền bệnh dại từ chó, mèo sang người. 

Chó bị bệnh dại thường có các biểu hiện sau: Thời kỳ đầu, chúng biểu hiện bằng những thay đổi trong thói quen của con vật như bứt rứt, lo lắng, có khi  lại tỏ ra vui mừng, quấn quýt với chủ hơn hoặc chỉ tỏ ra buồn rầu, có thể có sốt. Lúc này trong nước dãi của chó đã có virus dại. 

Thời kỳ phát bệnh, cho bị bệnh dại biểu hiện bằng những triệu chứng điên cuồng như: con vật luôn luôn cử động, nhảy lên bắt đớp những con ruồi tưởng tượng. Con vật khó nuốt như bị hóc xương, tiếng kêu khàn khàn, ồ ồ, gãy từng nhát, tiếng sủa kéo dài và cuối cùng rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn. Bất cứ một sự kích thích nào dù nhỏ đều có thể làm cho chó lên cơn dại, cắn người và các súc vật khác hoặc tự cắn nó, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi. Phạm vi hoạt động của một con chó dại có khi lên tới 50 km. Vì vậy, những con chó dại rất nguy hiểm, là mối nguy cơ lớn truyền bệnh dại cho người và các con vật khác.

Thời kỳ bại liệt, cho bị bệnh dại cơ thể  gầy mòn, mắt lõm sâu, vẻ mặt phờ phạc, kêu thất thanh, hàm bị liệt trễ xuống làm con vật không nuốt được nữa. Bại liệt bộ phận sau làm con vật xiêu vẹo, đi phân táo bón, bí tiểu tiện, cuối cùng ngã vật xuống và chết. Trong một số trường hợp chó bị bệnh dại không có biểu hiện điên cuồng như trên mà chỉ thấy con vật buồn rầu, ủ rũ, liệt ở một bộ phận hay nửa người, thông thường là liệt cơ hàm làm cho mõm luôn hé mở; hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do; con vật không cắn được, không sủa được nên gọi là bệnh dại thể câm. Bệnh tiến triển từ 2 - 7  ngày,  thường là 2-3 ngày, sau đó là chết.

Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại phải thực hiện ngay các biện pháp sau: tuyệt đối không tiếp xúc với con vật bị bệnh dại hoặc nghi dại để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người. Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y xã, phường, thôn, bản để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó. Phải chôn sâu xác súc vật bị bệnh dại cùng với các chất sát khuẩn như vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột ...

Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết, phải xử lý vết thương sau đó phải đến điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Nghiêm cấm bán chó tại nơi đang có dịch dại sang vùng khác để tránh lây lan dịch bệnh.

Những người thường xuyên giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm từ chó, mèo, cán bộ kiểm lâm, cán bộ thú y... cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo hướng dẫn của ngành y tế. Những trường hợp phải đi tiêm phòng dại ngay, càng sớm càng tốt là khi con vật cắn lên cơn dại hoặc nghi dại; vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu; không theo dõi được con vật; tại nơi người bị súc vật cắn có súc vật bị bệnh dại; tuyệt đối không dùng thuốc nam để chữa bệnh dại vì cho đến nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa được. 

Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại

Để phòng tránh được bệnh dại, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y;  không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, những người nuôi chó cần nâng cao ý thức không thả rông hoặc đeo rọ mõm cho có khi ra đường, chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn xử lý vết thương, sau đó phải đến điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc khám và có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ động thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng chống bệnh dại 

Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã có văn bản đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm có nguy cơ nhiễm với bệnh dại tại cộng đồng chưa được tiêm vắc xin dại phải được điều trị dự phòng. Các địa phương tổ chức tốt công tác quản lý chó, mèo ở từng khu dân cư; thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, không tiêm vắc xin dại cho chó. 

Sở cũng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành để lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền xét nghiệm bệnh dại với tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật.

Đặc biệt, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hoả tốc về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn; số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ. 

Gần đây nhất, hôm qua (15/3), Bộ Y tế đã có công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; trong đó có yêu cầu các cơ sở y tế cần đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.

Bộ cũng yêu cầu tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.


Minh Huyền


Tags bệnh dại công điện phòng chống bệnh dại tiêm vắc xin

Các tin khác
Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục