Đầu xuân gặp già làng, trưởng bản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:42:18 PM

YBĐT - Già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ là những “đầu tầu” gương mẫu trong cộng đồng dân cư mà còn luôn là những người có nhiều đóng góp cho thôn, bản trên nhiều lĩnh vực.

Đồng chí Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh (thứ 2, phải sang) trao đổi về công tác dân tộc với một số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh (thứ 2, phải sang) trao đổi về công tác dân tộc với một số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh cũng luôn quan tâm tới đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín với nhiều hoạt động như hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng già làng, trưởng bản, tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm…

Qua đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín từ lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành những tấm gương sáng cho bà con dân bản học tập, noi theo.

Ông Thào A Tông (dân tộc Mông) - già làng thôn Km16, xã Pá Hu (Trạm Tấu)

Cho đến giờ, nhiều người dân ở xã Pá Hu đã quen với việc sản xuất hai vụ lúa trong năm. Tính ra, toàn xã hiện nay có hơn 91 ha lúa mùa và thực hiện tới 70 ha lúa xuân. Việc sản xuất hai vụ lúa đã góp phần quan trọng tăng sản lượng lương thực của xã, cải thiện đời sống người dân. Và không ai khác, người đi đầu trong thực hiện sản xuất lúa xuân ở xã chính là già làng Thào A Tông. 20 năm trước, ông đã trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa xuân ở Nghĩa Lộ rồi cùng gia đình thử nghiệm gieo cấy lúa xuân.

Từ kết quả thực tế trên mảnh ruộng xuân của gia đình ông, việc sản xuất lúa đông - xuân dần dần nhân rộng ra toàn xã để có kết quả như ngày hôm nay. Không chỉ làm lúa xuân, gia đình ông còn là tấm gương trong phát triển kinh tế để bà con noi theo khi tích cực khai hoang ruộng bậc thang, trồng rừng trên đồi núi trọc, phát triển mạnh chăn nuôi… Già làng Thào A Tông từng là Bí thư Đảng bộ xã hai nhiệm kì, đến giờ vẫn là một người được bà con dân bản kính trọng, tin tưởng.


Bà Vi Thị Thành Đô (dân tộc Nùng) - Trưởng thôn Khe Hùm, xã Tân Nguyên (Yên Bình)

Lúc mới bắt đầu làm Trưởng thôn, đứng trước các cụ cao tuổi và hàng trăm người dân để ra mắt, phổ biến công việc, bà Vi Thị Thành Đô chỉ lo không làm được việc bởi lâu nay nhiệm vụ này thường do nam giới đảm nhiệm. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân ủng hộ, bà đã giải quyết nhiều vấn đề lớn của thôn.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội, học hỏi nhiều kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi, bà không ngần ngại đi từng hộ dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư vấn, hướng dẫn cách phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, trình độ lao động, thế mạnh của mỗi hộ.

Với diện tích lúa nước của thôn trên 5,6 ha, vài năm trở lại đây, bà cùng với Chi bộ thôn đã vận động nhân dân cấy 2 vụ hoàn toàn bằng các loại giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ thiếu đói giáp hạt.

Ngoài ra, nhân dân còn tích cực gieo trồng hoa màu vụ đông và trồng chè, trồng cây lâm nghiệp các loại. Nhờ đó, Khe Hùm có 137 hộ thì chỉ có 15 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, còn lại là các hộ khá giả. Kiến thức và sự tận tình vì thôn, bản của người nữ Trưởng thôn ngày càng làm cho người dân Khe Hùm thêm quý trọng.

Ông Hoàng Đình Thăng (dân tộc Tày) - người có uy tín ở thôn Đại Thành, xã Đại Phác (huyện Văn Yên)

Với hơn 40 năm tuổi Đảng, ông Hoàng Đình Thăng không những được bà con tin tưởng vì là đảng viên mẫu mực mà còn rất nhiệt tình tham gia công việc của thôn. Trong thôn xảy ra bất cứ việc gì, từ việc tranh chấp đất đai đến các mâu thuẫn, bất hòa nhỏ làng xóm, gia đình, ông đều có mặt cùng trưởng thôn, tổ hòa giải của thôn để khuyên nhủ, phân tích đúng sai, phải trái một cách khách quan.

Quan điểm hòa giải của ông là phải khôn khéo, có tình, có lý. Ông phân tích, khuyên nhủ các bên ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, tình làng, nghĩa xóm. Cùng với việc giải thích, thuyết phục, ông còn dựa vào pháp luật để phân tích, tư vấn, đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, ông còn thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để trò chuyện, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi và động viên con cháu đến lớp, đến trường. Bằng những việc làm của mình, ông đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn đoàn kết, phát huy tình cảm đạo lý tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư.


Ông Lý Sấy Dơ (dân tộc Mông) - Trưởng bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (Mù Cang Chải)

Trưởng bản Lý Sấy Dơ là con trai của ông Lý Nủ Chu - Đội trưởng Đội Du kích Khau Phạ năm xưa. Phát huy truyền thống cha ông, trong công cuộc xây dựng bản làng hôm nay, Trưởng bản Lý Sấy Dơ cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia vận động bà con trong bản sản xuất lúa đông - xuân.

Từ nhiều năm nay, Trưởng bản Dơ dựng lán ngay gần ruộng của gia đình để thuận tiện việc làm nông. Mỗi năm, gia đình ông đều làm hết diện tích ruộng có thể gieo cấy vụ đông - xuân của gia đình và tích cực chăm sóc lúa đúng kĩ thuật nên thường đạt năng suất cao. “Mình phải làm tốt thì mới đi vận động bà con được, bà con mới nghe và làm theo” - Trưởng bản Dơ chia sẻ.

Nhiều năm qua, Trưởng bản Dơ luôn cùng cán bộ trong Chi bộ bản Lìm Mông tích cực trong vận động và triển khai sản xuất vụ đông - xuân ở bản với những hình thức và biện pháp phù hợp. Nhờ đó, những năm qua, Lìm Mông thực hiện khoảng 43 - 44 ha ruộng đông - xuân, cơ bản làm hết diện tích quy hoạch, giúp cải thiện đời sống của bà con, góp phần đưa Cao Phạ trở thành một trong những xã thực hiện tốt vụ đông - xuân ở Mù Cang Chải.


Ông Triệu Quý Tư (dân tộc Dao) - người có uy tín ở thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh (Trấn Yên)

Những năm qua, mặc dù có tuyến đường nhựa chạy qua trung tâm thôn nhưng các đường nhánh trong thôn vẫn là đường đất, rất lầy lội khi trời mưa. Để cải thiện các đoạn đường này, với tiếng nói của một người có uy tín trong thôn, ông Triệu Quý Tư đã tham gia cùng những người có trọng trách của thôn vận động bà con đóng góp công sức, tiền của, làm trên 80 m đường bê tông, mở mới gần 2 km đường đất vào các nhóm hộ ở xa trục đường chính và tu sửa nâng cấp, xây lấp cống các đoạn qua khe, suối... Từ đó nhiều hộ trong thôn còn tham gia hiến đất, chặt bỏ cây cối để làm đường, có hộ còn di chuyển cả nhà cửa để làm đường đi qua. Hiện nay, 100% đường trong thôn đã đi lại dễ dàng, thuận tiện.

 Thu Hạnh - Hoài Anh - A Mua

Các tin khác
Đường sắt bắt đầu mở bán vé tàu các tuyến phía Bắc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (ảnh minh họa).

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa thông báo mở bán vé tàu chạy các tuyến phía Bắc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đưa lao động tham gia thi tuyển XKLĐ tại Nhật Bản.

Sáng 18/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức gặp mặt lao động tham gia thi tuyển xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Nhật Bản theo chương trình đơn hàng của Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới.

Dự báo từ ngày 19/3, khu vực Bắc Bộ trời chuyển rét. Từ đêm 19/3, khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp các đơn vị tài trợ trao tặng kinh phí xây dựng Nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình khó khăn tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.

Sáng 17/3, tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Ban Thường vụ Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Huyện đoàn Yên Bình phối hợp tổ chức Chương trình Tháng thanh niên năm 2024 với chủ đề “Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục