Thiêng liêng nơi lưu giữ kỉ vật đặc biệt của các chiến sĩ Gạc Ma

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/3/2024 | 2:35:25 PM

Những ngày tháng 3 lịch sử, từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) để dâng hương, thành kính tri ân những người con anh dũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo của đất nước.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là nơi tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.



Điểm nhấn của Khu tưởng niệm là tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu chủ quyền trên đá Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn, bất chấp mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa mênh mông sóng nước Trường Sa.


Hồ nước "Vòng tròn bất tử” thiêng liêng với 64 đóa hoa, tượng trưng cho 64 người con anh dũng cùng ôm lấy lá cờ đỏ và ngôi sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước.


 


Một trong những không gian gây nhiều xúc động tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là bảo tàng Gạc Ma. Nằm ở vị trí trung tâm, khu trưng bày ngầm gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.


Đối với gia đình các thân nhân liệt sĩ, đến đây họ như bắt gặp lại người thân qua từng chiếc balô, chiếc áo lính hay những lá thư tha thiết gửi về cha mẹ từ đơn vị.




Còn với du khách, đặc biệt thế hệ trẻ, đó là những câu chuyện xúc động kể về những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Đây là những bài học trực quan nhất về lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.


Bức thư đặc biệt tại bảo tàng Gạc Ma. Đây là bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (tỉnh Thái Bình). Những trang giấy đã ngả màu cát, bức thư được liệt sĩ gửi về gia đình trước khi ra quần đảo Trường Sa, viết tại Cam Ranh ngày 6/3/1988. Bức thư này được đích thân mẹ liệt sĩ trao tặng cho Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.


Lá cờ Tổ quốc mà các chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng bảo vệ trong sự kiện ngày 14/3/1988 được lưu giữ trang trọng.



Ngắm nhìn những tư liệu và kỉ vật được trưng bày, ông Jeff Galle (du khách đến từ Mỹ) chia sẻ: "Trong chuyến du lịch của mình, tôi có tìm hiểu và đến thăm Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Tôi đã đọc nhiều tư liệu về Việt Nam và khi đến đây, tôi cảm nhận được sự kiên cường, dũng cảm của người dân Việt Nam. Tôi rất thích con người tuyệt vời và những điều đẹp đẽ tại Việt Nam. Tôi sẽ tận hưởng khoảng thời gian du lịch tại đất nước này”.





Khu vực tâm linh nhất của Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là mộ gió. Mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây nên được gọi là mộ gió. Trước mộ đặt bia tưởng niệm, ghi danh 64 liệt sĩ hi sinh tại đá Gạc Ma.



Những ngày tháng 3 này, rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên, người dân và du khách đã đến dâng nén nhang thơm bày tỏ lòng tri ân và cầu mong các anh được yên nghỉ.



Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có nhiều đơn vị tổ chức lễ kết nạp Đảng viên, kết nạp Đoàn viên, cùng nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử tại khu tưởng niệm. Được biết, trong năm 2023, Ban quản lý đã hỗ trợ cho 13 chi bộ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tổ chức kết nạp cho 26 quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Theo Ban Quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, trong năm 2023, có hơn 440 đoàn với hơn 45.200 lượt khách đến thăm khu tưởng niệm.



Không chỉ là nơi để người dân đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, "địa chỉ đỏ" này còn góp phần nhắc nhở, giáo dục các thế hệ mai sau về sự kiện lịch sử đau thương mà anh dũng của dân tộc.

(Theo TPO)

Các tin khác
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Chiều tối 25/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh "Tổ quốc bên bờ sóng, Thành phố Hồ Chí Minh – Vì cả nước, cùng cả nước".

Thượng tá Đào Hồng Thắng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Vùng 4 Hải quân, thay mặt Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 4 chủ trì việc tiếp nhận.

Sáng 25/4, tại xã Cát Hạnh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định cho quân và dân huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa trong thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Các thí sinh tham gia kiểm tra lý thuyết chuyên ngành hàng hải.

Ngày 24/4, tại thành phố Vũng Tàu, Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) tổ chức khai mạc Hội thi chuyên ngành hàng hải, thông tin, cán bộ huấn luyện điều lệnh giỏi năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục