Yên Bái luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/3/2022 | 8:12:16 AM

YênBái - Trong những năm vừa qua, Yên Bái đã khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có của mình trong thu hút đầu tư, cũng như tập trung phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

“Cà phê Doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” là một trong những chương trình và hành động cụ thể của Yên Bái trong những năm gần đây. (Ảnh minh họa)
“Cà phê Doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” là một trong những chương trình và hành động cụ thể của Yên Bái trong những năm gần đây. (Ảnh minh họa)

Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hấp dẫn, đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cùng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu sáng tạo, tìm kiếm mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
         
Yên Bái luôn xác định quan tâm, hỗ trợ, động viên sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, đã tác động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân... trên địa bàn tỉnh. Trước khó khăn đó, Yên Bái đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội. 

Với sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng. 

Trong 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đã có 25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 08 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ. 

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 7,11%, xếp vị trí thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 14.200 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 19,6% so với năm 2020. 

Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Đó là kết tinh trong sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đặc biệt có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp, doanh nhân đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân có bản sắc văn hóa Việt Nam. Quản lý quản trị doanh nghiệp minh bạch thực hiện tốt nghĩa vụ doanh nghiệp, doanh nhân với nhà nước, với người lao động và trách nhiệm với cộng đồng. 

Năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 330 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 4.503 tỷ đồng (9 doanh nghiệp tư nhân, 186 Công ty TNHH 1 thành viên, 62 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, 73 Công ty cổ phần), nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 2.658 doanh nghiệp (tăng 252 doanh nghiệp so với năm 2020).

Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 54 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.047 tỷ đồng, trong đó có 43 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng. 

Tiêu biểu như: Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dịch vụ Văn Chấn (tổng vốn đăng ký 320 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất giấy Kiến Phát của Công ty cổ phần thực nghiệp Kiến Phát và Công ty TNHH Giấy Đằng Phong (tổng vốn 300 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy gia công, sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ côn trùng và sản xuất phân bón của Công ty cổ phần BMC Yên Bái (tổng vốn 230 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất nhôm định hình và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Công ty TNHH phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam (tổng vốn 230 tỷ đồng)... 

Yên Bái cũng đã chấp thuận cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch, đề xuất 32 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực. Tính đến 15/3/2022, toàn tỉnh có 585 dự án (35 dự án FDI), tổng vốn đăng ký 86.911 tỷ đồng và 465,7 triệu USD, trong đó: 48 dự án đầu tư lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, tổng vốn đăng ký đầu tư 5.821 tỷ đồng và 78,6 triệu USD; 431 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn đăng ký đầu tư 61.213 tỷ đồng và 383 triệu USD; 106 dự án đầu tư lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, tổng vốn đăng ký đầu tư 19.877 tỷ đồng và 4,0 triệu USD.

Các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho địa phương. 

Năm 2021, một năm đầy khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động, sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, nhất là doanh nghiệp trong khối sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2021 tăng 9,12%, giá trị sản xuất đạt 13.350 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2020 và tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Trong số đó, ngành khai khoáng tăng trên 21%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%. 

Một số sản phẩm có mức tăng đột biến như: quặng sắt và tinh quặng sắt tăng gần 45%; dăm gỗ tăng gần 30%; ván dán, ván ép tăng trên 36%; đá khối, đá lát tăng 26%; thép thanh hợp kim tăng trên 46%... 

Các doanh nghiệp công nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam; Công ty TNHH Đá Cẩm thạch RK Quốc tế; Công ty cổ phần lâm - nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn; Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái; Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, Công ty TNHH Daeseung Global, Công ty cổ phần Eco Green Plastic.

Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, doanh thu dịch vụ đạt 691 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 226,2 triệu USD, tăng 37,8%.

Doanh nghiệp xây dựng cơ bản, sản xuất nông - lâm nghiệp hoạt động ổn định và có mức tăng hơn cùng kỳ. 

Các doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 43.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 1.381 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng thu cân đối trên địa bàn, tăng 130 tỷ so cùng kỳ. 

Thực tiễn cho thấy, những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương là rất lớn và đáng trân trọng. Định hướng phát triển trong những năm tiếp theo, Yên Bái nhất quán với phương châm "Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực để tỉnh phát triển”. 

Yên Bái cam kết luôn theo sát, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô và chất lượng; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; coi trọng sự phát triển và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cùng với việc thể hiện ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với cộng đồng. 

Tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư và trong hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thực sự có tính hấp dẫn nhằm tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thanh Phúc

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục