Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2021 | 9:37:06 PM

YênBái - Tại Lễ mừng Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đã đại diện các tỉnh có di sản, phát biểu trong sự kiện này. YBĐT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại lễ mừng Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại lễ mừng Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 Kính thưa đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Kính thưa đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương
Thưa các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí cùng toàn thể các quý vị đại biểu!

Lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo 4 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái, tôi trân trọng gửi tới các quý vị đại biểu có mặt trong Chương trình hôm nay lời chào mừng và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các quý vị đại biểu !

Sau hơn 5 năm (kể từ tháng 10/2016) khi tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp triển khai kế hoạch xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Với sự cố gắng nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc, cách làm khoa học, bảo đảm lộ trình của 04 tỉnh và Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; cùng với sự quan tâm ủng hộ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các bộ, ngành liên quan - Chúng ta vừa hòa chung niềm vui mừng hân hoan, phấn khởi, tự hào giơ cao lá cờ Tổ quốc, chứng kiến giây phút hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy trang trọng với các nghi thức đánh dấu sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước năm 2003 của UNESCO tại Thủ đô Pari, Cộng hòa Pháp.

Sự kiện quan trọng này đã thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng; là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, của nhân dân các dân tộc 04 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng. 

Kính thưa các quý vị đại biểu !

Nghệ thuật Xòe Thái mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của cộng đồng người Thái; là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh sự đa dạng văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nước ta; là một một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Thái.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham gia vòng đại xòe trong Lễ hội Văn hóa- du lịch Mường Lò năm 2020. 

Việc tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng luôn được các tỉnh quan tâm thực hiện. Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ Nghệ thuật Xòe Thái, điển hình như: Thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng (4 tỉnh có khoảng 3.300 đội); phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái; truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy; xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương… (Yên Bái đã đưa Nghệ thuật Xòe Thái vào các cơ sở giáo dục, kết hợp với xây dựng Trường học hạnh phúc; tổ chức thường niên Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò).

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng:

(i) Ở cấp độ quốc tế, việc UNESCO ghi danh Xòe Thái giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

(ii) Ở cấp độ quốc gia, sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.

(iii) Ở cấp độ địa phương, nơi có nghệ thuật Xòe Thái - sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại. 

Ngay sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương. 

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, tôi trân trọng cảm ơn Đồng chí Tòng Thị Phóng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo 4 tỉnh qua các thời kỳ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO; trân trọng cảm ơn các nghệ nhân dân gian và đồng bào các dân tộc đã dày công, tâm huyết giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng, để hôm nay Nghệ thuật Xòe Thái đã thực sự trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái đến với bạn bè trong nước và quốc tế. 

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2022, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh bạn, cùng toàn thể quý vị đại biểu khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành công. 

Chúc Nghệ thuật Xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. 

Xin trân trọng cảm ơn!

YBĐT

Tags Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy gìn giữ phát huy Nghệ thuật Xòe Thái Di sản văn hóa phi vật thể

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục