“Săn” tôm trên hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:26:24 PM

YBĐT - “Săn” tôm trên hồ Thác Bà đã trở thành một nghề nuôi sống hàng chục, hàng trăm hộ dân sống quanh vùng hồ. Hồ Thác Bà không chỉ là "nguồn than trắng vô biên", là nguồn nước ngọt lành nuôi vô vàn tôm cá, mà miền trời xanh - rừng đảo xanh - nước xanh này còn nhiều điều kỳ thú hấp dẫn các nhà khoa học, nhà đầu tư và du khách, để khám phá thêm vẻ đẹp của vùng non nước kỳ vĩ này.

Như đã hẹn, 9 giờ sáng chúng tôi có mặt tại bến tôm Tân Minh để cùng anh Bùi Văn Tâm  - một người đã có thâm niên hơn 20 năm lênh đênh trên hồ Thác Bà và gắn bó với nghề đi thu mua tôm trên hồ. Tân Minh được gọi là bến tôm vì đây là nơi tập kết tôm của các tàu, thuyền, các chủ mua tôm ở khắp vùng hồ để rồi theo thương lái đi tiêu thụ ở khắp nơi. Chiếc thuyền rẽ sóng xuất bến, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.

Là người cởi mở, trên hành trình ấy anh Tâm chia sẻ với chúng tôi đủ chuyện từ chuyện đời, chuyện nghề, chuyện của những ngày đầu lênh đênh trên sóng nước. Rằng, trước đây, anh cũng đi đánh rọ tôm cùng những người trong làng, thấy nguồn tôm trên hồ rất phong phú, chất lượng thịt thơm, ngon, được khách hàng ở Hà Nội ưa chuộng, anh bàn với những người bạn của mình cùng đầu tư mua rọ, sắm thuyền để cho những hộ không có điều kiện đầu tư đi đánh rọ tôm trên hồ, còn anh làm nhiệm vụ thu mua bán cho thương lái. Theo anh Tâm, đầu tư một thuyền đi đánh rọ tôm cũng phải mất trên dưới 10 triệu đồng, đây là số tiền tương đối lớn mà không phải người dân nào ở vùng hồ này cũng có đủ để sắm thuyền, rọ đi “săn” tôm.

Được đi, được sống, được cảm nhận và được thấy công việc của những người đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà mới hiểu được những giọt mồ hôi, những vất vả trong công việc của họ.

Từ tờ mờ sáng, những người dân này đã phải lên thuyền đi thu rọ tôm, mỗi thuyền có từ 1.000 - 1.500 rọ, mỗi rọ nhấc lên nhiều thì được từ 10 - 15 con tôm, rọ ít thì được 2 - 3 con. Tuỳ theo ngày, họ có thể thu được từ 2 - 5 kg với giá bán từ 60 - 100 nghìn đồng/ kg, ngày nhiều mỗi người có thể thu được từ 300 - 500 nghìn đồng, ngày ít thì chỉ khoảng 100 ngàn đồng. Thu nhập của họ cũng bấp bênh như con thuyền trên sóng nước.

Việc đầu tư đầy đủ một chiếc thuyền đánh rọ tôm như vậy cũng mất từ 7 - 10 triệu đồng do người thu mua tôm ứng trước rồi trừ dần vào sản lượng tôm đánh bắt được hàng tháng. Đối với những người đánh rọ tôm xa bờ, một hai tuần mới lên bờ một lần, mọi sinh hoạt đều trên chiếc thuyền nan, nếu cần mua sắm vật dụng những người đi thu mua tôm như anh Tâm sẽ cung cấp. Hàng tháng, hai bên sẽ cộng sổ và thanh toán vào một ngày cố định.

Tôi gặp anh Hoàng Văn Lành người xã Mông Sơn khi đang cân tôm cho thuyền anh Tâm. Từ sáng tinh mơ đến thời điểm đó là 10 giờ sáng với hơn 1.000 rọ, hai vợ chồng anh Lành thu được gần 4 kg tôm. Lau khuôn mặt ướt nhẹt nước, anh Lành bảo: “Đất này, nếu không đi hồ đánh tôm vợ chồng tôi cũng không biết làm gì. Đất ruộng rất ít, đất nương không có. May nhờ có con tôm còn có tiền để lo cho các cháu ăn học dù việc đánh tôm không còn được thuận lợi như trước”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết việc làm mồi nhử tôm cũng đơn giản. Họ phải dùng cá tươi nấu lên trộn với bột sắn rồi viên vào để làm mồi tôm. Gần đây có thông tin một số người dân vùng hồ trộn lẫn xi măng để làm mồi tôm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm đánh bắt trên hồ Thác Bà. Anh Lành chia sẻ: “Đúng là có một số hộ dân làm mồi như vậy đấy, vì mồi tôm mà có xi măng sẽ lâu tan trong nước, mồi sẽ dùng được lâu hơn.

Khi được những người mua tôm khuyến cáo vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tôm tiêu thụ chậm, họ đã không dùng mồi như vậy nữa mà chỉ dùng các loại mồi truyền thống là cá tươi trộn với bột sắn thôi”.

Vận chuyển tôm đi tiêu thụ.

Theo anh Lành, có hai phương pháp bắt tôm là rải rọ ven bờ và đánh dây, có nghĩa là người ta nối hàng ngàn giỏ với nhau bằng một sợi dây thừng. Khi đi vớt họ sẽ nhấc dây lên, đổ tôm ra thuyền rồi lại thả xuống nước. Phương pháp đánh bắt theo dây chỉ dùng cho những hộ đánh bắt quy mô lớn. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương có diện tích mặt nước hồ mà chuyện đánh bắt tôm, cá bằng kích điện, nổ mìn đã không còn nên nguồn lợi thủy sản trên hồ đã dần được hồi sinh.

“Đây là niềm vui đối với những người nông dân suốt ngày bán mặt cho nước, bán lưng cho trời như chúng tôi” - sau câu chuyện với tôi, anh Lành đã đi bắc bếp, chuẩn bị bữa cơm trưa để kịp thời gian đi thả rọ tôm vào buổi chiều.

Theo anh Bùi Văn Tâm, chưa có con số cụ thể nào thống kê số người đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà vì số lượng người đánh bắt không cố định nhưng số lượng những người đầu tư thuyền đi thu mua tôm như anh thì có khoảng trên 10 người. Việc thu mua tôm trên hồ Thác Bà kéo dài từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều để các tàu cập bến, lọc tôm và bán cho thương lái chuyển về Hà Nội lúc 5 giờ chiều. Trung bình, mỗi ngày một tàu thu mua được từ 50 - 70 kg tôm. Dẫu vậy, anh Tâm và những người đánh rọ tôm đều khẳng định sản lượng tôm trên hồ Thác Bà vẫn còn rất nhiều.

Sau gần 5 giờ đi từ bến Tân Minh, qua Cảm Ân, Bảo Ái lên Cảm Nhân, chiếc thuyền của anh Tâm cũng kịp quay về bến đúng giờ quy định để lọc tôm, chuyển tôm bán cho thương lái. Gần 3 giờ chiều, bến tôm Tân Minh nhộn nhịp, đông vui. Mỗi người một công đoạn khác nhau nhưng khớp vào như một guồng máy đã được định hình trước để những con tôm của vùng hồ được về Hà Nội đến tay người tiêu dùng vẫn còn tươi rói.

 Mạnh Cường

Các tin khác
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn từ 16,21 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC tăng giảm loạn xạ, rơi xuống 85,5 triệu đồng/lượng chiều hôm qua rồi đột ngột tăng thêm 2 triệu đồng/lượng trong sáng nay 7-5, lên 87,5 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC lập đỉnh mới.

Giá vàng thế giới hôm nay (7/5) bật tăng mạnh mẽ trước sự suy yếu của đồng USD. Trong nước, giá vàng nhẫn được điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/lượng, giao dịch quanh 73,35 triệu đồng/lượng mua vào và 75,05 triệu đồng/lượng bán ra; còn vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng hơn 0,5 triệu đồng/lượng, leo lên mốc cao mới 86,5 triệu đồng/lượng.

100% các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng HĐĐT

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) và HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.

Theo quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục