Hiệu quả Nghị quyết 29 về giáo dục ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/7/2023 | 7:36:43 AM

YênBái - Phát huy hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng và dịch vụ giáo dục huyện Mù Cang Chải một cách hợp lý; ưu tiên phát triển quy mô giáo dục THPT, đảm bảo công bằng trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập con em các dân tộc trong huyện

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, thị trấn Mù Cang chải được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, thị trấn Mù Cang chải được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW), sau 10 năm thực hiện đã tác động to lớn đến sự phát triển giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải.


Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 90% dân số là dân tộc thiểu số, trong sinh hoạt gia đình và giao tiếp xã hội ít sử dụng tiếng Việt, nhất là phụ nữ người Mông, do đó dễ tái mù chữ. Trên thực tế, số lượng phụ nữ và người trên 60 tuổi có nguy cơ tái mù chữ cao, do vậy khó khăn trong việc duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. 

Nhận thức của một bộ phận người dân về giáo dục còn nhiều hạn chế; tư tưởng trông chờ, ỷ lại, giao khoán việc giáo dục, chăm sóc con cháu cho nhà trường, cho thầy cô; một số thủ tục, thói quen sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. 

Khắc phục khó khăn đó, hàng năm, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị của huyện quan tâm quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 29-NQ/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân. 

Đặc biệt, chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, đảng bộ các xã, thị trấn cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo trong kế hoạch, chương trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị theo chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch hành động của Huyện ủy.

Sau 10 năm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các đề án về công tác giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện, quy mô mạng lưới trường, lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của huyện.

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến 100% các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 với tổng số 266 lớp 8.849 học sinh; tuyên truyền, vận động thành lập được 5 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 6 nhóm, lớp trẻ mầm non; triển khai thực hiện Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 tại 13 xã, trong đó xây dựng điểm tại 5 xã; mở được 108 lớp xóa mù chữ với 3.076 học viên độ tuổi từ 15 - 60 tuổi cho người dân tại 13 xã trong huyện.

Các đơn vị trường của huyện đã xây dựng và phát huy hiệu quả việc dạy học và sử dụng tiếng Anh để học sinh được tiếp cận với môn Tiếng Anh; xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả 11 trường đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vào đào tạo của huyện. 

Kết quả thực hiện thành công Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020 là điểm nhấn quan trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW tại địa phương. 

Tổng số 37 trường so với trước khi thực hiện Đề án giữ nguyên số trường, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đề án có sự sáp nhập, tách trường, do đó có sự thay đổi về loại hình trường: mầm non tăng 2 trường, tiểu học giảm 1 trường, TH&THCS tăng 3 trường, THCS giảm 3 trường, mầm non TH&THCS giảm 1 trường. 

Điểm trường có tổng số 55 điểm trường mầm non; có 663 lớp với 21.468 học sinh, so với trước khi thực hiện Đề án tăng 45 lớp, tăng 4.944 học sinh.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả phù hợp với đặc thù vùng cao. Điển hình như mô hình "Huy động tình nguyện viên” trong giáo dục mầm non, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng của huyện, nhất là đối với giáo dục mầm non, huyện chỉ đạo ngành giáo dục chủ trì phối hợp với đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai mô hình "Huy động tình nguyện viên” chủ yếu là cha, mẹ học sinh hỗ trợ cho các lớp chỉ bố trí được 1 giáo viên/lớp, vừa nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, vừa góp phần bảo đảm công tác an toàn cho trẻ trong thời gian trẻ ở trường, đáp ứng yêu cầu chăm sóc trẻ tại các nhóm lớp và hỗ trợ nấu ăn cho trẻ tại các điểm lẻ. 

Hiện nay, duy trì ổn định 111 tình nguyện viên hỗ trợ tại 14 trường mầm non trong toàn huyện, trong đó nhiều tình nguyện viên hỗ trợ đồng thời 2 nhiệm vụ, vừa hỗ trợ giáo viên trong thực hiện các hoạt động giáo dục, vừa hỗ trợ nhà trường chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu học sinh. Đây là một giải pháp quan trọng, cách làm sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, giúp nâng cao thể trạng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc miền núi. 

Để phát huy hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng và dịch vụ giáo dục huyện Mù Cang Chải một cách hợp lý; ưu tiên phát triển quy mô giáo dục THPT, đảm bảo công bằng trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập con em các dân tộc trong huyện.

Đổi mới giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, chuyển đổi số trong giáo dục; phát triển giáo dục mũi nhọn, giáo dục thông minh xanh; môi trường giáo dục lành mạnh, văn hóa, hạnh phúc; các điều kiện nâng cao chất lượng được đảm bảo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Anh Dũng

Tags Nghị quyết 29 giáo dục Mù Cang Chải

Các tin khác
Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa

Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến.

Thí sinh dự thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Đợt thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 28.4 xảy ra lỗi hệ thống khiến hơn 6.500 thí sinh không làm được bài, phải huỷ toàn bộ bài thi.

Học sinh Trường PTDTNT THCS huyện Trạm Tấu tìm hiểu sách tại tủ sách “Thắp sáng ước mơ”.

Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tôn vinh giá trị của sách, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách. Các nhà trường tích cực tổ chức các giờ đọc sách hiệu quả tại thư viện tạo sân chơi hấp dẫn, thú vị về sách cho học sinh...

Chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVVN (đứng giữa) tiếp nhận biểu tượng trưng 13.000 bản đồ Tổ quốc từ đại diện tổ chức Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic.

Hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do T.Ư Đoàn phát động, chiều 26/4, tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên),Tổ chức Phổ thông Cao đẳng – FPT Polytechnic đồng hành trao tặng 13.000 bản đồ cho các trường học trên cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục