Yên Bái: Dấu ấn Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những hiện vật lịch sử

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2024 | 4:03:16 PM

YênBái - Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Chiếc xe đạp thồ được sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Mặc dù là phương tiện thô sơ nhưng với sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết của người lính, chiếc xe đạp thồ đã làm nên con đường vận tải huyền thoại và trở thành "vũ khí đặc biệt” góp phần vào thắng lợi của chiến dịch, là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không gì lay chuyển của một dân tộc trên con đường tìm độc lập, tự do. 

Nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận Điện Biên Phủ. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái luôn được giao những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, góp phần vào sự thành công của Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Nhờ có những con đường huyết mạch nối từ Việt Bắc qua Yên Bái ra mặt trận nên sự cơ động của pháo binh, xe tải, xe thồ được linh hoạt hơn, cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm giúp quân ta đánh thắng quân thù. Tỉnh Yên Bái cũng đã góp sức người, sức của, huy động 124.458 lượt người làm đường, 173.197 công đào, đắp, san lấp hố bom chống lún sạt… để hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe thồ, chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường. Sự đóng góp to lớn này đã được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ quốc gia cùng nhiều hiện vật sống động được trưng bày tại không gian Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Dù đã trải qua 70 năm nhưng gần 400 hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; những chiến thắng và chiến công của quân, dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh vẫn được nâng niu và gìn giữ cẩn trọng.

Từ súng trường, súng tiểu liên, những chiếc áo trấn thủ, lá cờ đuôi nheo, bao tải gùi gạo đến những lá cờ thi đua của quân và dân Yên Bái trong giai đoạn 1952 - 1954... đã bạc màu nắng gió đang hiện diện nơi đây như những "nhân chứng" kể về cuộc kháng chiến. Dưới mỗi hiện vật đều có chú thích đầy đủ, ngắn gọn, xúc tích các thông tin, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày hiện vật tại bối cảnh đó, không gian đó, để người xem thấy mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, là một giai đoạn lịch sử, đưa  người xem cảm giác sống lại không khí cuộc chiến hào hùng, anh dũng, kiên cường 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 


Người dân và du khách tham quan, tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ từ hệ thống tư liệu, hình ảnh hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngay từ đầu tháng 3, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã chào đón hàng nghìn lượt du khách, nhân dân và các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống từ hệ thống tư liệu, hình ảnh hiện vật được trưng bày, liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, để rồi tự hào và xúc động, thêm trân quý những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi.  Ở đó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Những hiện vật đó đã góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng để thế hệ hôm nay và mai sau thêm trân trọng, tự hào, nỗ lực  đem tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, góp sức vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững. 

Thanh Chi – Hoài Văn

Tags Yên Bái Chiến dịch Điện Biên Phủ bảo tàng xe đạp thồ lịch sử

Các tin khác
Lượng khách tấp nập ghé thăm các di tích lịch sử ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Điện Biên từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ ngày 30/4 - 7/5, tỉnh Điện Biên đón hơn 370.000 lượt khách du lịch, doanh thu trên 390 tỷ đồng.

Khối hồng kỳ do các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đảm nhiệm diễu hành qua lễ đài tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong không khí thiêng liêng xúc động và tự hào của cả dân tộc sáng 7/5 vừa qua tại tỉnh Điện Biên, khối hồng kỳ - "biểu tượng của sức mạnh đất nước Việt Nam" đã diễu qua lễ đài với những lá cờ đỏ tung bay trong gió như những ngọn lửa rực cháy, mang theo khí thế hào hùng của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vinh dự "tạo nên" khối hồng kỳ ấy là các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn anh hùng 174, Sư đoàn 316 đóng quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ban Giám khảo chấm các tác phẩm dự thi.

Tại cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”, Ban Tổ chức đã nhận được 422.562 bài thi của thiếu niên, nhi đồng thuộc 63 tỉnh, thành phố.

Phát huy truyền thống lịch sử trên quê hương cách mạng anh hùng, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp khang trang, cuộc sống của nhân dân ngày càng no ấm bởi tỷ lệ hộ khá, giàu nhờ phát triển kinh tế gia đình đang đứng vào tốp đầu của thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục