Ngày gia đình Việt Nam 28/6: Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình

Gia đình - cái nôi xây dựng nhân cách con người

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2016 | 10:09:17 AM

YBĐT - Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: lòng yêu nước, yêu quê hương, kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động...

Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. (Ảnh minh hoạ)
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. (Ảnh minh hoạ)

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: lòng yêu nước, yêu quê hương, kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động... Vì vậy, gia đình đã trở thành cái nôi, nền tảng xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình. Người khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trong bối cảnh đất nước đang có những thay đổi về mọi mặt, đặc biệt từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì vai trò của gia đình ngày càng quan trọng, trong đó đề cao, nhấn mạnh vai trò giáo dục và hình thành nhân cách con người.

Bởi, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường đầu tiên để mỗi người hình thành nhân cách. Việc giáo dục không chỉ thể hiện bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là thông qua cách “đối nhân xử thế” của các thành viên trong gia đình có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ.

Qua những việc làm cụ thể, thành viên trong gia đình từng bước uốn nắn những hành vi lệch lạc, góp phần ngăn chặn những hành vi trái với chuẩn mực xã hội ở con trẻ. Hoạt động này có tính chất đặt nền móng, mang tính truyền thống và là trung tâm, xuất phát điểm, cơ sở của nền tảng giáo dục con người và giữ vai trò như trường học đầu tiên của con người.

Truyền thống gia đình nền tảng xây dựng nhân cách con người. Trong ảnh: Phương châm của gia đình ông Hà Trọng Bằng - xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn là ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo. 

Ngày nay, trong xu thế chung của sự phát triển với những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường thì vai trò gia đình trong xây dựng nhân cách con người ngày càng được khẳng định là gốc rễ giải quyết các vấn đề ứng xử, lối sống của con người. Dễ dàng nhận thấy, văn hóa ứng xử trong gia đình có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trong gia đình.

Bởi, trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ luôn lưu giữ cử chỉ, lời ăn tiếng nói của cha mẹ, mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh chị và các em… Nếu những mối quan hệ này bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình.

Đảng ta đã xác định xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là vấn đề, là việc của mỗi gia đình mà là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ đã được các cấp xác định là việc làm thường xuyên, lâu dài. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Gia đình tốt mới có xã hội tốt”, một gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là nền tảng xây dựng nhân cách con người. Từ đó, mỗi con người tốt sẽ góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ.

Nhiều năm qua, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách con người. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục về vai trò của gia đình không chỉ thể hiện trong việc truyền dạy của ông bà, cha mẹ và các thành viên của gia đình mà còn thể hiện qua việc làm gương của chính họ.

Việc tạo dựng một môi trường tốt cho mỗi người phải xuất phát từ sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên trong gia đình trên cơ sở bình đẳng, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau. Mọi tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân trong gia đình đều phải được lắng nghe, chia sẻ để đáp ứng phù hợp.

Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm nền tảng xây dựng nhân cách trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Ông, bà, cha, mẹ - tấm gương cho con cháu

Ông Phạm Trục, 90 tuổi - tổ 8, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái:

Là bộ đội cụ Hồ, tôi luôn răn dạy các con, các cháu phải sống tốt và lành mạnh. Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực trong công việc, trong học tập, các con, các cháu cần phải biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Người lớn như ông bà, cha mẹ, cô, bác, chú, dì… phải luôn là những người gương mẫu, có hành vi đúng mực đối với các mối quan hệ trong và ngoài gia đình.

Lối sống của ông bà, cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến trẻ nhỏ. Các hành vi không tốt nếu không được nhắc nhở, điều chỉnh sẽ dễ khiến trẻ học theo và hình thành nhân cách không chuẩn mực.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên:

Các gia đình bây giờ thường chỉ có từ một đến hai con chứ không còn nhiều con như ngày trước. Đồng nghĩa với việc mỗi thành viên trong gia đình phải gánh vác phần trách nhiệm nhiều hơn. Đối với cá nhân tôi, giáo dục cách ứng xử, đạo đức cho các con, các cháu là điều quan trọng nhất. Trước thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, ảnh hưởng và sự du nhập nhiều nét văn hóa phương Tây, việc giáo dục trẻ lại càng trở nên cấp thiết. Song song với chăm sóc, dạy dỗ trẻ, gia đình cần tăng cường quản lý hành vi chưa tốt, uốn nắn để trẻ có thể nhận biết và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Anh Vũ Văn Nam, 30 tuổi - phường Minh Tân, thành phố Yên Bái:

Đã có gia đình riêng và tuổi đời còn khá trẻ tôi quan tâm đến việc dạy dỗ con cái ngay từ khi còn nhỏ. Trước mặt con cái, vợ chồng tôi luôn cố gắng tránh nói nặng lời và va chạm không cần thiết.

Ngoài ra, tôi luôn dạy con không được nói dối, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, lễ phép với người lớn, chăm chỉ học tập và hòa đồng cùng bạn bè. Dạy dỗ con trở thành một người có nhân cách tốt không phải là điều dễ dàng và có thể làm được trong ngày một ngày hai. Đó phải là một quá trình giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện, trong đó, gia đình có tác động trực tiếp đến quá trình này.

Chị Hoàng Phương Thảo, 28 tuổi - phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:

Theo tôi, để trẻ từng bước hoàn thiện nhân cách sống cha mẹ cần kiên nhẫn và có sự nghiêm khắc nhất định.

Chủ động định hướng nhân cách cho trẻ nhưng không có nghĩa là áp đặt trẻ theo suy nghĩ và mong muốn của mình. Mà phải hỗ trợ để trẻ có thể phát huy được sự sáng tạo và cá tính riêng mới là điều cần thiết. Sau này, khi con gái tôi lớn, nếu cháu thích tham gia các hoạt động thể chất hay bộ môn nghệ thuật nào đó chắc chắn tôi sẽ hết sức ủng hộ.

Tôi nghĩ nhiều bậc phụ huynh cũng sẽ có cùng suy nghĩ này. Các con càng được trải nghiệm nhiều sẽ có thêm nhiều vốn sống. Trong ngày gia đình Việt Nam 28/6, với tôi sẽ chẳng có gì quý giá hơn một bữa cơm ấm cúng, giản dị, quây quần bên gia đình.     

 Mai Linh (Thực hiện)

Minh Tư

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục