Cấp bách khôi phục lúa mùa sau lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2018 | 1:57:31 PM

YBĐT - Mưa lũ những ngày qua ở huyện Văn Chấn đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt là, sau khi nước rút, đá, cát và gỗ mục đã bao phủ nhiều cánh đồng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, trong khi đó thời vụ gieo cấy lúa mùa sắp kết thúc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thế Hùng (thứ hai bên phải) kiểm tra, chỉ đạo khôi phục sản xuất tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thế Hùng (thứ hai bên phải) kiểm tra, chỉ đạo khôi phục sản xuất tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

Mưa lũ những ngày qua khiến nhiều cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" của huyện Văn Chấn bị chìm trong biển cát. Chỉ tay về phía cánh đồng trước nhà, anh Lò Văn Tuyên - Trưởng thôn Bản Lầm, xã Sơn Lương chua xót: "Thôn tôi có 90 hộ thì 50 hộ có ruộng bị ảnh hưởng. Trận "đại hồng thủy” vừa qua đã mang theo bùn đất, đá, cát, củi gỗ vùi lấp hoàn toàn 6 ha lúa mùa đã lên xanh. Nhà tôi có 1.300 m2 ruộng cũng bị mất trắng”.
 
Từ thôn Bản Lầm men theo con suối lên đến các thôn Đồng Hẻo, Bản Tủ, những thửa ruộng màu mỡ ngày nào nhưng giờ chỉ còn cát, gỗ, đá ngổn ngang.
 
Ông Sa Văn Tâm, thôn Bản Tủ vừa cố gắng cào tìm lại những cây lúa, cây ngô dưới đống cát vừa lo lắng: "Nhà có 5.000 m2 ruộng đã bị cát lấp hết. Giờ đây, gia đình tôi không biết tính làm sao để có cái ăn trong năm nay năm mai”. 

Bà Lưu Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Xã Sơn Lương bị thiệt hại nặng nề quá, toàn xã có 96,8 ha ruộng thì thống kê sơ bộ có trên 58 ha bị mất trắng hoàn toàn không thể khôi phục, 80,8/15 ha ngô đang xanh tốt cũng bị cuốn theo lũ”.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Văn Chấn, trận lũ vừa qua đã làm hơn 684 ha lúa mùa bị thiệt hại; trong đó, diện tích bị ngập đã phục hồi là 233,6 ha, diện tích mất trắng 451ha; 122 ha ngô và rau màu; 31ha ao nuôi cá; 294 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Trong tổng số 451 ha lúa mùa bị mất trắng, diện tích có thể khắc phục được để gieo trồng lúa ngô là 293 ha, còn lại 157,6 ha không thể khắc phục được do sỏi, đá vùi lấp.
 
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: huyện đã yêu cầu các xã, sau khi nước rút khẩn trương chỉ đạo người dân vệ sinh đồng ruộng, cấy dặm bổ sung đối với những diện tích bị thiệt hại một phần.
 
Đối với diện tích bị đá, cát vùi lấp, sau khi nạo vét, đưa ra khỏi ruộng, nếu đủ điều kiện sản xuất, thì sẽ sử dụng mạ còn thừa để cấy lại; nếu thiếu mạ thì tiến hành gieo thẳng bằng giống lúa ngắn ngày Thiên ưu 8.
 
Những diện tích không thể khắc phục được, sẽ chuyển toàn bộ sang trồng ngô bằng các giống ngô lai như GS9989, LVN88. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 100% bằng giống lúa, ngô cho các hộ có diện tích lúa mùa bị mất trắng không thể khôi phục được.

Thống kê sơ bộ đến ngày 23/7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gây thiệt hại trên 2.746 ha lúa, hoa màu; trong đó, có khoảng hơn 2.000 ha lúa mùa vừa gieo cấy bị ngập úng, vùi lấp. Ngay sau khi lũ vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã kịp thời triển khai các phương án chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và khôi phục sản xuất. 

Trực tiếp kiểm tra chỉ đạo khắc phục thiên tai tại huyện Văn Chấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng cho biết: Sở đã thành lập 5 tổ công tác gồm 30 người là các đơn vị chuyên môn của Sở phối hợp với các huyện, thị xã để chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm khôi phục sản xuất, cấp bách là khôi phục diện tích lúa mùa bị thiệt hại”; khuyến cáo về các biện pháp cứu lúa mùa.
 
Sở cũng đề nghị các địa phương khẩn trương chuẩn bị đủ lượng giống lúa để giúp nhân dân gieo cấy lại những diện tích lúa bị mất trắng bằng các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày, thời vụ gieo cấy trước ngày 5/8. Diện tích lúa bị ngập nước có khả năng hồi phục, bà con vừa tiêu nước vừa áp dụng các biện pháp rửa bùn trên lá, sục bùn để thoát khí độc trong đất tạo thông thoáng cho lúa phát triển.
 
Đồng thời, cấy dặm hoặc cấy lại những chỗ thưa, chỗ lúa bị chết bằng các giống mạ dự phòng hoặc san tỉa từ những chân ruộng lúa gieo thẳng hoặc ruộng cấy không bị ảnh hưởng ngập úng. Những diện tích không thể khắc phục được thì chúng tôi có biện pháp chuyển đổi sang trồng ngô, rau màu.
 
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, gia súc, gia cầm bị thiệt hại trong lũ, đề xuất chính sách hỗ trợ cho bà con vùng bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Văn Thông - Hùng Cường

Các tin khác
Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục