Yên Bái chủ động kiểm soát số ca mắc mới thủy đậu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2024 | 4:05:44 PM

YênBái - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 140 ca mắc bệnh thủy đậu. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Thịnh phun khử trùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Thịnh phun khử trùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.


Xuất hiện các ổ dịch trong trường học

Ngày 4/3, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, một em học sinh lớp 3 đã bị sốt nhẹ, trên người xuất hiện các nốt phỏng ở bụng và lưng- triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu. Ngay sau đó, nhà trường đã mời cán bộ Trạm Y tế xã kiểm tra và xác định đây là ca mắc thủy đậu đầu tiên trong trường. Đến ngày 18/3, Trường đã ghi nhận 11 học sinh mắc thủy đậu, trong đó 8 em đã khỏi, 3 em đang điều trị tại nhà. 

Cô Nguyễn Thị Thúy -  Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thịnh cho hay: "Khi có ca mắc thủy đậu, nhà trường đã phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã tuyên truyền về phòng, chống bệnh thủy đậu cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với những nội dung như: nguyên nhân gây bệnh, triệu trứng và dấu hiệu của bệnh, chăm sóc phòng bệnh… để mỗi người nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh”. 

Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn điều trị, Trạm Y tế xã cũng cấp phát Chloramin B cho trường học để vệ sinh phòng học, đồ dùng và đồ chơi, hướng dẫn nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách chăm sóc các em khi mắc bệnh. 



Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thịnh được hướng dẫn rửa tay phòng các bệnh truyền nhiễm.

Cũng trong thời điểm này, tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã ghi nhận 18 ca mắc thủy đậu, Trường Tiểu học Đại Đồng, xã Đại Đồng ghi nhận 9 ca. 2 nhà trường đã kịp thời phối hợp với các trạm y tế địa phương thực hiện kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới. 

"Ngay sau khi có các ca mắc bệnh thủy đậu xảy ra trên địa bàn, Khoa kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Yên Bình đã cử cán bộ giám sát trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện các ổ dịch mới, theo dõi các ổ dịch cũ, tiến hành đồng loạt biện pháp phòng ngừa dịch trong các nhà trường” - bác sỹ Quách Gia Khánh, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình cho hay.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch thủy đậu

Là đơn vị chủ lực về y tế dự phòng, hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế các kế hoạch và các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh theo mùa, trong đó có bệnh thủy đậu ... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch đề ra; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng của tỉnh, của ngành. 

Ngay từ cuối tháng 2/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn nhằm chủ động phòng ngừa, giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, trong đó có đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát; sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 140 ca mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, thành phố Yên Bái 50 ca, huyện Yên Bình 41 ca, Trấn Yên 11, Lục Yên 7, Văn Chấn 5 ca, thị xã Nghĩa Lộ 7; Văn Yên 11 và Mù Cang Chải 8 ca. Đã xuất hiện 4 ổ dịch tại trường học. 

Số ca mắc thủy đậu hiện không tăng so với những năm trước, nhưng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên với chẩn đoán thủy đậu/viêm phổi ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển)/suy đa tạng. Bệnh nhân là nữ, 42 tuổi. 

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có tiền sử bệnh phình mạch máu não cách đây 2-3 năm. Cách đây khoảng 2-3 tháng bệnh nhân hay bị mệt mỏi nhưng không đi khám bệnh. Ngày 25/2/2024, người bệnh xuất hiện rải rác những nốt phỏng nước, sốt thành từng cơn, đau họng, đau vùng cột sống thắt lưng nhưng vẫn đi làm bình thường. 

Đến ngày 28/2, bệnh nhân mệt mỏi tăng, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị, với chẩn đoán ban đầu là viêm họng cấp - tăng men gan, sau 3 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm, chẩn đoán thủy đậu biến chứng có bội nhiễm và được chuyển Bệnh viện Bạch Mai điều trị và bệnh nhân đã tử vong ngày 6/3/2024.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh theo mùa của UBND tỉnh Yên Bái.

Ngay sau khi ghi nhận ca tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống bệnh thủy đậu, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý các ổ dịch theo đúng quy định, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, kéo dài, bùng phát thành dịch; đề xuất các giải pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục những tồn tại của địa phương trong công tác phòng chống dịch. 

Cùng với đó, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh; củng cố các đội cơ động chống dịch kịp thời hỗ trợ tuyến dưới điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh thủy đậu bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Ông Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: "Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhóm B với biểu hiện điển hình là các nốt mụn nước phỏng rộp chứa dịch viêm xuất hiện trên da và niêm mạc toàn thân. Thủy đậu có thể lưu hành ở mọi nơi trên toàn cầu và xuất hiện ở mọi đối tượng, bất kể trẻ em hay người lớn. Tuy là bệnh lành tính nhưng thủy đậu có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, phải nhập viện điều trị và nguy cơ có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh, tim mạch, vận động và da liễu nặng nề kéo dài sau khi khỏi bệnh”.

Vì vậy, với các ổ dịch thủy đậu tại trường học, theo y sỹ Hà Thị Mai Hương - Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái: Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày, từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. 

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, người bệnh cần tắm nước ấm, lau rửa thân thể nhẹ hàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo hàng ngày. Người bệnh thủy đậu nên lựa chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cọ xát làm vỡ những vết mụn nước khiến dịch lây lan ra những vùng da xung quanh. 

"Bên cạnh đó, người bệnh cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối sinh lý vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm. Đặc biệt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám nếu có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì" - y sỹ Hương chia sẻ.

Cùng nhấn mạnh những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lại Mạnh Hùng cũng khuyến cáo, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần thực hiện một số biện pháp: tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng, tránh lây lan;  thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng đối với người bệnh thủy đậu. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, mau hồi phục, ngược lại có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh. 

Minh Huyền 

Tags Thủy đậu Sở Y tế Tân Thịnh Yên Bình

Các tin khác
Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục