Phục hồi giống trâu ngố Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/2/2012 | 2:48:25 PM

YBĐT - Lục Yên (Yên Bái) là nơi có lợi thế về đồng cỏ, có giống trâu tốt và khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi trâu nên người dân đang khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh này. >>Năm Sửu đến đất trâu Lục Yên

Con trâu đực giống này có trọng lượng khoảng 900 kg được chăn thả trong đàn trâu nái ở xã Yên Thắng (Lục Yên).
Con trâu đực giống này có trọng lượng khoảng 900 kg được chăn thả trong đàn trâu nái ở xã Yên Thắng (Lục Yên).

Lục Yên từ xưa vốn nổi tiếng có giống trâu ngố to khỏe để cung cấp sức kéo cho sản xuất nông lâm nghiệp, vận tải. Vài chục năm trước, những con trâu đực trưởng thành từ 7 tuổi trở lên nặng khoảng 8 tạ đến một tấn và trâu cái nặng 5 đến 6 tạ vẫn còn khá phổ biến trong các bản làng của đồng bào Tày, Nùng, Dao, mỗi nhà thường nuôi vài con trâu trở lên.

Tuy vậy, gần 20 năm trở lại đây, giống trâu ngố Lục Yên có xu hướng thoái hóa mạnh khiến thể trạng trâu nhỏ đi. Lí do được một số người dân đưa ra là do tập quán chăn thả chung trên các đồng cỏ nên trâu phối giống tự nhiên dẫn đến sinh sản cận huyết và thoái hóa. Một số khác lại cho rằng trong một khoảng thời gian khá dài, Lục Yên đã không còn giữ được những con trâu giống bố mẹ có thể trạng to khỏe vì diện tích đồng cỏ tự nhiên đã bị thu hẹp nghiêm trọng do trồng rừng kinh tế và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc cơ giới hóa nông nghiệp cũng làm cho nhiều gia đình không còn nuôi trâu nữa. Những con trâu đực là mục tiêu săn lùng đầu tiên của những lái trâu mua về mổ thịt. Khi nguồn trâu đực to khan hiếm thì họ nhắm đến những con đực nhỏ và trâu cái có vóc dáng lớn.

Nhận ra nguy cơ mất dần nguồn gen quý của giống trâu ngố, huyện Lục Yên đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn giống trâu quý như: điều tra lại số lượng trâu đực giống trên tổng đàn trâu nái để cân đối về số con đực giống; hỗ trợ tiền cho những hộ nuôi trâu đực giống to khỏe; khuyến khích người dân duy trì chăn thả trâu đực giống cùng bầy đàn trên các khu chăn thả tự nhiên; khôi phục lại hội chọi trâu để khuyến khích nhân dân nuôi dưỡng những con trâu giống to khỏe nhất...

Nhờ những giải pháp khá đồng bộ này, đến nay phong trào nuôi trâu cũng như nuôi trâu đực giống ở Lục Yên đang được phục hồi mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ cuối năm 2011, tổng đàn trâu của huyện Lục Yên có khoảng 21 ngàn con (chiếm gần 1/3 tổng đàn trâu toàn tỉnh). Số trâu đực từ 4 đến 5 tuổi trở lên trước đây khan hiếm thì nay đã tăng dần. Có nhiều ý kiến cho rằng đó là nhờ hiệu ứng kích thích ngay từ hội chọi trâu lần thứ nhất của huyện Lục Yên cách đây 3 năm. Hội chọi trâu này đã thu hút hàng vạn người đến dự và khi trở về đã có rất nhiều người muốn nuôi trâu chọi.

Điển hình như gia đình ông Nông Đình Bạn ở thôn 4, xã Trúc Lâu là một trong những hộ chăn nuôi đã giữ lại đàn nghé đực để chăm sóc và nay ông có tới 4 con trâu đực từ 3 đến 5 tuổi trong đàn trâu gần 20 con của gia đình.

Tại hội chọi trâu Lục Yên lần thứ 3 vừa qua, ông Bạn có một chú trâu đực lọt vào vòng chung kết. Ông Bạn cho biết, ở thôn I cùng xã Trúc Lâu có gia đình ông Phận, ông Vị cũng nuôi khá nhiều trâu và mỗi nhà cũng có vài con trâu đực từ 3 tuổi trở lên. Hội chọi trâu sang năm, ông Bạn ước đoán riêng đàn trâu 106 con của thôn mình chắc chắn sẽ có khoảng chục con tham gia thi đấu.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Lục Yên cho biết, phong trào phục tráng đàn trâu và nuôi giữ lại những con trâu đực to khỏe phát triển khá đồng đều trong các xã. Vì thế, Hội chọi trâu xuân 2012, đa số là trâu trong huyện và xã nào cũng có trâu tham dự, trong đó có những địa phương như xã Trúc Lâu có tới 3 con và Minh Xuân có 4 con lọt vào vòng chung kết. Thể trạng của số trâu đực tham dự hội chọi trâu cũng to và đều hơn những lần trước.

 Không chỉ có những xã làm nông nghiệp mới chú ý đến bảo tồn những con trâu giống tốt mà ngay ở thị trấn Yên Thế năm nay cũng có tới 10/32 trâu lọt vào vòng chung kết. Những ông chủ trâu ở đây cho biết, để có một con trâu chọi thì họ phải lùng mua được những con trâu to khỏe nhất mang về nuôi ít nhất nửa năm để huấn luyện và chăm sóc. Trong thời gian đầu, họ vẫn phải mang trâu thả lẫn vào đàn trâu cái ở những đồng cỏ tự nhiên để chúng không phá phách, khi gần thi đấu mới nuôi cách li không cho giao phối để giữ sức cho trâu và cũng để trâu hăng hơn khi lâm trận.

Ông Nguyễn Quốc Huy ở tổ 2, thị trấn Yên Thế là người chuyên lùng tìm trâu chọi đã cho biết, những xã có trâu đẹp nhất ở Lục Yên là: Khánh Hòa, An Lạc, An Phú và kế đến là Tân Lĩnh, Minh Xuân, Trúc Lâu, Tân Lập, Phan Thanh... Chỉ vài năm nữa thôi sẽ tha hồ mà kén chọn trâu thi đấu. Ông Huy cũng cho biết, người dân chú trọng bảo tồn những con trâu giống bố mẹ tốt không thuần túy là để tìm ra những con trâu chọi mà bởi họ nhận thấy việc nuôi trâu ở khắp nơi đang giảm dần nên giá trâu ngày càng đắt.

Lục Yên là nơi có lợi thế về đồng cỏ, có giống trâu tốt và khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi trâu nên người dân đang khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh này. Nhà nào nuôi sinh sản mà có trâu đực thì phải từ 7 tuổi trở lên thì bán mới được giá. Đặc biệt, con đực nào mà lọt vào mắt thợ săn trâu chọi thì giá bán hiện tại từ 40 đến 60 triệu đồng là chuyện bình thường.

Điều đáng mừng là trâu chọi xong giờ ít mổ thịt hoặc bán đi. Bởi lẽ, những người ưa thích nuôi trâu chọi ở Lục Yên khi đã chọn được con trâu tốt thì họ không chỉ đấu ở xới nhà mà còn đem đến các xới lân cận như ở xã Tân Nguyên, xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) hoặc hội chọi trâu ở huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) và huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang).  Thậm chí, đã có những chủ trâu ở Lục Yên mang trâu đến tham gia chọi ở các xới xa như: Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ); Hải Lựu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Điều đó, khiến cho số lượng những con trâu giống to khỏe ngày càng đông hơn để góp phần phục tráng, bảo tồn nguồn gen quý của giống trâu ngố ở Lục Yên ngày càng bền vững.  

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể

Cùng với 2 sản phẩm hoa hồng Mù Cang Chải (Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt xã Nậm Khắt) và chè Shan tuyết Púng Luông (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Púng Luông), vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái và Trung tâm Phát triển công nghệ cao phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Hội nghị trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho "Rượu thóc La Pán Tẩn” (Hợp tác xã Du lịch Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn).

Người lao động Hợp tác xã Chè Vạn Hoa sơ chế chè nguyên liệu.

Tính đến hết quý I/2024, toàn tỉnh Yên Bái có 738 hợp tác xã, 5.310 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực với trên 60.000 thành viên.

Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Dự báo, doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó rất cần sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục