Đọc thơ “Có một Trường Sa trên Nà Hẩu - Văn Yên!”

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2019 | 7:55:12 AM

YênBái - Trường Sa - tiếng gọi thiêng liêng ấy mỗi khi ngân lên thì trái tim của triệu triệu người con Việt Nam lại trào dâng bao cảm xúc khó tả. Niềm kiêu hãnh, tự hào ấy đã thực sự làm trái tim nhà báo Lê Anh Phong (Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Bình) tan chảy.

Các học sinh bên cột cờ theo mô hình cột cờ Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)
Các học sinh bên cột cờ theo mô hình cột cờ Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)

Dù sinh ra ở miền Trung khá xa với Yên Bái nhưng khi anh xem báo, nghe đài biết rằng ở một nơi xa xôi - Nà Hẩu (Văn Yên) có một cột cờ Trường Sa như thế. Đây là mô hình theo đúng khuôn mẫu trên đảo Trường Sa Lớn được Báo Yên Bái giúp đỡ xây dựng tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nà Hẩu. Anh đã tìm đến tận nơi và viết bài thơ "Có một Trường Sa trên Nà Hẩu – Văn Yên!”. Chứng kiến những gì mắt thấy, tai nghe để rồi lời thơ trong anh đã trực trào, khôn xiết:

Có một Trường Sa trên Nà Hẩu - Văn Yên 
Là "cột mốc chủ quyền Trường Sa" trước sân trường gió lộng (*)
Gần lắm Trường Sa - trong trái tim mơ mộng
Bao lớp trẻ người Mông chưa biết biển màu gì.

Là nhà báo, Lê Anh Phong đã đi qua bao nẻo đường, trải qua nhiều mảnh đất từ miền xuôi lên miền ngược, từ miền Tây sang miền Đông, từ miền Nam ra miền Bắc, gặp nhiều người, ở nhiều nơi nhưng với anh, có một cột cờ ở Nà Hẩu là điều chưa từng nghĩ tới. 

Bạn đọc cũng dễ hiểu bởi Yên Bái là một tỉnh miền núi, mảnh đất bốn bề bao phủ màu xanh của rừng nên việc học tập, tìm hiểu về biển đảo chủ yếu qua sách, báo, nghe đài, xem ti vi. Vậy nên khi đến đây, nhà báo Lê Anh Phong thực sự ngỡ ngàng, anh đã đặt mình vào không gian bạt ngàn rừng xanh, giữa hàng ngàn đôi mắt ngơ ngác ấy để cảm nhận thấy có một Trường Sa gần như không thể gần hơn. 

Từ sự bất ngờ trong suy nghĩ, từ sự cảm thông, chia sẻ với đồng bào, mỗi lời thơ của anh cứ thế mà bộc bạch, chảy trôi:

Nhiều làng bản người Mông chưa biết biển màu gì
Nhiều cư dân người Mông chưa một lần tới biển
Nhưng yêu lắm hình hài Tổ quốc
Biển với rừng - hai phía yêu thương.

Lời thơ giản dị, câu từ súc tích, trữ tình ngập tràn cảm xúc, tác giả đã khéo léo lồng "hình hài” đất nước qua từng câu chữ, ví von mà khẳng định rõ quy luật "đất với nước”, "mây với trời” và chắc chắn "biển với rừng – hai phía yêu thương” để giới thiệu đến độc giả sự gắn kết, keo sơn của tấm lòng người Việt với Tổ quốc Việt Nam.

Bàn tay quen lên rẫy, làm nương
Bàn chân quen băng rừng, lội suối
Trước "cột mốc chủ quyền" lắng nghe lời biển gọi
Hiểu đất nước, quê hương còn biển rộng sông dài...

Đọc xong khổ thơ này, độc giả không những được nghe đối thoại, độc thoại mà cao hơn nữa đó là sự kết nối. Một sự kết nối giao cảm cộng đồng. Đó còn là sự rung động, cảm nhận rõ sự cảm thông, yêu thương dạt dào của tác giả với đồng bào Mông. Anh đã tạc vào đó những hình ảnh quen thuộc, bộn bề của cuộc sống thường ngày. Nhưng rồi lại dứt khoát, bứt phá, mở lối thoát cho những vần thơ chắc chắn, khẳng định rõ một tương lai mới đang và sẽ mở ra ở nơi đây. 

Tác giả đã khéo léo chuyển thể khổ thơ từ quan sát đến những ước vọng, khát khao còn nằm đâu đó, sâu xa trong tiềm thức mỗi người Mông. Không gian, thời gian đã được mở ra một chân trời mới:

Và tình yêu Tổ quốc được nối lời
Trong mỗi sáng chào cờ, trước sân trường em hát
Tổ quốc thân thương, bát ngát rừng xanh, mênh mang biển rộng
Nâng cánh ước mơ nuôi em lớn nên người.

Càng đọc, càng thấy thiết tha. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn cấu tứ, câu từ ở đoạn thơ này để rồi "trải dài” Tổ quốc rộng dài theo hình chữ S. Đọc thơ mà thấy cả màu đỏ của lá cờ, màu áo trắng học trò bay trong gió, lại thấy đất nước tươi xanh một màu rừng, màu biển mà trong màu sắc ấy thấy cả hòa bình, yên ấm nơi nơi. Người đọc như chìm vào không gian càng lúc càng mở ra, rộng hơn, thênh thang hơn để gió, để cả vũ trụ nâng cánh ước mơ của em thơ bay cao, bay xa, trở thành người trưởng thành, yêu quê hương, yêu đất nước, có ích cho đất nước. 

Xa cách không gian, càng gần lắm tình người
Chủ quyền Trường Sa hiện hình nơi rừng thẳm
Tiếng "Tổ quốc" 
Dẫu vang lên nơi đầu sóng
Hay cuối ngọn nguồn 
Đều rất đỗi thiêng liêng!

Kết thúc bài thơ, lần nữa tác giả lại khẳng định một Trường Sa đang rất gần, đang hiện hữu và rất thiêng liêng nằm trong lòng Nà Hẩu. Tiếng "Tổ quốc” lần nữa lại reo ngân vào lòng người như thể "Tổ quốc” gọi tên mỗi người: Hãy sống xứng đáng với quê hương – nơi đó có biên cương và hải đảo, có Nà Hẩu xa xanh và Trường Sa ngày đêm ầm ào sóng vỗ!

Thủy Thanh

(*) Cột cờ mô phỏng "cột mốc chủ quyền Trường Sa" tại sân trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là công trình do cán bộ, công nhân viên chức Báo Yên Bái cùng các nhà hảo tâm đóng góp có giá trị hơn 80 triệu đồng và cũng là công trình Cột cờ chủ quyền Trường Sa đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cột cờ được xây dựng bằng bê tông, cao 4m, rộng hơn 1m, đế rộng 3m. Trên bề mặt trước, ngoài việc thể hiện các vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa, các kỹ sư thiết kế còn chạm khắc thêm biểu tượng trống đồng đặt ở mặt trước Cột cờ. Trên đỉnh là lá cờ đỏ sao vàng của đất nước Việt Nam. 

Tags Trường Sa Văn Yên Nà Hẩu

Các tin khác

Sáng 20/4, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024 và Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI để nâng cao hiệu quả đọc sách và học tập”.

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống tại lễ kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa.

Tối 19/4, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục