Tết Đoan ngọ nhớ vị bánh gùn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 8:11:54 AM

YBĐT - Bánh có màu đen ánh đặc trưng và có mùi thơm của lá gùn quyện với hương vị của gạo nếp và đỗ đen bùi ngậy.

Tối qua ti vi báo sẽ có đợt nắng dài, sáng nay, tôi dậy sớm tranh thủ tưới cho mấy chậu cảnh trên sân thượng trước giờ tới cơ quan. Thoảng nhẹ mùi hương thơm ngọt tỏa ra từ góc tường, nơi có khóm sử quân tử vợ tôi mới mua về trồng đầu tháng trước, khiến tôi nán lại vài phút để tận hưởng cảm giác trong lành sớm mai giữa tiểu cảnh vườn nhà.

Đúng là loài cây có nguồn gốc hoang dã nên dễ thích nghi và nhanh ra hoa. Trong thời gian ngắn mà cây đã ổn định và cho những chùm hoa nhỏ xinh xắn màu trắng phớt hồng, lung linh trong nắng sớm. Đang lâng lâng cảm xúc thưởng lãm hương sắc hoa quý, thì giọng vợ tôi từ nhà dưới vọng lên như thúc giục.

 “Anh ơi! Gọi con dậy để chiết sâu bọ đi anh…”. Tôi mới sực nhớ, ồ thế là đã mùng 5 tháng 5 rồi. Nhanh thật đấy! Mới hôm nào tết bánh trôi bánh chay, nay đã tới tết Đoan ngọ.

Bàn ăn sáng nay, vợ sắp toàn trái cây. Nào nho Mỹ, mận tam hoa và cả những trái đào Nhật Bản to như bát nước chấm. Đời sống đi lên, tết chiết sâu bọ cũng sang hơn nhiều. Hồi còn nhỏ, tết này giỏi lắm cũng chỉ có dăm bảy quả mận chua vườn nhà và vài chiếc bánh gùn ngòn ngọt, thơm thơm… thế mà đến giờ tôi còn nhớ mãi.

Vừa giục thằng bé ăn đào Nhật, vợ tôi vừa dặn hai bố con, trưa nay về tranh thủ tắm lấy một lượt nồi nước mùng 5 cho người mát mẻ. Thấy vợ xốn xang chuyện chiết sâu bọ, tôi cũng họa theo cho thêm không khí: “Cây hoa gùn thế nào lại nở đúng sáng mùng 5, mẹ nó ạ!”.

Vẻ ngạc nhiên, vợ tôi cao giọng: “Cây gùn nào vậy?”. Tôi hào hứng: “Thì là cây sử quân tử trên sân thượng ấy! Ngày xưa trên quê mọc đầy, bà nội cu Linh nhà mình toàn gọi là hoa gùn. Tên nghe thế thôi nhưng hoa đẹp và thơm phải biết. Bây giờ cứ mĩ miều gọi thế nọ, thế kia để nghe có vẻ quý hiếm thôi…”. Vợ tôi như vỡ lẽ: “Anh không nói thì ai mà biết được. Thôi thì từ nay cứ gọi là hoa gùn cho dễ nhớ !”.

Dạo ấy đất đồi quê tôi, loài hoa này mọc hoang thành những bụi lớn. Đặc biệt là dọc các đường lô đồi chè và ven nương sắn. Có những bụi dây gùn rợp kín cả gian nhà, đám trẻ chăn trâu cứ tha hồ chơi đùa dưới bóng rợp. Cây gùn là loài thân bụi, cành mềm có thể vươn cao tới hai mét như dạng dây leo. Lá đơn mọc đối hình trái xoan, hoa trắng, phớt hồng hay xen giữa là màu đỏ. Khi hoa mới nở là màu trắng rồi sau chuyển sang màu hồng và hoa có mùi thơm dễ chịu.

Trời càng nắng, hoa gùn càng thắm sắc hồng. Nếu nhìn kỹ thì hoa còn ánh lên màu phơn phớt tím. Hoa mọc thành từng chùm ở đầu cành, gồm nhiều vòi hoa cuống dài với những đài hoa năm cánh xinh xắn, bố cục theo kiểu bông mẫu đơn. Hoa có độ bền khá lâu và nở kế tiếp từng bông trên cùng một chùm, nên mỗi chùm hoa gùn là sự chuyển động của các gam màu, trông thật rực rỡ và sống động.

Khi chơi dưới tán cây gùn, chúng tôi thường ngắt từng bông nhỏ, xâu lại thành những chiếc vòng cổ - gọi là chuỗi ngọc. Hoặc có thể lấy sợi tóc xâu qua vòi nhụy của bông hoa gùn làm thành chiếc chong chóng nhỏ xíu, thi nhau thổi cho xoay tít. Mùa hoa gùn nở rộ khắp triền đồi, không chỉ tô điểm thêm cho cảnh sắc thiên nhiên mà còn gợi nhớ về tết Đoan ngọ nơi đất đồi, quê núi với hương vị bánh gùn bình dị mà thân thương biết mấy.

Đoan ngọ là một trong những ngày tết trong năm theo lịch âm tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Theo âm Hán - Việt thì đoan nghĩa là mở đầu, ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều và ăn tết Đoan ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần Trái đất nhất, trùng với ngày Hạ chí (trừ năm nhuận). Tết Đoan ngọ còn được gọi là tết Đoan dương.

Theo triết lý y học phương Đông thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc. Ở Việt Nam, gọi ngày tết Đoan ngọ là tết chiết sâu bọ (diệt sâu bọ), là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng và thường tổ chức vào buổi trưa ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch.

Trong ngày tết Đoan ngọ năm ấy, ngoài một vài thứ trái cây vừa độ chín trong vườn, mẹ tôi còn thường làm những chiếc bánh gùn mà nguyên liệu là gạo nếp, đỗ đen ngâm với nước tro của lá cây gùn (hoặc rễ cây càng tốt ). Sau đó đem gói lại bằng những mảnh lá chuối mật cho vào chõ xôi.

Khi chín, bánh có màu đen ánh đặc trưng và có mùi thơm của lá gùn quyện với hương vị của gạo nếp và đỗ đen bùi ngậy. Đây cũng chính là vị thuốc tiêu hóa trị giun sán mà mẹ vẫn làm cho cả nhà dùng trong ngày chiết sâu bọ. Thực ra cây hoa gùn ban đầu còn có tên gọi là hoa giun - một phần là bởi thân, cành, hoa, quả và cả rễ cây từ lâu vốn là một vị thuốc trừ giun sán theo phương thuốc cổ truyền.

Quả cây hoa giun có màu nâu đen, vỏ cứng, nhân màu trắng cho nhiều dầu. Đem hạt phơi khô, đập lấy nhân sấy vàng có vị ngọt. Bột từ hạt quả cây hoa giun trộn với đường hoặc mật ong, cho trẻ em ăn từ một đến hai thìa cà phê vào lúc no, trước khi đi ngủ, thì trị được giun sán. Một là vì “hèm”  để tránh đánh động lũ giun sán, theo quan niệm mà nói tránh “bánh giun” thành “bánh gùn” như lời mẹ dặn.

Thêm nữa là từ “bánh giun” nghe không hấp dẫn lắm... nên thành ra gọi là “bánh gùn” cho thuận. Và cây hoa giun cũng dần dà quen gọi là cây hoa gùn. Cũng bởi vậy mà hoa gùn đã in đậm vào ký ức tuổi thơ tôi, cho dù giờ đây theo sách vở nó có tên là “sử quân tử” mà vợ tôi cũng như rất nhiều người khác thường gọi. 

Thời gian trôi đi, cuộc sống đã khác xưa nhiều. Ven những đồi chè, nương sắn mùa hạ về rực rỡ sắc hoa gùn cùng những trò chơi con trẻ quê núi không còn nữa. Thay vào đó là bạt ngàn rừng quế, đồi keo thấp thoáng màu hồng tươi của mái tôn làm nên bức tranh no ấm, đủ đầy trên vùng đất hứa. Tết Đoan ngọ nhà nào cũng sắm đầy bánh trái, tây ta có cả.

Nhưng sao tôi vẫn bồi hồi nhớ hương vị bánh gùn chốn quê nghèo ngày ấy - thứ bánh mùng 5 tháng 5 mà mẹ thường dậy từ bốn rưỡi sáng làm cho chúng tôi ăn trong ngày chiết sâu bọ, để chín anh em tôi đứa nào cũng lớn nhanh như cây chuối giữa soi bãi ven ngòi, dù bữa ăn hàng ngày vẫn chủ yếu là cơm trắng, rau vườn và măng núi, cho chúng tôi đủ sức vượt sông cùng cha mỗi ngày xuôi về cả bè nứa lớn và còn đào cả những chiếc giếng khơi sâu hơn mười mét cũng chỉ không quá ba ngày.

Dưới mái nhà xưa, giờ này, mẹ đã tuổi tám mươi an nhiên cùng bố tôi hưởng tuổi già với đề huề cháu con nhà người em trai út. Những khoảng đồi xưa rung rinh sắc thắm hoa gùn chỉ còn trong tiềm thức và thứ bánh mùng 5 tháng 5 cũng chỉ còn trong chuyện kể mỗi bận về quê. Nhưng dư vị bánh gùn ngày tết Đoan ngọ thì vẫn đọng mãi trong tôi như cái màu hoa thân thương ấy - càng chang chang nắng càng lung linh sắc hồng. 

 Thanh Tửu

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục