Bài toán bảo vệ “vành đai xanh” Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhiều năm qua, rừng đã nuôi sống đồng thời là vành đai xanh bảo vệ con người. Tuy nhiên, gần đây, cùng nạn khai thác, buôn bán thì tình trạng xâm chiếm đất rừng để sản xuất ở huyện Văn Yên (Yên Bái) diễn ra gay gắt.

Nhiều diện tích rừng đã trở thành nương rẫy.
Nhiều diện tích rừng đã trở thành nương rẫy.

Cùng những cánh đồng trù phú ven sông Hồng, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Văn Yên tiềm năng rừng. Toàn huyện có tới trên 90 ngàn ha rừng các loại, trong đó có trên 57 ngàn ha là rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi bảo vệ. Những năm trước đây, khi đất rừng chưa có giá trị kinh tế thì tình trạng xâm chiếm đất rừng, phá rừng, khai thác lâm sản chỉ diễn ra ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.

Gần đây, khi người dân nhận thức được thế mạnh của kinh tế đồi rừng, đặc biệt, khi rừng trồng nguyên liệu và trồng sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao, việc xâm chiếm đất rừng đã diễn ra khắp nơi, từ vùng thấp đến vùng cao.

Năm 2008, lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã đã phát hiện và xử lý 142 vụ phát, đốt nương sai quy hoạch. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện xử lý 29 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 17 vụ xâm canh vào rừng phát nương rẫy trái phép; chính quyền xã qua kiểm tra, phát hiện xử lý tới 85 vụ xâm chiếm đất rừng, sản xuất nương rẫy trái phép.

Đáng lo ngại là diện tích xâm lấn, phát rừng làm nương đều nằm trong diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng! Tình trạng xâm chiếm đất rừng tập trung  lớn nhất ở 3 xã là Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Hạ,  lên tới 75 vụ!

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Có nhiều lý giải. Do đời sống của nhân dân các xã của Văn Yên còn rất khó khăn, trong khi đó việc đầu tư khoán bảo vệ rừng thấp (27.000đ/ha/năm), không đủ để người dân nâng cao trách nhiệm với rừng. Mặt khác, tỉnh chưa áp dụng chính sách được hưởng lợi về rừng đối với người nhận khoán bảo vệ theo Quyết định 178/QĐ - CP của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, một số chủ rừng lợi dụng giao khoán lén lút khai thác gỗ để bán hoặc bán cây đứng cho lâm tặc để kiếm sống. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chậm, không đồng bộ về cả chính sách và biện pháp thực hiện. Hơn thế, tuy đã tiến hành quy hoạch đất lâm nghiệp và phân định 3 loại rừng, nhưng việc tiến hành cắm cọc mốc phân định ranh giới ngoài thực địa chưa tiến hành hoặc chưa rõ ràng, nên tình trạng xen lẫn giữa đất nương rẫy và đất trồng rừng vẫn còn phổ biến, dẫn đến người dân “ nhập nhèm” và công tác bảo vệ, quản lý khó khăn.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong kiểm tra, kiểm soát quản lý lâm sản của các lực lượng, song hoạt động trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, công cụ phương tiện lạc hậu. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm có 38 biên chế và 12 hợp đồng, như vậy có kiểm lâm viên phải quản lí tới 4 ngàn ha rừng.

Trong khi đó, thủ đoạn khai thác, vận chuyển của lâm tặc ngày càng tinh vi hơn, như lợi dụng chính sách của Nhà nước là Chương trình 134 xoá nhà dột nát, làm đường giao thông v.v... để phá rừng. Trong khi đó, việc xử lý cũng gặp khó khăn khi đối tượng vi phạm lại là hộ nghèo, không có khả năng để đền bù thiệt hại khi vi phạm. Đặc biệt, khi rừng trồng nguyên liệu và trồng sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao nên việc xâm chiếm đất rừng đã diễn ra khắp nơi và càng quyết liệt hơn.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, một điều thẳng thắn phải thừa nhận: do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng chưa tốt. Cùng với đó là việc thực hiện Quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện trách nhiệm quản lí Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp” chưa được chấp hành nghiêm túc. Một số chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lí, né tránh, cục bộ, không hợp tác với lực lượng chuyên trách, thậm chí tiếp tay cho lâm tặc.

Hơn thế, tại các xã vùng thấp lợi dụng lúc giao thời của việc chuyển đổi cơ chế quản lí, lợi dụng việc rà soát ba loại rừng, chuyển đổi lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp, nhiều đối tượng đã tổ chức mua bán, sang nhượng và lấn chiếm đất rừng trái phép, cố tình phá rừng nhằm bao chiếm đất đai. Thời gian vừa qua, nhiều người đã giàu lên vì đã bao chiếm được nhiều rừng, trong đó có cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên vi phạm, người dân cũng học” làm theo. Điều này lý giải tại sao đa số đối tượng vi phạm đều là những người đã tham gia ký kết bảo vệ rừng với chính quyền xã và kiểm lâm! Khi bị phát hiện, lại xử lí không nghiêm khiến cho người dân địa phương bức xúc, kiện cáo, không sợ pháp luật hoặc kích động gây mất an ninh trật tự trên địa bàn vv... 

Giải quyết bài toán rừng đang là một thách thức đặt ra không chỉ với Văn Yên! Có lẽ hơn lúc nào hết bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng rộng rãi đến nhân dân, để người dân hiểu  thực hiện, địa phương phải xử lý nghiêm, dứt điểm những vụ vi phạm, đặc biệt là đối với trường hợp là cán bộ, đảng viên và chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó, huyện cần chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường cán bộ xuống địa bàn, tham mưu phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt Nghị định 09/NĐ-CP, Chỉ thị 12/CT-TTg của Chính Phủ về các biện pháp chống chặt phá rừng, Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các cấp trong việc quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xử lý ngăn chặn mọi thủ đoạn buôn bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đo đạc và cấp sổ đỏ cho các hộ dân theo Dự án 672 bảo đảm chính xác, nâng cao quyền hạn cũng như trách nhiệm chủ rừng. Về lâu dài phải sắp xếp, bố trí đất đai cho người dân thiếu đất sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng sâu, vùng xa v.v... Triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đồi rừng, để người dân sống được vì rừng, gắn bó với rừng và có trách nhiệm bảo vệ rừng thì bài toán nơi đây mới có lời giải!

Đ.T

 

Các tin khác

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục