Phẫu thuật thành công cho bé gái 9 tuổi suy thận mạn

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/4/2024 | 8:44:39 AM

9 tuổi, A.N chỉ nặng chừng 22kg, thấp còi so với bạn bè cùng trang lứa bởi căn bệnh suy thận. Trải qua hơn một năm trời với nhiều thách thức tìm nguồn thận phù hợp, bé gái ở Thành phố Hồ Chí Minh này đã được hồi sinh sau ca ghép thận, tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội.

Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho người bệnh.
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho người bệnh.

Một năm trước, N.A được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, kèm theo tăng huyết áp, suy tim, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Việc chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng, lọc máu có thể giúp trẻ duy trì sự sống, nhưng chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp, kèm theo nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như tăng huyết áp, suy tim.

Vì vậy, ghép thận được xem là phương pháp duy nhất để có thể giúp trẻ duy trì chất lượng cuộc sống và sự phát triển thể chất như trẻ bình thường.

Bác sĩ Trương Thùy Linh, Khoa Thận và Lọc máu cho biết, A.N phải mất gần 1 năm mới đủ điều kiện sức khỏe, các chỉ số ổn định, chức năng tim mạch, nội tiết trong giới hạn cho phép để có thể ghép thận.

Cách đây 3 tháng, bệnh nhi nhiễm sán, vì thế, các bác sĩ tại khoa đã phải phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ sau khi ghép dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Đặc biệt, trước khi ghép, bệnh nhi được Trung tâm Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền và Liệu pháp phân tử phân tích kết quả xét nghiệm gene kết hợp đối chiếu với kết quả lâm sàng, nhằm loại trừ các nguyên nhân suy thận do đột biến gene, giúp quyết định ghép thận của các bác sĩ được thực hiện chính xác hơn và có tiên lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, mọi yếu tố từ chiều cao, cân nặng, các chỉ số xét nghiệm máu, tiêm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, các xét nghiệm sàng lọc người cho thận, hồ sơ pháp lý,… cũng được chuẩn bị đầy đủ trước khi ghép.

Ngày 27/2, A.N được hội chẩn bệnh viện dưới sự chủ trì của Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc để bảo đảm các quy trình trước, trong và sau ghép được kiểm soát chặt chẽ nhất.

Sáng 11/3, hai cuộc mổ lấy thận và ghép thận được tiến hành song song, bảo đảm thận lấy ra phải được ghép kịp thời. Trải qua 5 giờ thực hiện, với mọi quy trình tỉ mỉ và chính xác, ca phẫu thuật ghép thận đã thành công, thận phải ngay sau khi được ghép hồng hào, tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tham gia kíp ghép thận cho bệnh nhi chia sẻ, đây là ca ghép thận thứ 62 thành công của bệnh viện tính từ năm 2004.

Khó khăn khi ghép cho A.N là tĩnh mạch của người cho chia sớm, nên khi nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận sẽ bị quá dài. Vì vậy, các bác sĩ phải cắt bớt và tạo hình lại 2 nhánh của tĩnh mạch thận trước khi nối lại và ghép cho trẻ.

Sau khi ghép, trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để tiếp tục hồi sức sau ghép. Nhờ kỹ thuật ghép thận được các bác sĩ thực hiện tốt, nên quá trình hồi sức bệnh nhi sau ghép cũng nhẹ nhàng và thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Giai đoạn ngay sau ghép thận, ngoài hỗ trợ các chức năng sống thường quy, kiểm soát và phòng, chống nhiễm khuẩn, bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhi, các bác sĩ luôn lưu ý đến duy trì huyết áp tốt, bảo đảm tưới máu thận tối ưu, bù lại thể tích tuần hoàn, cân bằng nước điện giải do có tình trạng đa niệu ở giai đoạn đầu sau ghép và duy trì các thuốc chống thải ghép.

Sau 7 ngày sau ghép thận, tình trạng bệnh nhi ổn định, tiểu tốt, các chỉ số sinh hóa về chức năng thận, nội tiết trở về giới hạn bình thường, huyết áp được kiểm soát, các vấn đề tim mạch cũng sẽ cải thiện dần khi sức khỏe của trẻ tiến triển.

Ngày 19/3 vừa qua, trẻ được ra viện trong niềm hạnh phúc, phấn khởi của gia đình và các y, bác sĩ.

Bác sĩ Lê Anh Dũng cho biết, ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã trở thành thường quy nhiều năm qua, giúp những trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối tưởng chừng như hết hy vọng vào sự sống, được tiếp tục cuộc đời còn dang dở. Đây không chỉ là niềm vui, khát khao của bệnh nhi mà cũng là mong mỏi của các y, bác sĩ bệnh viện.

"Chúng tôi cũng hy vọng rằng, nguồn thận hiến tặng sẽ không còn khan hiếm, để việc ghép thận cho trẻ em được tiến hành rộng rãi hơn, nối dài sự sống cho trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối", bác sĩ Dũng bày tỏ.

(Theo NDO)

Các tin khác
Lãnh đạo Bệnh viện cùng lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc quan tâm, thăm hỏi bệnh nhân chạy thận.

Bên trong phòng kín đầy những máy móc chạy không ngơi nghỉ của đơn nguyên thận lọc máu là những bệnh nhân da dẻ nhợt nhạt, mệt mỏi vì đau đớn, bệnh tật, tình người ấm áp vẫn lan tỏa từ những người đồng cảnh ngộ và từ sự đồng hành, chăm sóc của những y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Hình minh họa.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục