Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Để thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội và bầu bổ sung đại biểu HĐND các cấp, ngày 9/2/2007, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra Chỉ thị số 09-CT/TU "Về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện". Sau đây là nội dung chi tiết:

Ngày 26/01/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ngày 29/01/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào ngày chủ nhật, 20/5/2007.

 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang trong tỉnh đang nỗ lực thi đua vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, sớm đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

 

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp tỉnh, huyện là cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng của nhân dân để trực tiếp lựa chọn và bầu ra những đại biểu ưu tú, đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh trong năm 2007.

 

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 26/01/2007 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

 

1.Xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp tỉnh, huyện bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.

2.Lãnh đạo tốt công tác nhân sự để giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hai cấp. Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo cơ cấu hợp lý về thành phần đại biểu đại diện cho các dân tộc, tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, người đang công tác trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang.

 

Chỉ đạo chặt chẽ việc ứng cử, đề cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức phụ trách bầu cử, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp mình tổ chức hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri bảo đảm nội dung, quy trình và thời gian quy định.

 

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp. Chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm để mọi công dân đều được thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

 

3.Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung chỉ đạo lựa chọn người tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử. Người tham gia công tác bầu cử phải có kinh nghiệm về công tác bầu cử, khách quan, trung thực, có tín nhiệm với nhân dân và được tập huấn kỹ về nghiệp vụ công tác bầu cử.

 

4.Lãnh đạo việc tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp; những nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân để mọi người hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, nắm vững quy định pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện công tác bầu cử; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, mọi công dân tích cực thực hiện quyền lựa chọn, giới thiệu và bầu những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất làm đại biểu của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia bầu cử.

 

5.Lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp; bảo đảm điều kiện, phương tiện vật chất phục vụ bầu cử; chỉ đạo xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử; chủ động các phương án đối phó với những tình huống có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

 

6.Các cấp ủy, tổ chức Đảng, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng bầu cử bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, các ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký và được phổ biến, quán triệt tới các chi bộ.

 

T/M BAN THƯỜNG VỤ BÍ THƯ

          Phùng Quốc Hiển

                                             (Đã ký)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục