Về vùng tre măng Bát độ Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 2:53:35 PM

YBĐT - Nhờ dễ trồng, dễ chăm sóc và sản phẩm làm ra luôn được các doanh nghiệp săn đón, cây tre măng Bát độ ở huyện Trấn Yên đã và đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Những năm gần đây, giá sản phẩm măng tre Bát độ luôn ổn định đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

Nông dân xã Kiên Thành sơ chế tre măng Bát độ.
Nông dân xã Kiên Thành sơ chế tre măng Bát độ.

Nông dân vươn mình

Kiên Thành được mọi người biết đến là vùng trồng tre măng Bát độ lớn của tỉnh Yên Bái, diện tích tre măng Bát độ của xã chiếm 2/3 diện tích trồng măng tre của huyện Trấn Yên. Hiện nay, cây tre măng Bát độ đang trở thành vấn đề thời sự đáng bàn của nông dân Kiên Thành. Đi vào các thôn bản của xã từ Kiên Lao, Cát Tường đến Khe Tối, Đồng Ruộng, đâu đâu cũng thấy bà con nói chuyện về trồng tre lấy măng.

Từ khi cây tre măng “bén duyên” đất này thì chuyện nhà nông thu cả trăm triệu mỗi năm không còn là hiếm. Năm ngoái, ở Cát Tường, Đá Khánh có hộ “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng từ tiền bán măng.

Ông Mai Công Trình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Thành dẫn tôi đến các điểm thu gom củ măng ở thôn Cát Tường. Chẳng là, năm nay huyện Trấn Yên có chủ trương mở rộng diện tích tre măng thêm 400 ha nữa, nên Ban dự án trồng tre măng Bát độ của huyện đi thu gom cây giống để trồng.

Vừa đi, ông Trình vừa nói say sưa nói về cây tre măng Bát độ: “Trồng măng có nhiều cái lợi: thứ nhất vốn ít, thứ 2 đầu tư công ít, thứ 3 lại cho thu nhập cao, nhưng xem ra cái quan trọng nhất đó là đầu ra cho sản phẩm, măng thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó”.

Tôi hoàn toàn đồng tình với ông, bởi lâu nay, vấn đề nan giải nhất trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đó là thị trường tiêu thụ. Hàng nông sản làm ra, nếu không có thị trường tiêu thụ, nông dân sẽ bỏ thối trên nương, ngoài ruộng. Nhìn lại nhiều mặt hàng nông sản được xem là thế mạnh của Yên Bái cũng đều long đong, lận đận đầu ra.

Bà Hà Thị Lán - một hộ trồng tre măng ở Kiên Thành đang bế cháu cũng hồ hởi góp chuyện: “Nhà tôi có 8 ha tre măng, năm ngoái thu hoạch “chơi” cũng được trăm triệu đồng”.

Vốn là một trong những hộ đầu tiên trồng tre măng ở xã Kiên Thành, bà Lán cho biết thêm: “Trồng tre măng Bát độ được chuyển giao giống, kỹ thuật trồng, lại bao tiêu sản phẩm nên chẳng phải lo nghĩ gì, chỉ chăm sóc và chờ cho thu hoạch, nếu có đất nhà tôi còn trồng nhiều hơn. Ở thôn này, 90 hộ đều trồng tre Bát độ cả, các hộ thu từ 80 - 100 triệu đồng kể mãi không hết”. Đúng như lời bà Lán, ông Mai Công Trình đưa ra một bản danh sách dài những hộ trồng nhiều tre măng.

Bà Nguyễn Thị Ngoan - thôn Đồng Cát góp chuyện: “Mỗi khóm măng thu được 30 kg bán với giá 3.700 đồng/kg, bằng cả yến thóc. Nhà tôi trồng 2 ha tre măng, năm ngoái thu về 80 triệu đồng. Nhờ trồng tre lấy măng mà cuộc sống gia đình tôi được nâng cao, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt trong nhà nữa”. Không chỉ riêng gia đình bà Ngoan mà hiện nay thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Kiên Thành là cây măng tre.

Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: “Hiện toàn xã có 1.044 ha tre măng Bát độ. Trong xã có trên 93% hộ dân trồng tre lấy măng. Giá măng tre Bát độ ổn định ở mức 3.500 đồng - 4.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm nông dân Kiên Thành thu về 12 tỷ đồng. Nhờ trồng măng tre Bát độ tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 41%. Thời gian tới, xã vẫn chú trọng định hướng phát triển tre măng Bát độ là cây trồng chủ lực”

Thành công từ liên kết “4 nhà”

Trước khi vào “thủ phủ” tre Bát độ tôi có ghé thăm nhà anh Trần Văn Khiêm - một nông dân trồng rừng có tiếng ở Kiên Thành. Vốn không trồng tre Bát độ nhưng anh bảo: “Giờ nông dân Kiên Thành khá lắm rồi, tôi chưa thấy cây nào lại thành công như cây tre măng Bát độ”. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nông dân Kiên Thành lại thích trồng tre măng Bát độ đến vậy và cũng phải ngẫu nhiên mà huyện Trấn Yên có được một vùng trồng tre măng lên đến 1.600 ha như bây giờ.

Ngược thời gian hơn mười năm trước, huyện Trấn Yên đã xây dựng Đề án phát triển cây tre măng Bát độ làm hàng hoá với quy mô lớn. Khi huyện có chủ trương đưa cây tre măng Bát độ vào trồng thử nghiệm ở Kiên Thành đã gặp không ít khó khăn. Các hộ dân không mặn mà vì người dân ở đây chưa quen trồng tre măng, trồng rồi thì bán cho ai? Có người còn bảo trồng Bát độ không khéo thành “Bát nợ”.

Song, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, năm 2005, lần đầu tiên người ta thấy sự xuất hiện của “4 nhà” chung tay liên kết trồng tre măng Bát độ. Để trồng tre Bát độ hiệu quả, huyện đã mời các chuyên gia từ Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật trồng tre cho các hộ dân.

Đặc biệt, để đảm bảo vùng tre măng Bát độ trên địa bàn ổn định đưa sản phẩm tre măng Bát độ trở thành hàng hóa, có thị trường tiêu thụ lâu dài, các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên, xã Kiên Thành đã lặn lội nhiều nơi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2006, xã đã phối hợp với Công ty TNHH Vạn Đạt tổ chức ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm tre măng Bát độ cho nông dân. Doanh nghiệp không chỉ thu mua măng mà còn cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng măng tre. Nỗi lo sau thu hoạch đã được giải quyết, nông dân Kiên Thành đã tích cực trồng tre măng  Bát độ. Thế rồi, từ diện tích vài chục ha đến nay diện tích trồng tre măng của toàn xã lên tới 1.040 ha.

Củ giống tre măng Bát độ phục vụ kế hoạch mở rộng diện tích.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hiện Trấn Yên đã hình thành được 3 vùng sản xuất măng Bát Độ tập trung với tổng diện tích gần 1.600 ha gồm: vùng phía Bắc gồm các xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông; vùng phía Tây Bắc gồm các xã Y Can, Kiên Thành; vùng phía Tây là các xã Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca. Nông dân các xã trong huyện mỗi năm thu hoạch măng Bát độ cũng “bỏ túi” trên dưới 30 tỷ đồng. Sản phẩm măng tre Bát độ được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Trấn Yên có kế hoạch phát triển vùng tre Bát Độ với tổng diện tích 2.000 ha; trồng mới và cải tạo 1.000 ha; tập trung đầu tư thâm canh để đến năm 2020 sản lượng đạt trên 30.000 tấn măng vỏ tươi/năm; nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tre đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm.

Không hô hào cho việc phát triển ồ ạt tre măng Bát độ, nhưng có thể khẳng định hiệu quả kinh tế của cây tre măng Bát độ đã rõ. Quan trọng hơn cây măng tre Bát độ góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập và làm giàu cho nông dân, tạo sự tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và các cấp chính quyền trong huyện. Và với sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”, thì cây tre măng Bát độ còn phát triển, sản phẩm măng tre Bát độ còn sẽ góp phần làm giàu cho bà con nông dân.

 Văn Thông

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Giá vàng miếng SJC giảm sau 2 ngày tăng mạnh.

Sáng nay (26/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều bất ngờ giảm sau khi tăng mạnh 2 ngày qua. Theo đó, giá vàng miếng quanh mốc 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 75 triệu đồng/lượng.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn

Ngành thuế triển khai ứng dụng tự động gửi thông báo cho người nộp thuế là người bán thuộc Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời gửi thông báo đối với cả người mua của những người bán bị cảnh báo này.

Một mô hình nuôi dê tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ cho hiệu quả cao.

Nhằm tăng giá trị của ngành chăn nuôi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Văn Yên đã từng bước đưa các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người nông dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục