Công nghiệp Yên Bái: Tăng đơn hàng ngành sản xuất chủ lực

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2021 | 7:42:46 AM

YênBái - Với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, nhiều ngành sản xuất công nghiệp (SXCN) chủ lực của tỉnh như: chế biến gỗ, quặng sắt, chè, giấy làm vàng mã… có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng.
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số lĩnh vực sản xuất, chế biến sụt giảm nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gắn với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của DN; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và DN đẩy mạnh hoạt động SXKD. 

Với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, nhiều ngành SXCN chủ lực của tỉnh như: chế biến gỗ, quặng sắt, chè, giấy làm vàng mã… có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc DN tư nhân Đăng Khoa (Trấn Yên) chia sẻ: "Thời gian qua, DN đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy với hệ thống dây chuyền hiện đại được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan để sản xuất gỗ thanh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Giữa hàng trăm sản phẩm gỗ chế biến của các đơn vị trong, ngoài tỉnh, DN đã tìm lối đi riêng khi tập trung cốt lõi vào gỗ ghép và ván sàn nhà. 

Cùng đó, tập trung đầu tư công nghệ, chú trọng đào tạo công nhân có tay nghề; nhờ vậy, sản phẩm luôn đạt chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong, ngoài nước. Mỗi tháng DN xuất bán khoảng 10 container gỗ ghép thanh, gỗ ván sàn nhà ở hai thị trường xuất khẩu và nội địa, ổn định việc làm, thu nhập cho 80 lao động tại địa phương”.

Theo Sở Công Thương, chỉ số SXCN (IIP) tháng 4/2021 tăng 1,18% so với tháng trước và tăng 9,15% so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 10,41% so với cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp cấp 2 thì một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ là: khai thác quặng kim loại, tăng 54,02%; khai khoáng khác, tăng 6,25%; dệt, tăng 7,26%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, tăng 11,95%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, tăng 6,41%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 9,45%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,27%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,26%; sản xuất kim loại tăng 1,65 lần; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 28,94%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,15%... 

Cùng đó, có một số ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với cùng kỳ là sản xuất chế biến thực phẩm giảm 8,3%; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất giảm 53,98%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 13,26%; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 50,77%... 

Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tính đến cuối tháng 4/2021 tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,88%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,94%; sản xuất, phân phối điện tăng 9,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,97% so với cùng kỳ...

Có thể khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, DN và sự ủng hộ của nhân dân, ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển quan trọng, chỉ số SXCN duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng khai khoáng. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, SXCN dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có quy mô sản xuất lớn, chất lượng ổn định, tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước... 

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: SXCN chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra; cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm và chưa rõ nét; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu. 

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, dây chuyền công nghệ sản xuất chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm còn thấp, mẫu mã đơn giản; hạ tầng giao thông còn bất cập, thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu thợ tay nghề cao; cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển công nghiệp chưa phát huy được hiệu quả; việc huy động, bố trí các nguồn lực phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; chưa tạo ra nhiều chuỗi liên kết sản xuất, gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp của tỉnh...

Để công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Yên Bái và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao; khai thác, chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ. 

Phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như: dệt may, da giày và ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học. Cần có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án SXCN, các dự án thủy điện, các dự án hạ tầng khu, Cụm Công nghiệp Bảo Hưng và Cụm Công nghiệp Minh Quân. 

Tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động tại chỗ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ngành công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan.          
Quang Thiều

Tags Công nghiệp Yên Bái covid-19

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục