Vì sao doanh nghiệp Yên Bái chưa nhận được “phao cứu sinh”?

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2022 | 7:30:26 AM

YênBái - Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 (Nghị định số 31) của Chính phủ được xem là “phao cứu sinh” đúng lúc để giúp doanh nghiệp (DN) sớm hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, số liệu về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng, cần sớm có giải pháp tháo gỡ…

Ký kết hợp đồng tín dụng giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái và khách hàng.
Ký kết hợp đồng tín dụng giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái và khách hàng.

Ngay sau khi Nghị định số 31 được ban hành, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, hướng dẫn khách hàng trong việc thực hiện thủ tục, hồ sơ theo quy định. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái có tổng số 22.391 khách hàng với dư nợ 8.275 tỷ đồng. 

Sau khi rà soát toàn bộ khách hàng vay vốn, có 324 khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất với dư nợ 493 tỷ đồng, Chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 1 khách hàng pháp nhân với hạn mức 100 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất 25 tỷ đồng, tổng lãi đã hỗ trợ là 43 triệu đồng. 

Bà Đào Phương Thảo - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, đơn vị tiếp tục thống kê, phối hợp với các khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất; đồng thời, chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn tăng lên của khách hàng trong thời gian tới. 

Năm 2022, Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái được giao số lãi suất hỗ trợ là 15 tỷ đồng, tương ứng dư nợ bình quân 750 tỷ đồng. Dự kiến, 2 tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục giải ngân thêm khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất với khách hàng đang được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ lãi suất với các khoản vay khoảng 175 triệu đồng. Số hạn mức còn lại, đơn vị sẽ hỗ trợ với khách hàng mới khi có nhu cầu và đủ điều kiện phù hợp với hạn mức tín dụng được giao năm 2022. Năm 2023, Agribank Chi nhánh tỉnh dự kiến hỗ trợ lãi suất khoảng 22 tỷ đồng, tương ứng với mức dư nợ bình quân 1.100 tỷ đồng”. 

Tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái, qua rà soát có 4.269 khách hàng có mục đích vay nằm trong ngành nghề được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, có 3.911 khách hàng không có giấy phép kinh doanh và 324 khách hàng có ngành nghề kinh doanh thực tế không phải ngành nghề được hỗ trợ, chỉ có 34 khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Đến nay, Chi nhánh thực hiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất cho 2 khách hàng kinh doanh với tổng dư nợ 1.158 tỷ đồng. Dự kiến, đến 31/12/2022, doanh số dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 15 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 30 triệu đồng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, qua kết quả rà soát, toàn tỉnh có 5.845 khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 31 với dư nợ 2.599 tỷ đồng; trong đó, có 4.224 khách hàng với dư nợ 1.256 tỷ đồng không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất; 1.621 khách hàng với dư nợ 1.343 tỷ đồng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất đã được các chi nhánh NHTM thông tin về chính sách. 

Tuy đã tích cực triển khai nhưng số liệu về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng, khi mà đến hết tháng 9/2022 mới hỗ trợ lãi suất cho 1 doanh nghiệp thuộc ngành kinh tế công nghiệp, chế tạo với dư nợ 19,9 tỷ đồng. 

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp mới đây, các NHTM trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn gặp một số khó khăn như đối tượng khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc ngành nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 31 là tương đối lớn nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Đại diện Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái cho biết: "Qua rà soát các đối tượng vay vốn từ 1/1/2022 tại Chi nhánh, có 4.238 khách hàng vay thuộc ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, đa số khách hàng là hộ nông dân cá nhân vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP nên khách hàng không có đăng ký kinh doanh, do đó, không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều khách hàng không mặn mà với gói hỗ trợ vì lo lắng số tiền được hỗ trợ lãi suất là không lớn trong khi thủ tục phức tạp và đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại gặp nhiều khó khăn”. 

Cùng với đó, một trong những vướng mắc lớn gây khó khăn trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất là tiêu chí "có khả năng phục hồi theo đánh giá của ngân hàng thương mại”. Quy định này dẫn đến việc đánh giá nội bộ giữa các ngân hàng thương mại có sự khác biệt, có khách hàng vay vốn tại nhiều ngân hàng và có thể được xác định đáp ứng tiêu chí có khả năng phục hồi tại ngân hàng này nhưng không đáp ứng tiêu chí đánh giá tại ngân hàng khác. 

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay cũng là rào cản với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, quá ngắn để lo thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ. 

Để đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ, thông báo hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục theo quy định. 

Các ngân hàng tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 31; thực hiện nghiêm công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn của khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo hồ sơ cho vay chặt chẽ, đầy đủ theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. 

Các ngân hàng tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; thực hiện giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn theo quy định; chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh với các sở ngành, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thông Nguyễn

Tags Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái Nghị định số 31 ngân hàng doanh nghiệp

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục