Yên Bái coi trọng quy hoạch sản xuất vùng trong sản xuất nông lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/1/2013 | 3:10:31 PM

YBĐT - 365 ngày của năm Nhâm Thìn 2012 đã đi qua, đánh dấu thêm một bước phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Đồng bào Mông Mù Cang Chải thu hoạch ngô.
Đồng bào Mông Mù Cang Chải thu hoạch ngô.

Vượt qua những khó khăn về thời tiết, sâu bệnh hoành hành và những khó khăn của nền kinh tế, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhà nông Yên Bái vẫn làm nên những mùa vụ bội thu. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 235.000 tấn, trồng trên 15.000ha rừng, sản lượng chè đạt 85.000 tấn, ngô, rau đậu đều đạt và vượt mức kế hoạch.

Làm nên những thành công đó có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, ngành nông nghiệp, các huyện, thị, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của hàng chục vạn hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao. Cái được lớn hơn cả là đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm sang ứng dụng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường.

Trên 5.000ha lúa ruộng đã được quy hoạch và đưa các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng làm hàng hóa. Hàng ngàn héc-ta ngô từ vùng thấp đến vùng cao được trồng bài bản tạo thành vùng hàng hóa, nhất là việc chuyển đổi trên 1.000ha diện tích lúa nương sang trồng ngô ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã và đang tạo hướng đi bền vững ở vùng cao.

Vùng cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả ở Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên cũng đang phát huy hiệu quả và từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất nông - lâm nghiệp đang gặp phải khó khăn nhất định và chưa thể đi lên sản xuất lớn. Vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản ở những khu vực đã được quy hoạch hoặc đang hình thành vùng hàng hóa lớn luôn khó khăn và là trăn trở của nhiều địa phương.

Sản phẩm hàng hóa làm ra chưa thực sự thành hàng hóa, thiếu sức cạnh tranh, giá trị làm ra cũng chỉ ở một chừng mực nhất định. Làm ăn manh mún, thiếu căn cơ, thiếu liên kết giữa “4 nhà” đang là lực cản cho sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển. Do đó, sản phẩm làm ra dẫu có lợi thế cạnh tranh nhưng vẫn khó khi so với các sản phẩm từ các địa phương khác, nước khác, nhất là trong xuất khẩu. Diện tích, sản phẩm chè của Yên Bái rất lớn nhưng lại bị các sản phẩm chè nơi khác lấn át ngay trên “sân nhà”.

Một vùng cam, quýt rộng cả ngàn héc-ta ở Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình nhưng hoa quả Trung Quốc lại chiếm lĩnh thị trường. Sản lượng nhiều nhưng giá trị rất thấp, luôn chứa đựng rủi ro trong cạnh tranh. Người nông dân làm ra sản phẩm nhưng không có quyền quyết định giá sản phẩm mà đều phụ thuộc thương lái. Những bất cập đó thuộc về khâu quy hoạch, liên kết vùng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là sự hỗ trợ, vào cuộc của người sản xuất và doanh nghiệp. Thực tế cũng đã có sự liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng đều mang tính nhỏ lẻ. 

Để sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, ngoài sự nỗ lực của người nông dân rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là phải quy hoạch vùng sản xuất và phát huy lợi thế vùng.

Trong sản xuất lúa gạo, không nên xã nào, địa phương nào cũng quy hoạch theo kiểu phong trào mà làm đâu chắc đó, nơi nào có lợi thế thì quy hoạch đầu tư cụ thể. Do vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để cho nông dân yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm; quy hoạch, phân vùng và huy động sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, liên kết chặt chẽ với nông dân tạo vùng nguyên liệu dồi dào, đáp ứng cho chế biến công nghiệp.

Vấn đề “mắc” nhất là trong khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, rất cần sự vào cuộc của “4 nhà” nhưng cần chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn. Một vấn đề nữa là cần tập trung ngay vào sản xuất những hàng hóa, sản phẩm nội tiêu, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân Yên Bái cũng đã là thành công. Đặc biệt, phải có sự giám sát chặt chẽ giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đây là vấn đề mấu chốt tạo nên thành công.

Giải quyết tốt những hạn chế và phát huy các lợi thế vùng, chắc chắn sản xuất nông - lâm nghiệp của Yên Bái sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thanh Phúc

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục