Yên Bái sản xuất vụ đông - tạo đột phá để tăng giá trị

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/10/2022 | 2:34:29 PM

YênBái - Theo nhiều nông dân thì sản xuất lúa năng suất đạt kịch trần cũng chỉ đủ ăn, trong khi đó làm vụ đông hiện nay có thể thu về trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/ha, khiến nhiều nông dân có của ăn của để. Ước tính của ngành Nông nghiệp, từ sản xuất vụ đông mỗi năm mang về cho nhà nông Yên Bái khoảng trên 300 tỷ đồng.

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc rau vụ đông.
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc rau vụ đông.

LIÊN KẾT ĐỂ SẢN XUẤT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Để tăng nhanh giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, góp phần hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao, nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng phát triển cây vụ đông, đặc biệt trên đất lúa hai vụ. Vụ đông này, các địa phương sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tìm kiếm, làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị.

Những năm gần đây, sản xuất vụ đông được coi là vụ sản xuất chính trong năm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Theo nhiều nông dân thì sản xuất lúa năng suất đạt kịch trần cũng chỉ đủ ăn, trong khi đó làm vụ đông hiện nay có thể thu về trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/ha, khiến nhiều nông dân có của ăn của để. Ước tính của ngành Nông nghiệp, từ sản xuất vụ đông mỗi năm mang về cho nhà nông Yên Bái khoảng trên 300 tỷ đồng. 

Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Những năm qua, tỉnh luôn xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, góp phần quyết định mục tiêu sản xuất nông nghiệp cả năm và đây cũng là vụ giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Vụ đông năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng sản xuất cây vụ đông của tỉnh vẫn vượt kế hoạch. Toàn tỉnh gieo trồng 10.552 ha cây vụ đông với sản lượng đạt 68.996 tấn, giá trị đạt khoảng 500 tỷ đồng". 

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao được áp dụng như: mô hình trồng bí xanh, cà chua tại huyện Văn Chấn, mô hình trồng rau tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ cho hiệu quả trên 100 triệu đồng/ha. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh sản xuất tập trung có liên kết sản xuất chuỗi thông qua vai trò của HTX trong sản xuất và tiêu thụ. Mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn với quy mô 1,5 ha và tại xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ với quy mô 5 ha do HTX Dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh liên kết với các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Qua  hạch toán của HTX thì trừ chi phí mỗi héc-ta trồng ớt cho lãi 15 triệu đồng. Một số mô hình đạt giá trị kinh tế cao và mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó phải kể đến mô hình trồng giống rau cải mầm đá tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải do HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải triển khai thực hiện. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải cho biết: "Qua nghiên cứu, nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với Sa Pa (Lào Cai) nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng để dần thay thế sản phẩm rau nhập từ Trung Quốc. Vụ đông năm 2021, chúng tôi đưa vào sản xuất 7 ha rau cải mầm đá với số vốn đầu tư 150 triệu đồng/ha, thu hoạch được trên 200 tấn rau thương phẩm, bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng trên 300 triệu đồng/1 ha”. 

Ông Chang Thế Sửu - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã, người dân cho các cá nhân, HTX có nhu cầu thuê lại ruộng để tổ chức sản xuất nông nghiệp quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong vụ đông vừa qua, mô hình trồng rau cải mầm đá đã đem lại năng suất và thu nhập cho nhân dân gấp từ 10 - 15 lần. Vụ đông này, chúng tôi sẽ tuyên truyền cho nông dân ở trên địa bàn áp dụng kỹ thuật, học hỏi nhà đầu tư để mở rộng thêm diện tích, tăng thêm thu nhập trên một diện tích nông nghiệp để góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương". 

Hiệu quả từ sản xuất vụ đông đã thấy rõ, tuy nhiên vài năm trở lại đây, sản xuất vụ đông giảm dần theo các năm. Một phần do thời tiết diễn biến bất thường làm cho lúa vụ mùa sớm kéo dài, thời gian sinh trưởng không kịp trồng ngô, vì vậy diện tích trồng ngô đông trên đất ruộng 2 vụ lúa giảm dần. Sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm hàng hoá chất lượng chưa cao, nỗi lo "được mùa, mất giá" vẫn là nỗi lo mà người nông dân phải đối mặt. 

Nguyên nhân chính do sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản, dẫn đến giá trị sản xuất thấp.

Theo kế hoạch vụ đông năm 2022 này, toàn tỉnh Yên Bái sẽ đưa vào sản xuất 9.742 ha cây vụ đông các loại. Để bảo đảm vụ sản xuất này mang lại giá trị cao, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong tìm kiếm, làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị; giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả để duy trì và nhân rộng ra các địa phương. 

Các địa phương chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa các nhóm cây trồng, lưu ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Mở rộng diện tích các loại rau, củ, quả có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, ớt xuất khẩu... 

Cùng với đó, cần liên kết sản xuất, dồn điền đổi thửa hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. 

ĐẦU TƯ THẤP, HIỆU QUẢ CAO

Thời điểm này, tại nhiều địa phương của huyện Văn Chấn bà con nông dân đang bắt tay vào trồng, chăm sóc cây vụ đông. Đặc biệt, một số giống cây ngắn ngày cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế cao.  


Nông dân huyện Văn Chấn chăm sóc cây vụ đông sớm. 

Chị Lò Thị Lương ở thôn Nà La, xã Sơn Lương đang nhanh tay làm cỏ cho ruộng bí ngô vui vẻ chia sẻ: "Hơn 1 tháng nay, tôi đã gieo trồng xong hầu hết cây vụ đông trên diện tích hơn 3.000 m2, trong đó 2.000 m2 gia đình trồng ngô, diện tích đất còn lại trồng các loại cây vụ đông ngắn ngày hơn như su hào, bắp cải, cà chua, bí ngô... Sản xuất rau vụ đông sớm, người trồng thu lãi cao hơn nhiều lần so với việc sản xuất chính vụ. Hiện tại, mỗi lứa rau bí gia đình tôi thu từ 1 - 2 triệu đồng; riêng quả bí non thu hái tới đâu là có thương lái đến đặt mua tận nhà, không lo ế hàng”. 

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Đối với xã Sơn Lương, vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều gia đình. Hiện tại, bà con nhiều thôn trong xã như Bản Giõng, Bản Lằm, Bản Tủ, Tành Hanh… đã gieo trồng cây vụ đông trên hầu hết toàn bộ diện tích, trong đó khoảng 75 ha ngô đông và 20 ha cây rau mầu”. 

Còn trên cánh đồng thuộc thôn Phiêng 1, xã Sơn Thịnh, thời điểm này nông dân tích cực xuống đồng để chăm sóc cho ngô, dưa, bí và mướp đắng lấy hạt. 

Ông Lò Văn Thêm ở thôn Phiêng 1, xã Sơn Thịnh cho biết: "Năm nào cũng vậy, thu hoạch xong lúa mùa là gia đình tôi tập trung nhân lực làm ngô đông cho kịp khung thời vụ. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 2.600 m2 ngô bằng giống DK6919 và NK66 và 1.000 m2 dưa hấu. Sở dĩ chọn làm ngô đông vì dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi; thân, lá còn được tận dụng phục vụ chăn nuôi. Trồng cây vụ đông tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá. Với 1.000 m2 ruộng trồng dưa hấu, gia đình tôi thu hơn 20 triệu đồng. Nhờ làm vụ đông, đã giúp cho chúng tôi có của ăn của để". 

Có thể thấy, sản xuất vụ đông ở Văn Chấn đều tăng cả về năng suất và sản lượng, điều đáng mừng là đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng cây vụ đông, nhiều hộ dân ở Văn Chấn có thu nhập khá. Năm 2021, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất được 1.200 ha cây vụ đông, sản lượng lương thực đạt trên 3.000 tấn; giá trị sản xuất bình quân đạt 30,4 triệu đồng/ha. Từ sản xuất vụ đông đã đem về cho nông dân trong huyện khoảng 40 tỷ đồng; trong đó, cây ngô đạt giá trị 16,38 triệu đồng/ha; cây rau màu đạt giá trị 63,6 triệu đồng/ha; cây khoai lang đạt 15,52 triệu đồng/ha; cá ruộng đạt 33,53 triệu đồng/ha. 

Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Vụ đông năm nay, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất 1.200 ha cây vụ đông các loại. Trong cơ cấu cây trồng thì ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 680 ha (ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa là 280 ha); khoai lang 125 ha; rau đậu các loại 390 ha. Trong sản xuất vụ đông thì thời vụ đóng vai trò quyết định, do đó huyện chỉ đạo sát sao việc chuyển đổi thời vụ lúa xuân và lúa mùa bằng các giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ làm vụ đông; thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Với phương châm "sáng lúa, chiều ngô”, các xã đã khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm để tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng vụ đông. 

Ngoài cây ngô đông truyền thống, nhân dân tập trung phát triển một số loại cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, rau, đậu, su hào, bắp cải, mướp đắng...; sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo hướng an toàn và trồng rải vụ phù hợp với từng loại giống, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ. 

Huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ nông sản vụ đông cho nông dân. Chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng sự chủ động của bà con nông dân, tin tưởng vụ đông ở Văn Chấn sẽ thắng lợi toàn diện, góp phần tăng thêm sản lượng lương thực, thực phẩm, thu nhập cho người dân, đồng thời đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ phát triển đàn gia súc, vật nuôi trong mùa đông.

ĐA DẠNG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO

Những năm qua, sản xuất vụ đông ở xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành vụ sản xuất chính. Vụ đông năm nay, Phù Nham trồng 278,5 ha với các loại cây có giá trị kinh tế cao như bắp cải, su hào, đậu... Cùng với đó, xã vận động người dân chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.


Nông dân xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ đang chăm sóc cây dưa hấu vụ đông.  

Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phù Nham duy trì trồng cây rau vụ đông từ nhiều năm nay. Ban đầu, người dân chỉ trồng nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ cho gia đình. Ví dụ như cây dưa hấu trồng trong vụ đông có ưu điểm cây khỏe, chống chịu bệnh tốt, cho quả đều, giá cao mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa. 

Mô hình trồng cây dưa vụ đông trên đất trồng lúa kém hiệu đang trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế của người dân cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Gia đình chị Lê Thị Nết ở thôn Năm Hăn Thượng đã mạnh dạn đưa trên 2.700 m2 đất - lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. 

Chị Nết chia sẻ: "Nhận thấy trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình tôi học hỏi kinh nghiệm trồng thử cây dưa hấu. Sau khi trừ các chi phí đầu vào kể cả công làm đất, chăm sóc, thu hoạch, gia đình thu về 60 triệu đồng và điều đáng mừng là sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó”. 

Đến thôn Pá Xổm - một trong những địa phương luôn dẫn đầu thị xã Nghĩa Lộ về phong trào gieo trồng cây màu vụ đông. Gia đình bà Đồng Thị Định năm nay cũng chuyển sang trồng hơn 500 m2 đỗ cô ve, năm nay đỗ được mùa, giá bán bình quân 12 nghìn/kg, giá trị cao hơn gấp 5 lần so với trồng lúa.

Theo kế hoạch sản xuất cây vụ đông của toàn xã là 218 ha (cây ngô đông 188 ha, cây rau màu 20 ha, cây khoai lang 10 ha). Tính đến nay, Phù Nham đã thực hiện được 278,5 ha, trong đó cây ngô đông 225 ha, đạt 119,7% kế hoạch; rau mầu các loại thực hiện được 53,5 ha, đạt 178,3% kế hoạch đề ra. 

Cùng với đó, xã chú trọng duy trì ổn định các mô hình liên kết chuỗi giá trị như trồng 5,9 ha cây bí lấy hạt, cây dưa và 0,5 ha cây mướp đắng lấy hạt tại thôn Cốc Củ, Thôn Ô, Suối Đao, Ta Tiu và Năm Hăn. Đồng thời triển khai gieo trồng trên 12 ha đất lúa ở các thôn: Năm Hăn Thượng, Năm Hăn, Ta Tiu, Cầu Thia, Lọng, Pá Xổm, Chanh, Phù Ninh sang trồng các loại cây rau, củ, quả ngắn ngày như dưa hấu, dưa lê, đậu, đỗ, củ đậu... đem lại thu nhập cao so với trồng lúa. Hiện nay, nhân dân đang tích cực chủ động tiếp tục trồng cây ngô nếp và rau các loại. 

Ông Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để sản xuất vụ đông đạt kết quả, xã đã phối hợp với ngành chức năng của thị xã tập trung định hướng các loại cây trồng, kiểm soát các loại giống đảm bảo chất lượng và làm cầu nối với các doanh nghiệp thu mua để người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc cây ngô và cây rau màu vụ đông đảm bảo đúng khung thời vụ; duy trì và đẩy mạnh việc liên kết theo chuỗi giá trị ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, từng bước xây dựng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có chất lượng cung cấp cho thị trường nội địa”.

Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của Phù Nham. Để nâng cao giá trị cây vụ đông, theo ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã, địa phương chú trọng phát triển cây vụ đông theo hướng hàng hóa. Qua đó, dần đưa vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền xã cũng khuyến khích người dân đa dạng các loại cây trồng có giá trị, thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.



Văn Thông - Quang Thiều - Trần Minh

Tags Yên Bái sản xuất sản xuất vụ đông bí xanh bí ngô khoai tây chế biến ớt xuất khẩu

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục