Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - LTS: Trước nguy cơ dự báo cháy rừng ở cấp độ cao xảy ra trên địa bàn trong điều kiện thời tiết khô hanh, UBND tỉnh đã có Công điện số 01/CĐ - UBND ngày 17/01/2007 về một số biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Sau đây là nội dung chi tiết:

Rừng thông Trạm Tấu.
Rừng thông Trạm Tấu.

Trong thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương, các chủ rừng đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế ở cơ sở công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng có lúc, có nơi còn buông lỏng, việc quản lý bảo vệ rừng còn chưa chặt chẽ, tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra. Việc kiểm tra, truy quét, xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng của các ngành, các cấp chính quyền còn chưa đồng bộ, chưa kịp thời và thiếu kiên quyết, nhất là cấp xã. Ý thức chấp hành của một bộ phận người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa tốt.

Hiện nay, sắp đến Tết Nguyên đán, đồng thời chưa vào vụ sản xuất, người dân có thời gian nhàn rỗi, do đó tình trạng người dân lên rừng, chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép đang xảy ra. Ngoài ra những tháng này, điều kiện thời tiết rất khô hanh, đặc biệt là đối với các huyện phía Tây của tỉnh (Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn), nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, tăng cường các biện pháp cấp bách thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2007, đồng thời ngăn chặn ngay tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, khai thác, vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân và ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan ban, ngành trong tỉnh; Thường trực ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

I. Công tác quản lý bảo vệ rừng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, phối hợp với các cơ quan: Công an, Quản lý thị trường và các lực lượng có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng lâm sản trái phép, trong đó áp dụng biện pháp ngăn chặn xử lý triệt để tại chỗ là chủ yếu (địa bàn xã, thôn, bản nơi để xảy ra phá rừng).

2. Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là những điểm trung chuyển lâm sản trái phép từ rừng xuống; xử lý triệt để, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng lâm sản trái phép theo pháp luật hiện hành.

3. Công an tỉnh tăng cường công tác điều tra những đối tượng cầm đầu việc tổ chức khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng lâm sản trái phép.

Đối với những trường hợp vi phạm đủ điều kiện truy tố, tiến hành lập hồ sơ truy tố trước pháp luật; đồng thời hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển trên các tuyến giao thông và kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm theo các quy định hiện hành.

4. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng trong hệ thống quân sự và dân quân hỗ trợ lực lượng kiểm lâm và các lực lượng tham gia khác, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn.

5. Chi cục Quản lý thị trường tăng cường các hoạt động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực lâm sản, phối hợp với các ban, ngành chức năng ngăn chặn buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
6. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chuyên trách (công an, quân đội, kiểm lâm, quản lý thị trường) cùng ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, xử lý các cá nhân, tổ chức phá rừng ngay trên diện tích rừng thuộc phạm vi địa phương mình quản lý.
Tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản; đồng thời kiên quyết xử lý triệt để, nghiêm minh những kẻ chủ mưu, chống đối, những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn huyện nào, xã nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, sử dụng lâm sản trái phép thì chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, xã và kiểm lâm viên xã đó chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm, xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

II- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

 1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và phải xác định công tác quản lý bảo vệ rừng thuộc trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương.

2. Tiếp tục, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm minh các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện, xã và chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định vùng trọng điểm cháy rừng để có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

4. Chỉ đạo, điều hành sự phối hợp liên ngành ở địa phương và chính quyền cơ sở. Đặc biệt, các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) rà soát quy chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ, tổ chức thường trực tại hiện trường ở những khu vực rừng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao; tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho những đối tượng không có phận sự vào rừng. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trên, các cơ quan phát thanh, truyền hình và báo địa phương tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

5. Trong các tháng cao điểm mùa khô, tổ chức trực  cháy rừng 24/24 giờ trong ngày, thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng, báo cáo kịp thời theo Công văn số 1234/KL-BV&PCCCR ngày 16/11/2006 của Cục Kiểm lâm về chế độ phòng cháy, chữa cháy rừng.

 Chủ tịch
Hoàng Xuân Lộc

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục