63 địa phương hoàn thành hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2024 | 9:36:06 AM

Việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của các địa phương giúp cán bộ, công chức xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận tiện, từ đó giảm thiểu tình trạng xử lý chậm, muộn.

Việc hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh nhằm tạo lập hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền. Ảnh minh họa
Việc hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh nhằm tạo lập hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền. Ảnh minh họa

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ 

Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2021 đã xác định rõ quan điểm: "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT”.

Một trong những mục tiêu được đề ra tại Đề án nêu trên là hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Thời gian qua, trong các văn bản đôn đốc triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT - với vai trò của cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - liên tục nhắc nhở, hướng dẫn về nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

Đánh giá tình hình phát triển chính phủ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trong tháng 5/2024, Bộ TT&TT nhận định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh với 80,53% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 47,79% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Trong văn bản đôn đốc thực hiện Đề án 06 và kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng thời gian vừa qua, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Đáng chú ý, tính đến nay, 63/63 địa phương đã hoàn thành việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

Cùng với đó, 61/63 địa phương đã hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉn, với kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc này nhằm chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa của các bộ, tỉnh còn thấp

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng cho hay qua theo dõi, tổng hợp, vẫn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành theo đúng tiến độ hoặc kết quả thực hiện chưa cao. Cụ thể như còn 9/22 bộ, ngành chưa đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 4 bộ, ngành chưa hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ tái sử dụng thông tin dữ liệu số hóa còn thấp, hơn 10,3% với địa phương và 1,13% với bộ, ngành.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngày 4/6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị 9 bộ, ngành gồm: Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Y tế; Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ đáp ứng quy định tại Nghị định 107 ngày 6/12/2021 của Chính phủ và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với việc đề nghị 11 bộ, ngành và 2 tỉnh Bạc Liêu, Phú Yên hoàn thành kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ/tỉnh với kho quản lý dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ cũng nhắc 7 bộ hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ còn đề nghị UBND 26 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc kết nối, tích hợp giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu thuế, Cổng dịch vụ công quốc gia. Mục đích là cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến hết tháng 5/2024, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu; hơn 96% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ, còn gọi là hệ thống EMC.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học để đảm bảo an toàn trong giao dịch ngân hàng số.

Nhằm giảm rủi ro gian lận, bảo đảm an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Quang cảnh hội thảo.

Chiều ngày 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo và các cơ quan, ban ngành tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Cán bộ Bưu điện huyện Văn Chấn tuyên truyền, vận động người dân đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản ATM.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đang triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số (CĐS), nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ hiệu quả đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), từng bước hoàn thiện “Hệ sinh thái BHXH 4.0”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục