Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại biểu Quốc hội tỉnh Triệu Thị Huyền; lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi lần này gồm, 4 chương, 16 điều quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng...
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Điểm mới của Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2024 để thay thế Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 với nhiều điểm mới quan trọng, cơ bản. Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) quy định về đối tượng không chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống; tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh.
Về thuế suất, chuyển một số hóa đơn dịch vụ từ không chịu thuế thành chịu thuế như: 5% đối với tàu đánh bắt xa bờ; phân bón; máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và máy móc, thiết bị chuyên dùng và áp dụng mức 10% đối với bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.
Chuyển một số hóa đơn dịch vụ từ 5% thành chịu thuế 10% như: thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến; đường và phụ phẩm trong sản xuất đường như rỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa triển lãm, thể dục thể thao; sản xuất phim, nhập khẩu phim, phát hành và chiếu phim.
Về khai thuế hóa đơn bị sót: thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sót thì được kê khai, khấu trừ vào kỳ phát hiện sót trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế, đối với thuế GTGT đầu vào từng lần từ 5 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt. Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu phải có phiếu đóng gói, vận đơn, bảo hiểm hàng hóa.
Bổ sung trường hợp hoàn thuế đối với doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thuế suất GTGT 5% nếu thuế đầu vào chưa được khấu trừ sau 12 tháng hoặc 4 quý.
Dự thảo Luật thuế GTGT(sửa đổi) bỏ quy định: không được hoàn đối với dự án đầu tư chưa góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký; được hoàn thuế khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết…
Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với những nội dung Dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại Khoản 23, Điều 5 Dự thảo Luật quy định: "Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác…, các đại biểu cũng đề nghị Luật nên làm rõ khái niệm hoặc giao cho cơ quan quản lý nhà nước làm rõ khái niệm "chưa chế biến thành sản phẩm khác” vì đây là khái niệm gây tranh cãi với nhiều quan điểm, luồng ý kiến khác nhau và ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết hoàn thuế và xác định khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Hay tại Điểm c, Khoản 2, Điều 13 Luật thuế GTGT (sửa đổi) quy định: Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa.
Về điều này, các đại biểu cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn cho người nộp thuế bởi các hình thức xuất khẩu sẽ gồm: Fob (không bao gồm bảo hiểm hàng hóa bằng đường biển), xuất khẩu tại chỗ (có thể có bảo hiểm hoặc không có bảo hiểm hàng hóa phụ thuộc vào hợp đồng giữa các bên mua bán). Do vậy cần xem xét lại quy định về chứng từ bảo hiểm hàng hóa.
Các đại biểu cũng đề nghị bỏ nội dung về chứng từ bảo hiểm hàng hóa và sửa lại như sau: đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; phiếu đóng gói, vận đơn...
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận phát biểu tại Hội nghị.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham gia, góp ý của các đại biểu. Các nội dung tham gia vào Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu, tổng hợp và trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 27/6/2024.
Đức Toàn