Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022: Không để “gánh nặng” dồn về cuối năm!

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 7:50:53 AM

YênBái - Năm 2022, Yên Bái được giao kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) từ ngân sách Nhà nước là 4.084 tỷ đồng, không bao gồm kế hoạch vốn trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương 4,8 tỷ đồng; vốn chi công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khối tỉnh và huyện là 128,5 tỷ đồng.

Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái luôn bảo đảm tiến độ thi công và đến nay đã giải ngân trên 30% khối lượng dự toán.
Dự án cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái luôn bảo đảm tiến độ thi công và đến nay đã giải ngân trên 30% khối lượng dự toán.

Chương trình hành động về kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2022 vừa được tỉnh ấn định. Theo đó, hết quý I giải ngân ít nhất đạt 20%, đến hết quý II là 50%, đến hết quý III là 75% và đến hết quý IV thì tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng hoàn thành tương đương với kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.023 tỷ đồng, bằng 37,27% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn địa phương quản lý ước đạt trên 1.880 tỷ đồng (chiếm 92,9%), đạt 38,4% kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn trung ương quản lý ước đạt 142,4 tỷ đồng (chiếm 7,04%), đạt 26,5% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Một số chủ đầu tư cho rằng, ngoài việc giá cả leo thang thì còn có một số lý do khác như năm 2022 mùa mưa đến sớm đã ảnh hưởng khối lượng thi công; công tác đền bù, chi trả cho người dân tại một số địa phương thực hiện chậm; giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng sử dụng tại các dự án đầu tư xây dựng có biến động lớn. 

Điều này đã gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn. "Bão giá” cũng đã khiến dự toán các dự án đầu tư đều vượt tổng mức đầu tư ban đầu, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, tiến độ giải ngân các nguồn VĐTC qua hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2022 đạt trên 1.171 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch vốn đã được phân bổ đầu năm là 4.185,2 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn do trung ương và địa phương quản lý lần lượt đạt 18,68% và 27,15%. 

Các nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư theo các ngành, lĩnh vực giải ngân đạt 322,9 tỷ đồng, bằng 28,1% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân đạt 6,3 tỷ đồng, bằng 1,6% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương giải ngân đạt 647,4 tỷ đồng, bằng 30,2% kế hoạch; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương giải ngân đạt 132,4 tỷ đồng, bằng 32,9% kế hoạch.

Như vậy, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán vốn chưa đồng đều; việc giải ngân chậm chủ yếu tập trung ở các cơ quan khối tỉnh, đặc biệt một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân chậm. Trong đó, khối huyện, có thị xã Nghĩa Lộ đạt 26,6%; khối sở, có Sở Y tế mới đạt 12,4%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đạt 17%; Sở Công Thương 20,3%; Sở Tài nguyên và Môi trường đạt 10,2%... 

Các đơn vị chủ đầu tư này được giao kế hoạch vốn chiếm tỷ lệ lớn, nên có ảnh hưởng nhiều đến kết quả giải ngân chung của tỉnh. Kết quả giải ngân chậm chủ yếu tại một số nguồn vốn như: vốn nước ngoài (ODA) 5%; vốn sự nghiệp duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi đầu mối chưa giải ngân; vốn sự nghiệp giáo dục 22%, vốn sự nghiệp y tế 14,3%... 

Qua rà soát, tiến độ và dự kiến giải ngân của một số đơn vị chủ đầu tư còn thấp hơn so với cam kết, đặc biệt là các đơn vị chủ đầu tư có số vốn lớn. Do đó, dự báo sẽ khó khăn trong việc bảo đảm kịch bản giải ngân chung của toàn tỉnh như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh dự kiến giải ngân đến hết 30/6/2022 đạt 40,7%, (kịch bản là 50%); Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh dự kiến đạt 41,4% (kịch bản là 51%); Sở Y tế dự kiến đạt 36,6% (kịch bản là 68%); thị xã Nghĩa Lộ dự kiến đạt 44% (kịch bản là 67%); huyện Mù Cang Chải dự kiến 60,4% (kịch bản là 65%); huyện Trấn Yên dự kiến đạt 52% (kịch bản là 60%).

Để công tác giải ngân VĐTC xây dựng đúng kịch bản thời gian tới các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiêm túc tự tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy; Kết luận số 321-KL/TU ngày 21/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy; Thông báo số 26/TB-VP ngày 18/3/2022 của Văn phòng UBND tỉnh; Văn bản số 408/UBND-XD ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện kịch bản giải ngân các dự án.

Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. 

Nỗ lực hơn nữa và phấn đấu tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đến hết niên độ ngân sách năm 2022 đạt 100% kế hoạch, thủ trưởng các ban, sở, ngành, đơn vị chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ giải ngân. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm và không xét thi đua, khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.
Quang Thiều

Tags Giải ngân vốn đầu tư công gánh nặng ngân sách Nhà nước quyền sử dụng đất Dự án cầu Giới Phiên

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục