Văn Yên: Lúa về nhà, ngô ra đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2015 | 10:16:17 AM

YênBái - YBĐT - Đường làng thơm hương rơm mới trong nắng thu xênh xang. Sân nhà chen chúc thóc mẩy đón nắng trời thỏa thuê. Cây ngô bén rễ đất ruộng tươi nõn màu xanh lá. Ngô ra đồng là nối mùa theo mùa cùng hy vọng...

Nông dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Miền)

Ông Cầm Xuân Hiếu - Trưởng thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đưa chúng tôi đi thăm đồng buổi sáng. Những thửa ruộng đã bắt đầu lên màu xanh của cây ngô đông. Ông đến ruộng này là nhắc bà con lấp phân kín cho cây ngô. Ông sang ruộng khác lại nhắc người dân tập trung làm cỏ... Cứ lao xao, rổn rảng tiếng nói cười, trao đổi giữa sáng thu trong xanh trời đất.

Gốc Quân có 141 hộ, 590 khẩu ở 4 khu dân cư thì đồng bào Tày chiếm tới 95%. Có bao nhiêu hộ trong thôn thì cũng tất bấy nhiêu hộ tham gia trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa. Diện tích lúa nước của thôn không nhiều, chỉ là 23 ha, trong đó ruộng chằm, thụt đã mất 5 ha. Dân Gốc Quân làm ngô đông rộ nhất vào năm 2009. Ông Hiếu nhắc nhớ chút chuyện xưa để nói chuyện nay: “Đất bỏ không, chẳng làm gì sau khi đã thu xong hai vụ lúa trong năm. Đấy là trước kia thôi, bây giờ thì làm sao còn điều ấy xảy ra được nữa. Cả thôn chả nhà nào không trồng ngô đông, ít cũng phải 1 sào, nhiều có tới 8 sào”.

Vụ đông năm 2015, huyện Văn Yên phấn đấu trồng 1.000 ha ngô trên đất hai vụ lúa. Huyện đã nhận đủ lượng ngô giống được hỗ trợ 30% giá giống theo chính sách của UBND tỉnh Yên Bái, tổng trị giá 600 triệu đồng. Theo kế hoạch, ngày 5/10, huyện hoàn thành diện tích trồng ngô tẻ và hoàn thành diện tích trồng ngô nếp vào ngày 15/10.

Đây cũng là năm đầu tiên, 3 xã vùng cao của huyện là: Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Hạ sẽ trồng 25 ha ngô đông trên đất hai vụ lúa.

Vụ đông này, thôn nhận kế hoạch trồng 17 ha ngô trên đất hai vụ lúa. Chỉ tiêu này giảm hơn so với vụ đông trước là do thôn chủ động xin giảm kế hoạch với xã. Theo lý giải của ông Hiếu, không phải không muốn làm mà thôn xác định rõ diện tích ruộng chằm, thụt trên địa bàn để chuyển sang trồng các loại rau màu khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hỏi thăm các hộ trồng 8 sào ngô đông trên đất hai vụ lúa, Trưởng thôn Cầm Xuân Hiếu kể luôn: “Hộ ông Hoàng Văn Thái này, tiếp hộ ông Cầm Văn Chương, rồi hộ ông Hoàng Văn Dung...”. Ông Trưởng thôn hào hứng với câu chuyện trồng ngô nếp của hộ ông Hoàng Văn Dung. Thế này, ông Dung đã trồng một trà ngô nếp sớm hơn hẳn và một trà ngô nếp nữa muộn hơn hẳn so với trà các hộ nơi đây vẫn trồng. Sớm hơn và muộn hơn cũng có nghĩa là hiếm hơn, giá cao hơn bình thường. Vụ đông năm ngoái trồng 2 sào, bán bắp ngô tươi, ông Dung thu về 7 triệu đồng.

Anh Tuấn - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh Bá - khuyến nông viên xã Đông Cuông cùng xuýt xoa nghe chuyện của Trưởng thôn Gốc Quân: “Hơn nhau ở sự tính toán làm ăn là vậy!”. Ngô tẻ, năng suất vụ đông đạt bình quân từ 1,8 tạ đến 2 tạ mỗi sào, người dân giữ lại chủ yếu phục vụ chăn nuôi gia đình. Ngô nếp tươi, đồng bào bán cho thương lái Lào Cai, dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng một ki-lô-gam theo thời giá vụ đông năm ngoái. Vụ này, thôn đã nhận về 86 kg giống ngô nếp MX 6, 140 kg giống ngô tẻ DK 6919 theo chính sách hỗ trợ 30% giá giống của UBND tỉnh Yên Bái. Gốc Quân đã trồng xong 70% diện tích ngô tẻ trà sớm và sẽ hoàn thành 30% diện tích ngô nếp trà hai theo đúng lịch là trước ngày 15/10 tới.

Cây ngô đông trồng trên đất hai vụ lúa ở thôn Gốc Quân.

Chúng tôi ghé vào thửa ruộng của gia đình anh Lương Trọng Hảo lúc mọi người đương khẩn trương gặt lúa. Dừng tay liềm, anh Hảo cởi mở: “Nhà tôi trồng 6 sào lúa mùa bằng giống PC15, năng suất chắc cũng được 2 tạ mỗi sào. Gặt xong, tôi sẽ xuống bầu ngay 2 sào ngô nếp giống MX 6 đã được thôn cấp tận tay”.

Đây là năm thứ 5, nhà anh Hảo trồng ngô vụ đông. Trước đó, gia đình chỉ trồng rau màu. Ngô thu về, anh thoải mái dùng cho chăn nuôi 2 con lợn nái và gần 100 con gà. Nói về việc chỉ trồng 2 sào ngô vụ đông trên diện tích 6 sào đất lúa, anh Hảo bảo rằng, sức hai vợ chồng làm vậy đã vì hai con còn nhỏ, cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. Dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô vào những vụ sau, anh cũng đã nghĩ tới khi nhu cầu nâng cao thu nhập gia đình luôn là đòi hỏi và mong muốn chính đáng. Cây ngô đông trên đất hai vụ lúa đã ngày càng trở nên có giá trị đối với người dân Gốc Quân.

Trưởng thôn Cầm Xuân Hiếu cho biết: “Sau mỗi vụ ngô đông, đất trồng lúa tốt hơn nhờ được phơi ải, xử lý mầm bệnh... Các bộ phận của cây ngô đều được sử dụng, phục vụ theo nhiều mục đích của người dân. Cây ngô đã thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho mọi gia đình trong thôn. Trồng ngô vụ đông đã trở thành nề nếp của người dân Gốc Quân, tận dụng ở mức cao nhất diện tích đất sản xuất”.

Câu chuyện của Trưởng thôn Cầm Xuân Hiếu trước khi chúng tôi rời Gốc Quân là công việc chuẩn bị cho Lễ hội Cầu cơm mới đền Đông Cuông năm nay sẽ tổ chức vào ngày Mão đầu tiên trong tháng 9 âm lịch sắp tới. Lễ hội là những mong cầu nước mạnh dân giàu, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... muôn đời tốt đẹp của nhân dân. Và Gốc Quân cũng chung những mong cầu ấy!

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó chủ tịch UBND xã Đông Cuông: Bảo đảm khung thời vụ tốt nhất

Địa phương đã tập trung chỉ đạo 15 thôn khẩn trương thu hoạch lúa mùa và sản xuất vụ đông năm 2015 bảo đảm đúng kế hoạch đề ra trong khung thời vụ tốt nhất; chủ động phòng tránh thiên tai, sâu bệnh, bảo vệ năng suất và sản lượng. Đối với cây ngô đông trồng trên đất hai vụ lúa, xã bảo đảm 80% - 90% diện tích trồng ngô tẻ, 10% - 20% diện tích trồng ngô nếp.

 

 

 

 

 

Anh Lương Trọng Hảo - Thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông: Mong tiếp tục được tập huấn kỹ thuật trồng ngô

Gia đình tôi đã tham gia trồng ngô đông sau nhiều năm trồng rau màu các loại. Cây ngô đông thực sự góp phần giúp gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn, gà. Khi nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, tôi cũng có dự định mở rộng diện tích trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa, không dừng lại ở 2 sào như hiện nay. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục được tập huấn kỹ thuật trồng ngô.

Nguyễn Thơm 

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục