Yên Bái phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2022 | 7:49:21 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), Yên Bái tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, tiềm năng ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường.

Người dân huyện Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.
Người dân huyện Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.

Tận dụng lợi thế vùng hồ Thác Bà với nguồn thủy sản dồi dào, một số đơn vị, hợp tác xã (HTX) tại huyện Yên Bình đã nhanh nhạy tạo ra các sản phẩm chế biến từ cá và hoàn thiện các thủ tục, quy trình để được chứng nhận sản phẩm OCOP. Với môi trường nước trong sạch tự nhiên, cá hồ Thác Bà có thịt trắng, không tanh và từ lâu đã trở thành một đặc sản của Yên Bái. 

Ngoài việc chế biến các món ăn thông thường, để tiện cho việc bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ rộng rãi, cá hồ Thác Bà được chế biến sấy khô thành các sản phẩm đa dạng như: cá rô lọc xương, cá mương, cá quả lọc xương, cá dúi… trong một quy trình khép kín, đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bà Hoàng Thị Chinh - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình - đơn vị có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh cho biết: "Vì là thực phẩm nên khi được chứng nhận OCOP đồng nghĩa với việc sản phẩm đã được cơ quan chức năng công nhận về nhiều tiêu chuẩn nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Ngoài ra, tham gia vào OCOP, sản phẩm của chúng tôi có nhiều cơ hội, sự hỗ trợ để đưa sản phẩm đến gần hơn và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”. 

Đến nay, đã có 6 sản phẩm cá hồ Thác Bà của huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh và con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi mới đây 4 sản phẩm: chả cá lăng sạch, giò cá lăng sạch,  xúc xích cá lăng sạch và ruốc cá lăng sạch hồ Thác Bà của Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà đã đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp huyện và tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh trong thời gian tới.

Tương tự, với lợi thế vùng chè rộng trên 7.000 ha cộng với kinh nghiệm canh tác, chế biến chè từ hàng chục năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra đa dạng các sản phẩm chè khác nhau về chủng loại, hình thức chế biến, thành phẩm từ cao cấp đến bình dân… với 16 sản phẩm chè đã được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Rõ ràng, Chương trình OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. 

Tiêu biểu như huyện Mù Cang Chải có lợi thế rất lớn về  cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa, con người rất phù hợp để phát triển du lịch. Bởi vậy, 3/7 sản phẩm OCOP của huyện là các điểm, khu du lịch của huyện như: Bản văn hóa du lịch cộng đồng La Pán Tẩn, Kim Nọi, Hello Mù Cang Chải. 

Bên cạnh đó, 4 sản phẩm còn lại: mật ong, chè Púng Luông, sơn tra, nếp Tan Khau Phạ là những đặc sản địa phương đã được nâng tầm về cả hình thức, chất lượng để trở thành những món quà đặc sản mà du khách chắc chắn sẽ không quên khi đến vùng đất này. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Phần lớn trong đó được xây dựng dựa trên lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông sản đặc trưng các dân tộc như: các sản phẩm từ gạo (gạo Séng cù Mường Lò, nếp Tú Lệ, nếp Lào mu...); các sản phẩm từ quế Văn Yên (trà quế, tinh dầu, quế thanh, quế điếu, nước rửa bát, đồ thủ công mỹ nghệ)... 

Việc "gắn sao” các sản phẩm đặc trưng lợi thế địa phương không những nâng tầm cho sản phẩm mà còn dễ thu hút người dân, chủ thể, doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm phát triển từ 20 -30 sản phẩm OCOP mới. Năm khởi đầu 2021, tỉnh đã xây dựng và phát triển được 59 sản phẩm OCOP, đạt 168,6% chỉ tiêu giao. Số lượng nhiều, tiến độ nhanh, song tất cả đều được thực hiện theo tinh thần, mục tiêu mà Chương trình OCOP hướng tới.

Hoài Anh

Tags Yên Bái sản phẩm OCOP phi nông nghiệp dịch vụ gạo Séng cù Mường Lò nếp Tú Lệ

Các tin khác
Sản xuất, chế biến măng tre Bát độ tại Công ty TNHH Yamazaky, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Trấn Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư đồng thời tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM).

Sáng nay (31/5), Quốc hội sẽ bắt đầu bước vào phiên thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Tiền Phong trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) về những vấn đề cần quan tâm, nhất là trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ.

Nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm gà đồi nhà anh Nguyễn Văn Chung luôn được khách đặt hàng trước.

Y Can là một trong những địa phương của huyện Trấn Yên có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có uy tín, thương hiệu, xã nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm.

Ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu báo cáo với đoàn công tác của tỉnh về công tác thu ngân sách.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện Trạm Tấu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn quyết liệt thực hiện các giải pháp thu ngân sách năm 2023. Tuy nhiên, kết quả đạt thấp so với kịch bản đã đề ra cũng như so với cùng kỳ do rất nhiều nguyên nhân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục