Luật Công nghệ thông tin sẽ góp phần khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh ứng dụng để CNH - HĐH đất nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ ngày 1/1/2007, Luật Công nghệ Thông tin gồm 6 chương, 79 điều (được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 9) có hiệu lực thi hành. Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Được - Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông Yên Bái. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV:  Sự cần thiết ban hành Luật CNTT thể hiện thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được: Ở nước ta, công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy có hiệu quả năng lực trí tuệ của người Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, công nghiệp CNTT là ngành công nghiệp mà giá trị của sản phẩm chủ yếu là hàm lượng công nghệ và tri thức cao sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn, là nhân tố quan trọng đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, định hướng cho phát triển CNTT của đất nước. Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đã khẳng định: “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng “đi tắt, đón đầu” để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH”. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định: “Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là CNTT... từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Và những nội dung này đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

Tuy vậy, CNTT Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, sự phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đầu tư cho CNTT còn dàn trải và kém hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam còn yếu. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, nhất là quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước còn chậm, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Sản phẩm CNTT có sức cạnh tranh thấp, thâm nhập được vào thương trường thế giới không đáng kể. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện và môi trường pháp lý vì các văn bản quy phạm pháp luật hiện có ở nước ta còn rời rạc, đơn lẻ nên hoạt động CNTT chưa được điều chỉnh bởi một hệ thống các quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ và cập nhật với sự phát triển của CNTT thế giới. Do đó, cần thiết phải có Luật về CNTT để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh do sự phát triển của CNTT, tạo cơ sở pháp lý để góp phần khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật CNTT là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, việc ban hành Luật CNTT nhằm tạo sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO… Và ngày 22/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Công nghệ Thông tin với 82,35% đại biểu tán thành, được Chủ tịch nước đã công bố ngày 21/7/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007.

PV: Ông có thể cho biết những nội dung cơ bản của Luật CNTT?

Ông Nguyễn Văn Được: Luật CNTT gồm 6 chương, 79 điều, cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung.

Nội dung của Chương này quy định những vấn đề về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng luật, giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước về CNTT, nội dung quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về CNTT; thanh tra về CNTT, hội, hiệp hội CNTT và các hành vi bị nghiêm cấm. Phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT là những vấn đề cốt lõi, đặc biệt quan trọng để phát triển CNTT.

Chương II: Ứng dụng CNTT.

Các quy định của chương này tạo hành lang pháp lý cơ bản để đảm bảo hoạt động và thúc đẩy các hoạt động trên môi trường mạng nhằm phát triển ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Mục 1 quy định về những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất về ứng dụng CNTT. Mục này quy định theo hướng cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tự do ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, hoạt động phòng chống lụt bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, văn hóa, giáo dục, y tế, … Bên cạnh đó, Luật CNTT cũng quy định về các trường hợp ứng dụng CNTT được ưu tiên hoặc các trường hợp ứng dụng cần hạn chế phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng... Mục 2, mục 3 quy định cụ thể về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (thực hiện chính phủ điện tử) và trong hoạt động thương mại (thương mại điện tử) với ý nghĩa là những ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng nhất, phổ biến nhất. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như bảo đảm sức khỏe con người, an toàn an ninh mạng, giữ gìn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh. Mục 4 quy định theo hướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan Nhà nước quản lý, giám sát các lĩnh vực này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Chương III: Phát triển công nghệ thông tin

Mục tiêu của Chương này nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc phát triển công nghệ thông tin nhằm đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng tăng cho GDP của đất nước. Mục 1, luật đưa ra các quy định khuyến khích nghiên cứu phát triển CNTT và quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ CNTT. Mục 2 là các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển CNTT&TT đến 2010 và định hướng đến 2020. Mục 3 xác định rõ nội dung hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, chính sách của Nhà nước và vai trò của các chủ thể trong hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Mục 4 xác định rõ loại hình dịch vụ CNTT và quy định nguyên tắc về việc ưu đãi phát triển dịch vụ CNTT.

Chương IV: Biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT.

Chương này quy định về các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT nhằm cụ thể hóa một bước tinh thần của Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị: “CNTT là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư. Rà soát và tháo bỏ mọi nhận thức và quy định không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, áp dụng mức ưu đãi hiện hành cao nhất và từng bước đạt mức ưu đãi bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực cho việc ứng dụng và phát triển CNTT”. Các mục trong chương này đã đưa các quy định bảo đảm phát triển cơ sở hạ tầng thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT; các quy định tạo cơ sở pháp lý thu hút đầu tư của Nhà nước, tổ chức, cá nhân cho ứng dụng và phát triển CNTT; quy định về nguyên tắc và nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNTT; quy định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT, các quy định trong mục này góp phần bảo đảm lòng tin của người sử dụng khi tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, một yếu tố quan trọng thúc đẩy các hoạt động trên môi trường mạng.

Chương V: Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quy định nguyên tắc về tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực CNTT.

Chương VI: Điều khoản thi hành quy định thời gian có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007 và trách nhiệm của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin.

Để Luật CNTT được triển khai trong thực tế, Bộ Bưu chính - Viễn thông đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần thiết quy định chi tiết thi hành Luật CNTT.

PV: Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái có kế hoạch triển khai Luật  CNTT như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật CNTT; tuyên truyền giới thiệu về Luật CNTT trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua Bản tin Công nghệ thông tin hàng tháng; tổ chức tập huấn thực hiện Luật CNTT và các văn bản thi hành luật CNTT của Chính phủ và Bộ Bưu chính - Viễn thông ban hành. Sở Bưu chính - Viễn thông sẽ làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của tỉnh; xây dựng các chương trình công tác tăng cường vai trò quản lý nhà nước về CNTT tại tỉnh; phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam quản lý, giám sát việc sử dụng tài nguyên internet…

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Quang

Các tin khác
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN và ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TTTT trao Giải Nhất cho các tác giả.

Giải thưởng báo chí về khoa học- công nghệ (KH&CN) vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, đã nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh các kết quả của hoạt động KH&CN trong sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cho TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và PGS.TS. Trần Mạnh Trí.

Bộ Khoa học-Công nghệ vừa trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cho TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và PGS.TS. Trần Mạnh Trí.

Astra được coi là trợ lý AI đa phương thức, thời gian thực.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tại hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển ngày 14/5, công ty Google đã công bố Project Astra - một trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trả lời các truy vấn của người dùng theo thời gian thực tế trên video, âm thanh và văn bản.

Cá nhà táng.

Cá nhà táng là loài có bộ não lớn nhất hành tinh và chúng đang tận dụng rất tốt bộ não này. Các nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ của cá nhà táng có khả năng thể hiện phần lớn ý nghĩa mà chúng muốn giao tiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục