Lục Yên phát triển kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2022 | 2:02:08 PM

YênBái - Thời gian qua, huyện Lục Yên tập trung quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất đồi rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển rừng gỗ lớn…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Cây quế mở hướng làm giàu cho người dân xã Trúc Lâu. (Ảnh: T.L)
Cây quế mở hướng làm giàu cho người dân xã Trúc Lâu. (Ảnh: T.L)

Với bản tính cần cù, dám nghĩ, dám làm, ông Đặng Văn Thanh ở thôn 1 Vàn, xã Phúc Lợi đã phát triển kinh tế rừng hiệu quả với mô hình trồng quế. Từ tay trắng, sau nhiều năm phấn đấu, đến nay mỗi năm gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng từ quế. Ông đã trở thành tấm gương người Dao làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã. Ông Thanh chia sẻ: "Quế là loại cây dễ trồng, chăm sóc, phù hợp với đất đai của gia đình tôi nên cây quế đã giúp kinh tế gia đình tôi vươn lên khá giả hơn”. 

Ông Hoàng Nga Báo ở thôn 7, xã Động Quan từ lâu nay cũng được biết đến là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế rừng. Hiện, trong số 19 ha rừng của mình, ông Báo đang có 3,8 ha quế, còn lại là bồ đề, keo. Trung bình mỗi năm ông khai thác 2,5 ha, trừ mọi chi phí còn thu lãi gần 300 triệu đồng. 

Ông Báo cho biết: "Gia đình tôi trồng rừng từ nhiều năm nay và nhờ rừng mà gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay”.

Huyện Lục Yên hiện có hơn 22.800 ha rừng tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên phòng hộ  hơn 11.000 ha tại 16 xã; rừng tự nhiên sản xuất hơn 11.800 ha tại 24 xã, thị trấn. Người dân trong huyện đã nhận thức được những lợi ích từ phát triển kinh tế rừng. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao quản lý và các chủ rừng đều thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình khi hàng nghìn hộ đã được chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Trung bình mỗi năm huyện được giao trồng mới trên dưới 2.000 ha rừng; năm 2022 phấn đấu trồng mới gần 2.600 ha. 

Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ và chăm sóc rừng đúng quy trình để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt. 

Ngoài ra, Hạt còn khuyến khích nhân dân sử dụng giống cây keo lai nuôi cấy mô nhằm hạn chế tình trạng gãy đổ do mưa bão, góp phần tăng giá trị kinh tế. Phối hợp với phòng chuyên môn, các xã, thị trấn lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế rừng. 

Thực hiện kế hoạch trồng rừng hằng năm, Hạt Kiểm lâm còn chủ động tham mưu giúp UBND huyện trong công tác quản lý và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và hộ gia đình thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích rừng đã được giao; kịp thời chi trả kinh phí theo hợp đồng đã ký kết với người dân… 

Do đó, niên vụ trồng rừng năm 2022, huyện Lục Yên được giao trồng mới 2.600 ha nhưng đến hết tháng 3 đã trồng được 1.555 ha, đạt 60% kế hoạch. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã vận động bà con tiến hành trồng và chăm sóc rừng để đảm bảo nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế cho người dân. 

Ông Lương Đình Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Động Quan khẳng định: "Kinh tế rừng từ nhiều năm trở lại đây là mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững giúp nhiều người dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.

Phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mà còn góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm lâm nghiệp, địa phương cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản.

Khắc Điệp

Tags Lục Yên kinh tế rừng dịch vụ môi trường rừng thoát nghèo

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục