"Hậu pháo" - một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/4/2024 | 7:43:30 AM

Nêu nhận định về vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những đối tượng làm ăn phi pháp, gian manh như "Hậu pháo" đều phải dựa vào quan hệ để làm ăn, trục lợi...

ĐB Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
ĐB Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Trao đổi với phóng viên báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, vụ án "Hậu pháo" - Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã dựa vào một số mối quan hệ để lũng đoạn, gây áp lực nhằm ép lãnh đạo địa phương để trục lợi. Theo ông Hòa, tội phạm này đã xảy ra và đó là hành vi hối lộ, đút lót, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý. 

Không chỉ riêng "Hậu pháo", đã có trường hợp ghi âm, ghi hình, lưu trữ tài khoản chuyển tiền cho quan chức, sau đó tiếp tục "nhờ vả" quan chức. Những cán bộ khi đã nhận tiền phải "giúp đỡ" lại và làm nhiều hành vi trái pháp luật.

"Tôi nghĩ rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật thì "Hậu pháo" không thể giàu nhanh như vậy. Việc hối lộ để được tạo điều kiện làm ăn đã từng xảy ra trước đây. Nhiều cán bộ khi nhận tiền của doanh nghiệp đã tạo mọi điều kiện hay bằng mọi cách để cho doanh nghiệp trúng thầu, trúng giá... để cho doanh nghiệp làm ăn được", đại biểu đoàn Đồng Tháp đánh giá.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/3, đại diện Bộ Công an cho biết, Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can là cựu quan chức Vĩnh Phúc. Để làm việc này, Hậu dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn. Đây là hành vi nguy hiểm, một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân. 

Trao đổi với phóng viên về nội dung trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Công an hiện chưa thông tin chi tiết việc "Hậu pháo" gây sức ép như thế nào, gây sức ép làm sao, nên khó để đánh giá cụ thể.

"Theo tôi, đây là loại tội phạm đã xảy ra trong thời gian qua, nhưng có thể khác nhau về kiểu, về hình thức nhận hối lộ. Ví dụ như nhận hối lộ công khai hay bí mật, nhận trực tiếp hay nhận thông qua một người khác. Nhưng tất cả sau đó đều tạo điều kiện cho đối tượng hối lộ trúng các dự án... Từ đó, đối tượng tiếp tục lợi dụng quan hệ với các quan chức để làm việc với các sở, ban quản lý dự án... Những đối tượng làm ăn phi pháp, gian manh như "Hậu pháo" đều phải dựa vào quan hệ để làm ăn, trục lợi... Do vậy, vụ án này cũng tương tự như nhiều vụ việc trước"- ông Hòa nhận xét.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, luật pháp Việt Nam đã xử lý nhiều vụ việc nhận hối lộ. Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, có trường hợp "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" như không nhận tiền (ví dụ như trường hợp một giám đốc CDC vừa qua, thì có thể xử lý về mặt hành chính). Tuy nhiên, trường hợp "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và nhận tiền hối lộ thì vụ việc phải xử lý hình sự cả đối tượng nhận hối lộ và đối tượng hối lộ.

"Trong các vụ việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" phải tính đến việc sơ suất do yếu tố chủ quan hay yếu tố khách quan. Việc nhận tiền, tiếp tay cho đối tượng hành động vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Những cán bộ vừa qua đều phải xử lý tội hối lộ, vì đã nhận tiền để làm sai. Các cá nhân trong vụ "Hậu pháo" đều khai đã nhận tiền và đều giao nộp lại để khắc phục hậu quả", đại biểu đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, việc "Hậu pháo" vươn "vòi bạch tuộc" tới các địa phương khác ngoài Vĩnh Phúc là không hề mới. Các vụ án lớn như Tân Hoàng Minh hay Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) đều làm ăn ở rất nhiều địa phương hay vụ "kit test" cũng "phủ" tới rất nhiều tỉnh, thành.

"Bước đầu, "Hậu pháo" bị phanh phui bởi những dự án đầu tư tại 2 địa phương là Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi. Nếu không bị phát hiện, đối tượng có thể vươn thêm các tỉnh, thành khác",  đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 17 bị can, trong đó có 1 bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; 2 chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh; 1 phó bí thư thường trực tỉnh ủy cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố trong vụ án này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

(Theo VOV)

Các tin khác
Ông Đặng Việt Hà tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp).

Ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý và phải có trách nhiệm đối với số tiền nhận hối lộ 40 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Thái.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Quyết định truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị đề nghị truy tố thêm tội danh. Theo CQĐT, cùng với lời khai của những người liên quan, trong đó có lời khai của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và tài liệu khác, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Nhàn.

Lực lượng chức năng có mặt trước nhà ông Lê Tiến Phương.

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 trường hợp, trong đó có ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục