Hiệu quả từ hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/12/2012 | 9:40:39 AM

YBĐT - Mặc dù hiệu quả của SRI đã được khẳng định. nhưng do việc đưa SRI vào sản xuất chủ yếu thông qua hệ thống các trạm BVTV nên để mở rộng ứng dụng SRI, số lượng nông dân tiếp cận SRI nhiều hơn cần đào tạo phương pháp tiếp cận, tập huấn SRI cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cơ sở.

Hội thảo đầu bờ thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình).
Hội thảo đầu bờ thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình).

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2003 và triển khai tại Yên Bái từ năm 2008. Nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản của phương pháp này là: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và  tăng cường bón phân hữu cơ. Sau 4 năm triển khai, mô hình này được nhiều nông dân ghi nhận cả về ý nghĩa kinh tế, xã hội và môi trường.

Vĩnh Kiên là xã thuần nông của huyện Yên Bình, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, song do sản xuất lúa chủ yếu theo kinh nghiệm nên chưa phát huy tối đa năng suất của cây lúa, lợi nhuận đem lại chưa tương xứng với khả năng. Bà con nông dân còn hạn chế về nhận thức về kỹ thuật thâm canh như lượng giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn sử dụng quá nhiều dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây ô nhiễm môi trường.

Nhằm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, vụ mùa năm 2008, Trạm BVTV huyện Yên Bình phối hợp với UBND xã Vĩnh Kiên tiến hành mở lớp huấn luyện  nông dân hướng dẫn thực hành đồng ruộng canh tác lúa cải tiến. Với 16 buổi học kéo dài suốt cả vụ lúa, ngoài cung cấp cho nông dân những kiến thức về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến, lớp học còn là nơi bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Qua đó, đã thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất lúa, dần thay phương thức sản xuất cũ lạc hậu bằng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến.

Với các nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, cấy một dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, giảm sâu bệnh đồng thời giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động. Đặc biệt, mô hình thâm canh lúa cải tiến đã đem lại năng suất vượt trội, lợi nhuận tăng trên 10 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Từ hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, vụ mùa năm 2012 nhiều nông dân đã chủ động áp dụng mô hình. Anh Bình là một trong những hộ dân tham gia mô hình canh tác lúa cải tiến cho biết: "Lúc đầu, thấy cấy thưa nên bà con tiếc đất chưa muốn làm theo, nhưng được sự tuyên truyền vận động của cán bộ xã, cán bộ trạm BVTV, đặc biệt để thuyết phục người dân áp dụng SRI, cán bộ cam đoan xã đền bù thiệt hại cho các hộ tiên phong làm trước nếu mô hình cho năng suất thấp hơn đại trà nên nhiều bà con tham gia. Canh tác lúa theo phương pháp này có lợi ích là cây lúa đẻ nhánh nhiều hơn, bông lúa nhiều và to hơn , ít sâu bệnh, chi phí giảm và hiệu quả kinh tế cao hơn".

Tại hội nghị đầu bờ mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiết SRI ở thôn Vĩnh Kiên, chị Lan - Trưởng thôn Đa Cốc cho biết: "Hôm nay tôi mới được mắt thấy, tai nghe, SRI hay quá! Vừa giảm được nhiều thứ như giống, thuốc sâu, công mà năng suất lại tăng. Đề nghị UBND xã, trạm BVTV huyện Yên Bình tạo điều kiện cho thôn Đa Cốc chúng tôi được làm theo chương trình này ngay trong vụ sau".

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: "Mô hình thâm canh SRI được triển khai tại Vĩnh Kiên từ năm 2008, vụ mùa năm 2012 này, Vĩnh Kiên là thôn thứ 6 trong 9 thôn áp dụng mô hình. Nhiều nông dân đã tự áp dụng các phương pháp canh tác SRI trên thửa ruộng nhà mình. Đến nay, trên 60% diện tích lúa ở Vĩnh Kiên được bà con áp dụng mô hình thâm canh SRI. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích".

Từ hiệu quả kinh tế mô hình điểm đem lại, vụ mùa năm 2012, nhiều nông dân trong trong huyện Yên Bình đã chủ động áp dụng mô hình. Đến nay, huyện Yên Bình đã có 9 xã ứng dụng mô hình này với diện tích 365ha trong đó có 103ha được ứng dựng toàn phần, 262ha ứng dựng từng phần đem lại hiệu quả thiết thực.

 Không riêng gì Yên Bình, SRI nay đã được nhân rộng ra địa bàn nhiều xã của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Nếu như năm 2008 chỉ có một vài hộ tham gia thì đến vụ mùa năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.163,5 ha với trên 21.135 người dân tham gia.

Bà Tạ Thị Hồng, thôn 15, xã Báo Đáp (Trấn Yên) tham gia mô hình nhận xét: "Hay quá, tôi rất thích cái mật độ cấy 25 dảnh/m2, gia đình tôi đã áp dụng một phần diện tích của nhà mình để thử nghiệm theo SRI". Anh Phạm Văn Hiện, Phó Phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh cho biết: "Thực tế cho thấy, SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới từ đó tăng hiệu quả kinh tế và rất thân thiện với môi trường nhưng để người nông dân mạnh dạn áp dụng và nhân rộng trước hết phải làm thay đổi nhận thức bởi bà con đã quá quen thuộc với phương pháp canh tác truyền thống".

Mặc dù hiệu quả của SRI đã được khẳng định. nhưng do việc đưa SRI vào sản xuất chủ yếu thông qua hệ thống các trạm BVTV nên để mở rộng ứng dụng SRI, số lượng nông dân tiếp cận SRI nhiều hơn cần đào tạo phương pháp tiếp cận, tập huấn SRI cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cơ sở. Để làm được điều này cần có kinh phí, nhất là chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cần sự quan tâm vào cuộc các cấp các ngành và chính quyền địa phương.

 Văn Thông

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC giảm sau 2 ngày tăng mạnh.

Sáng nay (26/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều bất ngờ giảm sau khi tăng mạnh 2 ngày qua. Theo đó, giá vàng miếng quanh mốc 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 75 triệu đồng/lượng.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn

Ngành thuế triển khai ứng dụng tự động gửi thông báo cho người nộp thuế là người bán thuộc Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời gửi thông báo đối với cả người mua của những người bán bị cảnh báo này.

Một mô hình nuôi dê tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ cho hiệu quả cao.

Nhằm tăng giá trị của ngành chăn nuôi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Văn Yên đã từng bước đưa các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người nông dân.

Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục